Thí sinh dự thi Đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 của ĐHQGHN. Ảnh minh họa: INT
Tuy nhiên, cũng từ đây đặt ra vấn đề mới cho quá trình hướng nghiệp ở bậc THPT là làm sao có thể giúp các em lựa chọn được đúng việc làm, ngành nghề sau khi tốt nghiệp. Theo tôi, đây là một vấn đề quan trọng trong quá trình dạy học hướng nghiệp. Từ kinh nghiệm bản thân, xin chia sẻ một số yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn ngành nghề cho học sinh.
Ngành nghề đam mê
Trước hết, chúng ta cần phải khẳng định rằng, nếu lựa chọn được một công việc, ngành nghề mà mình đam mê, yêu thích thì khả năng cống hiến sẽ cao hơn. Từ đó, hiệu quả, năng suất lao động của công việc cũng sẽ tốt hơn với việc chúng ta phải làm một nghề mà mình ghét bỏ. Điều đáng chú ý ở đây là nếu bạn chọn nghề đúng với đam mê của mình, ngày làm việc sẽ bớt đơn điệu hơn và không có cảm giác buồn tẻ khi… đồng hồ báo thức đổ chuông đi làm.
Lựa chọn ngành nghề theo đam mê có liên quan trực tiếp đến hiệu quả. Nếu thực sự đam mê, bạn sẽ cảm thấy hài lòng với những gì đã hoàn thành trong giờ làm việc. Và hơn thế nữa, sản phẩm làm ra sẽ là thứ bạn tự hào. Điều đó giúp bạn có lý do để tiếp tục làm việc hứng khởi hơn.
“Hãy chọn một công việc bạn yêu thích và bạn sẽ không bao giờ làm việc một ngày nào trong đời” là câu nói chứa đựng một ý nghĩa sâu xa. Đúng là một ngày làm việc vẫn là một ngày làm việc, cho dù bạn có thích công việc đó hay không nhưng được làm công việc mình yêu thích thì sẽ đem lại sự hứng khởi cũng như sáng tao nhiều hơn với một công việc mình nhàm chán.
Hồi sinh viên mới ra trường, chừng một vài năm sau gặp lại bạn bè câu đầu tiên chúng tôi vẫn thường hỏi là “Bạn đã tìm được việc làm gì rồi? Làm ở đâu?”. Điều đó có nghĩa là chúng tôi quan tâm đến vấn đề có được làm công việc mà mình từng được đào tạo, được học hành chính quy ở trường đại học hay không.
Bởi lẽ, thường thì chọn trường đại học cũng là sự lựa chọn cho ước mơ, cho sở thích và gửi gắm trong đó cả tương lai cuộc đời của mỗi con người. Và, chúng tôi luôn suy nghĩ, rằng chỉ có làm công việc mình yêu thích thì chúng tôi mới đang được sống đúng nghĩa, còn ngược lại chỉ làm việc vì thu nhập mà mình lại không yêu thích thì đó chỉ là sự tồn tại.
Trong những lần gặp gỡ ấy, bọn tôi thường tìm thấy vô vàn điều thú vị từ câu trả lời của người còn lại. Có người trả lời dí dỏm, kiểu như “làm gia sư ở công ty gia đình”. Cũng có người thật thà mà rằng: “Vũ như cận! Thất nghiệp”. Và phần lớn trong các câu trả lời đều có một điểm chung là các bạn đang phải làm… trái ngành nghề mình được học trước đây. Sư phạm thì đi bồi bàn, làm báo. Kế toán thì đi tiếp thị, chạy taxi. Ngân hàng thì buôn bán online trên mạng.
Cũng buồn nhưng chúng tôi đều hy vọng đó chỉ là những công việc tạm thời trên con đường đi tìm việc đầy gian nan thử thách. Và, tất cả chúng tôi tin rằng rồi mình sẽ được sống với một nghề mình đam mê và yêu thích…
Lựa chọn ngành nghề theo đam mê có liên quan trực tiếp đến làm việc hiệu quả. Nếu đó thực sự là điều bạn đam mê, bạn sẽ cảm thấy hài lòng với những gì bạn đã hoàn thành trong giờ làm việc và hơn thế nữa. Sản phẩm phụ thuộc trong công việc của bạn sẽ là thứ bạn tự hào và điều đó sẽ giúp bạn có lý do để tiếp tục làm việc đó một cách hứng khởi hơn.
Ngày hội việc làm cho sinh viên năm 2024 do Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức. Ảnh minh họa: INT
Ngành nghề có thu nhập cao
Thoạt nghe, chúng ta tưởng sẽ mâu thuẫn với việc lựa chọn nghề theo đam mê. Nhưng theo tôi, lựa chọn nghề có thu nhập cao là yếu tố thứ hai cho việc bạn có thể lựa chọn được một công việc hoàn hảo. Xét về một góc độ nào đó, điều này là rất hợp lý nếu chúng ta đã lựa chọn được một công việc đúng với sở trường của mình, vì khi đó hiệu suất làm việc của bạn đã là được nâng cao.
