“Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình” là tiêu đề bài xã luận mới nhất của chuyên gia kinh tế hàng đầu tại tờ báo Financial Times của Anh, ông Tej Parikh. Được viết sau chuyến đi công tác của ông đến thủ đô Hà Nội, chuyên gia kinh tế người Anh đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam có nhiều lợi thế để thoát 'bẫy thu nhập trung bình'. Ảnh minh họa: hatinh.gov.vn
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam là gần 7% một năm kể từ năm 1990. Ngay cả vào năm 2020, khi hầu hết các quốc gia rơi vào suy thoái do đại dịch gây ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tôi tin rằng Việt Nam có thể thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", ông Parikh nhận định.
Thực tế cho thấy, vượt qua bẫy thu nhập trung bình không phải là điều dễ dàng. Theo Tổ chức Ngân hàng Thế giới, để vượt qua ngưỡng nước có thu nhập trung bình, một quốc gia phải có thu nhập bình quân đầu người vượt trên mức 13.845 USD. Trong hơn 6 thập kỷ vừa qua, chỉ có 20 quốc gia đã thành công trong việc này.
Theo ông Parikh, mục tiêu này lại càng khó khăn hơn khi nền kinh tế định hướng xuất khẩu của nước ta có thể chịu ảnh hưởng đáng kể từ các chính sách thuế quan của đối tác thương mại. Tuy nhiên, chuyên gia người Anh khẳng định Việt Nam cũng sở hữu 3 lợi thế quan trọng giúp tăng khả năng thoát bẫy thu nhập trung bình: Sức mạnh thương mại, tiềm năng cải cách và một nền văn hóa làm việc năng động.
Tiềm lực thương mại ngày càng phát triển
Theo ông Parikh, Việt Nam đang trở thành một trung tâm thương mại quan trọng của khu vực châu Á nhờ 3 yếu tố chiến lược: Vị trí địa lý gần Trung Quốc với đường biên giới trên bộ dài 1.300 km, đường bờ biển dài 3.300 km nằm gần các tuyến đường biển trọng yếu, và môi trường chính trị ổn định.
Chuyên gia người Anh nhận định: Chính những yếu tố này đã giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), trung bình 5% GDP mỗi năm kể từ 2015, cao hơn đáng kể so với các nước Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia không chỉ thúc đẩy tăng trưởng, mà còn giúp Việt Nam thích nghi với sự thay đổi của mô hình thương mại toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư và đa đa dạng hóa hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới của Việt Nam đã tăng 1,6% từ năm 1996 đến nay, ngang bằng với Ấn Độ và vượt qua nhiều nền kinh tế cùng nhóm. Trong khi đó, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam cũng đã bổ sung thêm 44 sản phẩm xuất khẩu mới, tăng gấp đôi so với Trung Quốc và Ấn Độ.
Đáng chú ý, ông Parikh cho rằng Việt Nam hiện không hề đi theo lối mòn của những nền kinh tế mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, vốn chỉ tập trung vào sản xuất giá rẻ và sau đó đánh mất lợi thế về chi phí vào tay các quốc gia khác.
Thay vào đó, nước ta đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghệ có giá trị cao như điện thoại thông minh, linh kiện máy tính và vi mạch điện tử, hiện đang chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chuyên gia người Anh nhận định, chính sự dịch chuyển này giúp nền công nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế, đồng thời “giữ chân” các nhà đầu tư.
Nỗ lực cải cách mạnh mẽ
Theo ông Parikh, nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam chính là những cải cách quyết liệt do Chính phủ thực hiện.
“Bên cạnh quá trình tư nhân hóa, Việt Nam đã chủ động mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, cắt giảm rào cản thương mại và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Những chính sách này đã giúp Việt Nam dịch chuyển thành công từ một nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp sản xuất”, chuyên gia người Anh cho biết
Ngoài ra, ông Parikh cũng đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực cải cách cơ cấu của Chính phủ Việt Nam, qua đó đã thể hiện sự linh hoạt trong việc ứng phó với các thách thức kinh tế. Trong đó, Việt Nam đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng và an ninh năng lượng, đồng thời đưa ra nhiều ưu đãi về thuế và quy định nhằm thu hút đầu tư.
Những cải cách này đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị công nghiệp và duy trì lợi thế cạnh tranh. Dẫn lời báo cáo của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU), ông Parikh cho biết, Việt Nam là quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện mạnh mẽ nhất trong hai thập kỷ qua. Từ năm 2003, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 1,7 điểm, vượt qua nhiều nền kinh tế lớn như: Israel, Ba Lan và Saudi Arabia.
Văn hóa là yếu tố then chốt
Theo ông Parikh, sự cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy cải cách thị trường xuất phát từ một yếu tố quan trọng: Văn hóa và con người Việt Nam.
Người Việt Nam được đánh giá có một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Ảnh minh họa: most.gov.vn
Dẫn lời chuyên gia kinh tế Rainer Zitelmann, tác giả cuốn sách How Nations Escape Poverty (tạm dịch: Cách các quốc gia thoát khỏi đói nghèo), ông Parikh nhận định: “Người Việt Nam có thái độ tích cực đối với sự giàu có và tinh thần kinh doanh. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ đố kỵ thấp nhất trên thế giới.”
Bên cạnh đó, nghiên cứu của chuyên gia Zitelmann cho thấy người Việt Nam có đánh giá tích cực về sự giàu có hơn hầu hết tất cả các quốc gia nào khác trên thế giới. Cụ thể, người giàu có tại Việt Nam được coi là sáng tạo, thông minh và trung thực hơn so với người giàu có tại các quốc gia như: Mỹ, Anh hay Đức.
Theo ông Parikh, chính thái độ này mang lại ba lợi ích quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó lợi ích lớn nhất chính là sự coi trọng về giáo dục và đào tạo. Chuyên gia người Anh đánh giá cao sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam vào hệ thống giáo dục, giúp Việt Nam đạt thành tích vượt trội trong Chỉ số vốn con người của tổ chức Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh đó, ông Parikh cho rằng người Việt Nam có một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Theo dữ liệu mới nhất từ công ty Tracxn, Việt Nam hiện có tới 6 start-up trị giá trên 1 tỷ USD, nhiều hơn cả các nền kinh tế lớn trên thế giới như Tây Ban Nha và Italia.
Chuyên gia người Anh cũng đặc biệt đánh giá cao tư tưởng tiến bộ của Việt Nam về vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động, và coi đây là một trong những lợi thế then chốt của nước ta. Trong khi tỷ lệ lao động nữ thấp thường là rào cản tăng trưởng ở nhiều quốc gia, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thuộc tốp đầu thế giới, vượt xa 2 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc.
Dù có nhiều lợi thế, nhưng ông Parikh cho rằng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình trở thành nước có thu nhập cao.
Chuyên gia người Anh khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào phát triển năng lực và cơ sở hạ tầng, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất sang các ngành có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khéo léo ứng phó với rủi ro địa chính trị và biến động dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đầy biến động.
“Trên thực tế, các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình đều thành công nhờ cải cách thể chế, kiểm soát lợi ích nhóm và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Với động lực cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ và tinh thần cầu tiến của người dân, Việt Nam có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai”, chuyên gia kinh tế Tej Parikh nhận định.
Phú Quý (theo Financial Times)