Xét xử 27 bị cáo về 6 tội danh
TAND TP Hà Nội vừa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo đó, ngày 12/5, Tòa án sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc và 26 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Mỏ đất hiếm Yên Phú, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị có liên quan.
2 bị cáo Nguyễn Linh Ngọc (trái) và Đoàn Văn Huấn.
Trong số 27 bị cáo, Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương) bị Tòa án đưa ra xét xử về 3 tội danh, gồm: “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây ô nhiễm môi trường”, quy định tại khoản 2, Điều 227, khoản 3, Điều 221 và khoản 3, Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Nhóm 7 bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ TN&MT và Sở TN&MT tỉnh Yên Bái bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT); Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản); Hoàng Văn Khoa (cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản); Lê Duy Phương (cựu Chuyên viên chính Vụ Khoáng sản); Hồ Đức Hợp (cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái); Lê Công Tiến (cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái); Bùi Đoàn Như (cựu Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái).
Bị cáo Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Thái Dương) bị đưa ra xét xử về 2 tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2, Điều 227 và khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự;
Bị cáo Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) bị đưa ra xét xử về 2 tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định khoản 4, Điều 188, khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự;
7 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Buôn lậu”, quy định tại khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự gồm: Đỗ Hạnh Hương (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Phạm Xuân Hậu và Phạm Thị Yến (cùng là nhân viên Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Nguyễn Thanh Đoàn (Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương Binh Trường Sơn); Vũ Thị Tuyết (lao động tự do); Trần Đức (Giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics); Trần Như Hoàng (nhân viên Công ty TNHH Dương Liễu Logistics).
2 bị cáo Nguyễn Văn Thuấn và Hoàng Văn Khoa.
6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự, gồm: Đặng Trần Chí (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Hợp Thành Phát); Phạm Thị Hà (Kế toán Công ty TNHH Thương mại Vận tải Hợp Thành Phát); Trương Thị Hiển (Kế toán Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam); Nguyễn Anh Sơn (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sơn Anh Phú Thọ); Đoàn Hải Nam (Trưởng phòng vật tư Công ty cổ phần thép Hòa Phát Hải Dương); Đỗ Khánh Toàn (Phó Giám đốc Công ty TNHH Atexim).
Bị cáo Lưu Vũ (LIU YU, quốc tịch Trung Quốc) bị đưa ra xét xử về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, quy định tại khoản 4, Điều 323 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Nguyễn Quang Mạnh (Giám đốc điều hành mỏ Yên Phú - Công ty Thái Dương) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự.
2 bị cáo thuộc Nhà máy sản xuất, chế biến đất hiếm - Công ty Thái Dương bị Tòa án đưa ra xét xử về tội “Gây ô nhiễm môi trường”, quy định tại khoản 3, Điều 235 Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Văn Lai (Phó Giám đốc điều hành xưởng nghiền, tuyển quặng đất hiếm) và Lê Văn Cẩn (Quản đốc xưởng thủy luyện đất hiếm).
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khoáng sản
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu và quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản. Đoàn Văn Huấn trong vai trò lãnh đạo Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) trong thời gian từ 2019 - 2023.
Số khoáng sản bị khai thác trái phép có tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Huấn cùng đồng phạm đã tiêu thụ được số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng. Nhằm che đậy hành vi sai phạm trên các chứng từ, Đoàn Văn Huấn còn chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại hơn 9,6 tỉ đồng tiền thuế cho Nhà nước.
Cơ quan tố tụng xác định, năm 2012, Bộ TN&MT có quyết định giao Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được chỉ đạo, giải quyết lĩnh vực địa chất, khoáng sản và phụ trách Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.
Trước đó, năm 2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương nên Nguyễn Linh Ngọc ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép, nêu rõ “hồ sơ đề nghị cấp phép đã đủ điều kiện”.
Do vậy, Văn phòng Chính phủ có công văn giao các bộ chỉ đạo Chủ đầu tư lập dự án đầu tư chế biến sâu đất hiếm, báo cáo đánh giá tác động môi trường... Thủ tướng cũng có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Các bị cáo trong vụ án.
Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Công ty Thái Dương đã lập Dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm gồm: Nhà máy thủy luyện để chế biến oxit đất hiếm tại Yên Bái và Nhà máy chiết tách - chế biến oxit đất hiếm tại Đình Vũ (Hải Phòng).
Hồ sơ chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cấp phép
Ngày 14/12/2012, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ TN&MT, Bộ Công thương, UBND tỉnh Yên Bái thông bảo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Đồng ý về nguyên tắc việc khai thác, chế biển quặng đất hiếm mỏ Yên Phú với điều kiện: quặng đất hiếm phải chế biến sâu, không xuất khẩu quặng thô và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khoáng sản; không chuyển nhượng quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”.
Nhận văn bản trên, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản hoàn thiện hồ sơ cấp phép cho Công ty Thái Dương.
Đến thời điểm này, Dự án đã thay đổi cả về quy mô và tính chất; không chỉ có Dự án khai thác, tuyển quặng như; khi xin cấp phép năm 2011, mà tăng lên thành 3 Dự án không thể tách rời, gồm: Dự án khai thác, tuyển quặng; Dự án nhà máy thủy luyện Yên Bái và Dự án nhà máy chiết tách Hải Phòng.
Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012) và chưa được gia hạn hoặc cấp mới; không có Giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy thủy luyện Yên Bái và Nhà máy chiết tách Hải Phòng.
Đồng thời, vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương không đảm bảo tỷ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án (vốn chủ sở hữu 200 tỉ đồng/ 1.953 tỉ tổng vốn đầu tư), việc này vi phạm Luật Khoáng sản.
Tuy nhiên, nhóm cán bộ tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc, nghiên cứu, biết hồ sơ chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương vào năm 2013.
Hành vi của nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ TN&MT nêu trên đã giúp Đoàn Văn Huấn tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt có tổng trị giá 736 tỉ đồng.
Quá trình khai thác, Công ty Thái Dương có loạt sai phạm khác gồm khai thác khi chưa đủ điều kiện; không đúng quy định về việc đăng ký, thông báo ngày bắt đầu xây dựng mỏ, ngày bắt đầu khai thác mỏ: vi phạm trong việc đăng ký, thông báo ngày bắt đầu xây dựng mỏ; vi phạm về đất đai, môi trường…
Nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, gồm: Hồ Đức Hợp, Lê Công Tiến, Bùi Đoàn Như biết Công ty Thái Dương khai thác và tiêu thụ đất hiếm từ năm 2020 và có những hành vi sai phạm nêu trên nhưng đã không ngăn chặn. Thậm chí năm 2021, khi Công ty Thái Dương nộp hồ sơ xin Gia hạn Giấy phép khai thác khoảng sản, nhóm bị cáo này còn báo cáo UBND tỉnh Yên Bái nội dung doanh nghiệp: “Đã chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác”.
Hồng Nguyên