Cha ông ta cũng đã từng dạy “có thực mới vực được đạo” hay nhà thơ Xuân Diệu cũng từng đã phải thốt lên “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nghĩa là, dù là lựa chọn được công việc yêu thích rồi nhưng một yếu tố kèm theo rất quan trọng là yếu tố thu nhập của nghề nghiệp đó mang lại cho chúng ta. Đây cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng sống của chính bạn. Thu nhập xét đến cùng là một yếu tố quan trọng để đánh giá giá trị của những sản phẩm mà các ngành nghề đem lại cho xã hội.
Trở lại với câu chuyện về lời hỏi thăm của bạn bè sau mỗi lần gặp mặt. Khoảng mười năm sau, mỗi lần bè bạn có dịp hạnh ngộ (nhân họp lớp, họp nhóm, hội khóa…), chúng tôi lại thường hỏi nhau bằng những câu hỏi mới có phần thực tế hơn: “Công việc đã có gì thay đổi chưa? Lương mấy triệu một tháng?”... Nghĩa là bấy giờ, chúng tôi quan tâm đến khả năng thay đổi hiện tại của mỗi người và để xem mức sống, để biết “đẳng cấp” của đơn vị, cơ quan làm việc của mỗi người như thế nào.
Và nữa, là bạn đã trở về với công việc đúng mình từng học hay chưa. Khi ấy, kèm với câu trả lời là cả những nỗi niềm khó nói của mấy đứa bạn vẫn đang phải làm trái nghề hay lương thấp. Những đứa lương chỉ đủ sống hoặc chật vật mới sống được như cánh gõ đầu trẻ chúng tôi thở dài và… im lặng lảng sang câu chuyện khác. Nhưng trước áp lực của những ánh nhìn ném về phía mình cũng phải thành thực khai báo.
Nghe thấy thế, mấy đứa bạn khá giả hơn đứa tế nhị cũng tìm cách động viên và trấn an mình theo triết lý nhà Phật. Thôi thì con người có duyên có số, chịu khó mà làm ăn… khổ trước sướng sau, ai biết được sau này thời vận thay đổi. Rồi thì, lương thấp nhưng được làm công việc mình đam mê là ổn rồi. Cũng có đứa mỉa mai, lương “cao thế” thì sống thoải mái quá còn gì.
Cũng có đứa nói luôn, lương ấy chẳng bằng tay lái xe cho tao ở công ty, sống làm sao nổi. Dù bùi ngùi, nhưng tôi – một thầy giáo Văn, vẫn tỏ ra… cứng cỏi trước những lời ấy của đám bạn. Nhưng phải nói thành thực, rằng câu hỏi “Lương mấy triệu một tháng?” vẫn là nỗi ảm ánh vô cùng với mấy đứa lương chỉ đủ sống.
Những tưởng, chỉ riêng nhóm bạn đồng niên, đồng khóa, đồng môn chúng tôi mới hay tò mò hỏi chuyện lương bổng, công việc. Hóa ra không phải vậy, mà dường như đó là mối quan tâm chung của mỗi người Việt khi gặp gỡ nhau. Anh bạn đồng nghiệp của tôi sau dịp đi đám cưới trong Nam về khái quát: Người miền Nam khi gặp nhau họ không hay hỏi như người ở miền Trung mình, họ chỉ hỏi “Cháu thu nhập một tháng được mấy triệu?”.
Có nghĩa là họ quan tâm đến thu nhập thực tế từ việc làm của bạn mang lại. Họ đánh giá mức độ thành công, yêu thích công việc thông qua thu nhập cá nhân mà không cần quan tâm bạn làm gì, ở đâu, cho ai. Phải chăng, người miền Nam thực tế và năng động hơn, chỉ coi trọng thu nhập, mức sống chứ làm gì, ở đâu là thứ không mấy quan trọng? Anh bạn đồng nghiệp tôi tiếp tục so sánh, phân tích.
Riêng người miền Bắc thì họ lại thường hỏi người mới gặp gỡ, nhất là những cặp đang có ý định tìm hiểu tiến tới hôn nhân, rằng: “Cháu đã vào biên chế chưa?”. Rồi anh ấy tự đi đến kết luận bằng câu hỏi: “Phải chăng người miền Bắc chỉ ưa sự ổn định, coi trọng cái “danh” hơn cái “thực”?
