Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - Khoa Y học Cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TPHCM, rau gia vị không chỉ làm tăng hương vị món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhờ các hoạt chất quý giá. Hằng ngày, bổ sung thêm rau thơm vào bữa ăn giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình oxy hóa.
Bác sĩ Vũ giới thiệu ba loại rau gia vị phổ biến: kinh giới, tía tô và húng chanh, với những công dụng nổi bật trong y học cổ truyền và hiện đại.
1. Kinh giới
Kinh giới, còn gọi là kinh giới tuệ, giả tô hay khương giới, là loại rau gia vị chứa nhiều tinh dầu, chất chống oxy hóa và chống viêm. Lá kinh giới có mùi thơm dễ chịu, vị cay nồng, chứa khoảng 1% tinh dầu. Hoa kinh giới có tác dụng mạnh hơn lá trong việc kích thích tiết mồ hôi. Toàn cây có thể dùng tươi, sao đen hoặc sao cháy tùy theo mục đích điều trị.
Theo y học hiện đại, kinh giới giúp hạ sốt, chống viêm, giảm đau và an thần khi sử dụng ở liều lượng phù hợp. Tinh dầu kinh giới chứa các phenol hỗ trợ chống oxy hóa, loại bỏ gốc tự do và ức chế một số loại virus khi khuếch tán.
Húng bạc hà chứa nhiều tinh dầu, tốt cho sức khỏe. Ảnh: Ngọc Lan.
Trong y học cổ truyền, kinh giới có vị cay, tính ôn, giúp phát tán phong hàn, làm ra mồ hôi, thanh nhiệt, giảm đau đầu và hỗ trợ tiêu hóa.
Người dân có thể ăn trực tiếp lá kinh giới trong bữa ăn hằng ngày. Có thể dùng 3-10g lá sắc lên uống để trị cảm cúm mùa hè, say nóng, sốt không ra mồ hôi hoặc nhức đầu.
Lưu ý, không dùng kinh giới trong trường hợp tự ra mồ hôi hoặc nhức đầu do âm hư hỏa vượng.
2. Tía tô
Tía tô là loại rau gia vị quen thuộc, được sử dụng cả trong ẩm thực và y học. Các bộ phận của cây như lá (tô diệp), cành (tô ngạnh) và quả (tô tử) đều có giá trị chữa bệnh. Cây chứa khoảng 0,5% tinh dầu (perilla aldehyde, limonene, α-pinen, dihydrocumin) cùng các flavonoid (apigenin, luteolin) và acid hữu cơ (acid rosmarinic, acid caffeic).
Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ôn, tác dụng phát tán phong hàn, điều hòa khí, hóa đờm, giảm đau và an thai, thường được dùng để trị cảm cúm, nôn mửa và động thai.
Lá tía tô có thể dùng dạng thuốc sắc, giúp ra mồ hôi, trị ho, cảm mạo, hỗ trợ tiêu hóa và giải độc. Cháo tía tô (lá thái nhỏ trộn với cháo nóng) cũng hiệu quả trong việc giải cảm rất tốt.
Lưu ý, không dùng tía tô cho người sợ lạnh, tay chân lạnh, sức yếu hay mệt mỏi, sắc mặt thường trắng bệch, lưỡi trắng nhạt.
3. Húng bạc hà
Thuộc họ hàng với húng quế, húng bạc hà là loại rau gia vị thường được ăn sống. Loại rau này hỗ trợ điều trị cảm cúm, vết côn trùng cắn, cải thiện tiêu hóa, giảm đầy hơi, thấp khớp, nấc cụt, thông cổ họng và trị viêm xoang nhẹ.
Húng bạc hà chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid và axit rosmarinic, cùng với một lượng nhỏ vitamin A, C, nhóm B, sắt, phốt pho và chất xơ, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, tinh dầu menthol trong húng bạc hà có khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ, mang tính mát và vị cay, hỗ trợ làm thông thoáng đường thở.
Tuy nhiên, một số người nên tránh sử dụng húng cây, bao gồm trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý về gan, túi mật hoặc dị ứng với bạc hà và tinh dầu bạc hà.
Phương Thúy