Học sinh, phụ huynh tham gia ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024. Ảnh minh họa: INT
Lựa chọn phù hợp với sức khỏe
Có một thực tế, khi lựa chọn nghề nghiệp học sinh phổ thông thường ít để ý đến vấn đề công việc trong tương lai mà mình dấn thân có phù hợp với sức khỏe của bản thân hay không. Để có thể đảm bảo cho một công việc thuộc bất cứ ngành nghề nào thì yếu tố sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu.
Không phải ngẫu nhiên khi tuyển dụng, các công ty, cơ quan luôn yêu cầu kèm theo trong hồ sơ là giấy khám sức khỏe. Một cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật luôn được các nhà tuyển dụng việc làm quan tâm, bởi sức khỏe tốt thì người lao động mới duy trì được công việc lâu dài.
Tuy nhiên, người lao động ban đầu có tình trạng sức khỏe tốt thì không có nghĩa là chúng ta có thể chọn làm ở bất cứ lĩnh vực thuộc ngành nghề nào cũng được. Người thông minh sẽ biết chọn ngành nghề, công việc mà ở đó những ông chủ biết quan tâm đến vấn đề sức khỏe của người lao động.
Nghĩa là, họ vừa chú ý năng suất lao động lại vừa tạo thời gian nghỉ ngơi hợp lý để chúng ta có thể tái hoạt động sản xuất. Từ đây, trong quá trình lựa chọn, tìm kiếm việc làm cho tương lai, các em cần chú ý đến vấn đề giờ làm trên ngày, vấn đề chăm lo y tế đảm bảo sức khỏe, vấn đề độc hại của công việc…
Mặt khác, có những công việc có thể phù hợp về sức khỏe, tâm lý với người này những lại không phù hợp đến sức khỏe, tâm lý của người khác. Ví dụ như bác sĩ phẫu thuật, có người có khả năng chuyên môn ở lĩnh vực này nhưng tâm lý luôn sợ hãi thì sẽ không thể đảm nhận được công việc này.
Cách đây mấy hôm, tôi có gặp một người Việt đang làm việc ở nước ngoài, những câu chuyện của anh về công việc, cuộc sống bên ấy thực sự khiến tôi phải suy ngẫm nhiều. Anh làm cho một công ty ở nước ngoài đã nhiều năm, nhân dịp về Việt Nam thăm dò thị trường, anh đi cùng bố vợ vào Nghệ An.
Trong buổi chuyện trò, tôi đưa những câu chuyện về thu nhập, việc làm ở ta ra trao đổi. Anh ấy lấy làm thích thú và rất chăm chú nghe. Và khi tôi hỏi, nếu là anh thì sẽ quan tâm yếu tố gì nhất về công việc. Anh trả lời ngay rằng: Là thời gian làm việc trên một ngày. Anh cũng nói rằng, ở nơi anh làm việc, họ thường đặt câu hỏi “Công việc hiện tại của bạn thực sự cần đến mấy tiếng một ngày?”.
Tôi ngạc nhiên bởi câu hỏi đó có sự khác biệt với câu hỏi của bạn bè, đồng nghiệp của tôi rất nhiều. Tại sao không hỏi thu nhập bao nhiêu một tháng? Làm công việc gì? Ở đâu? Đã vào biên chế chưa? Sao chỉ hỏi làm bao nhiêu giờ một ngày? Hỏi điều ấy là dụng ý gì?
Như đoán được những thắc mắc trong tôi, anh nói thêm, rằng mình học được điều ấy từ những năm tháng lao động vất vả ở xứ người. Qua đó, tôi hiểu được rằng, giá trị của công việc còn nằm ở thời gian bạn phải bỏ ra là như thế nào, nó có quá nhiều đến mức không thể có thời gian nghỉ ngơi hay đảm bảo mức thời gian vừa phải để bạn có thể chăm lo cho sức khỏe của mình…
Như vậy, việc đánh giá chất lượng cuộc sống của một con người qua công việc cũng không phải là một việc đơn giản. Một công việc mình đam mê yêu thích để được tận hiến, phát huy hết năng lực của bản thân? Một công việc như thế nào cũng được miễn là có thu nhập cao? Không quan trọng, công việc ấy miễn là ổn định? Tất cả không quan trọng bằng, công việc ấy cần đủ thời gian để người lao động được nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng?
Lựa chọn một công việc phù hợp với bạn - những bạn đang học THPT phụ thuộc nhiều yếu tố, ngoài kỹ năng và kiến thức còn bao gồm mục đích sống, tính cách, giá trị cốt lõi, hứng thú, tình trạng tài chính, tâm sinh lý… Nhưng theo tôi, ba yếu tố cốt lõi của một công việc tốt vẫn là niềm đam mê, thu nhập cao và phù hợp với sức khỏe.
Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. (Nghị quyết số 29/NQ-TW)
Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Mỹ - Nghi Lộc - Nghệ An)