Từng sở hữu khối tài sản chiếm gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia vào năm 1916, tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Sự giàu có khủng khiếp của gia tộc Rockefeller không phải là điều duy nhất khiến họ được cả thế giới nhớ tới, mà quan trọng hơn là cách sống khiêm nhường, sự nghiệp làm từ thiện đáng ngưỡng mộ cũng như cách họ dạy con để duy trì sự giàu có này qua nhiều thế hệ.
1. Làm giàu đời sống tinh thần để đổi lấy suy nghĩ tích cực
Rockefeller tin rằng, trước khi chạm tới thành công, mỗi người phải rèn luyện một thứ còn quan trọng hơn tiền: nội lực tinh thần. Khi đối mặt với khó khăn, người tích cực sẽ nhìn thấy cơ hội; kẻ tiêu cực thì chỉ thấy bế tắc.
Nhà tâm lý học Carl Jung từng kể một câu chuyện như này: Trong cơn lũ cuốn, một người đàn ông chỉ biết trèo lên mái nhà để trú ẩn. Một trong những hàng xóm bơi đến và nói với anh rằng "John, trận lũ lụt này thật đáng sợ phải không?".
John bình thản trả lời: "Không, nó không tệ đến thế đâu".
Hơi sửng sốt, người hàng xóm hỏi vặn lại: "Làm sao có thể nói là không tệ? Chuồng gà của anh chẳng phải bị cuốn trôi rồi sao".
John nói: "Vâng, tôi biết điều đó. Nhưng tôi đã nuôi thêm đàn vịt từ khoảng 6 tháng trước. Hiện tại, chúng đang bơi tung tăng khắp nơi. Mọi thứ đều ổn".
"Nhưng lần này nước đã cuốn trôi cả mùa màng của anh", người hàng xóm nhấn mạnh.
John trả lời: "Không. Các loại cây trồng tôi trồng đều hư hại do thiếu nước. Anh thấy đấy, vấn đề của tôi giờ đã được giải quyết rồi".
Người hàng xóm bi quan lại tiếp tục nói với John: "Nhìn này nước vẫn đang dâng lên. Nó sẽ tràn vào cửa sổ nhà anh".
John lạc quan thậm chí còn cười vui vẻ hơn và nói: "Đó chính là điều tôi hy vọng. Cửa sổ trong nhà tôi thực sự rất bẩn nên cần nước để lau sạch".
Thật vậy, lối suy nghĩ khác nhau sẽ dẫn đến việc xử lý sự cố khác nhau. Nếu vui vẻ, tích cực, bạn sẽ tự tin, an nhiên và kiên nhẫn với mọi chuyện xảy ra.
Ngược lại nếu đời sống tinh thần nghèo nàn, bạn sẽ dễ trở nên buồn chán, bất an, tức giận, lo lắng, căng thẳng và sợ hãi.
Tất nhiên, một người tự tin, kiên nhẫn với mọi chuyện làm việc gì cũng sẽ thành công hơn so với người luôn trong trạng thái buồn chán, bất an.
Đời sống tinh thần cũng giống như cơ thể. Nó cần được nuôi dưỡng thường xuyên. Một số người sẵn sàng chi tiền để sửa đổi ngoại hình của mình nhưng lại từ chối làm giàu thêm tinh thần của bản thân.
2. Bao biện là chiếc vé một chiều đến thất bại
John Davison Rockefeller, tỷ phú giàu có nhất trong lịch sử Mỹ. (Ảnh chụp năm 1895)
Theo Rockefeller, thất bại không đáng sợ bằng thói quen đổ lỗi. Ông cho rằng 99% những người không thể khá lên là vì luôn tìm lý do thay vì tìm cách.
Trong một bức thư gửi con trai trong những năm tháng cuối đời, ông đã cảnh báo con trai mình: "Đừng bao giờ bao biện hay bào chữa. Những lời bào chữa là nguồn gốc của sự thất bại."
Ông dạy con rằng: "Lời bào chữa là công cụ của kẻ hèn. Nếu con muốn tiến lên, hãy học cách nhận lỗi và sửa sai."
Theo quan điểm của Rockefeller, bào chữa là một căn bệnh của tâm trí, và những người mắc phải căn bệnh này đều là những kẻ thua cuộc, không có ngoại lệ.
Vua dầu mỏ Mỹ cho rằng sự khác biệt lớn nhất giữa người thành công, giàu có và những người tầm thường đó là thói quen bao biện, bào chữa cho bản thân.
Theo ông, "người càng thành công thì càng ít bào chữa. 99% thất bại là do mọi người đã quen với việc bao biện."
3. Bị coi thường? Hãy cảm ơn họ
Thay vì phản kháng hay tổn thương khi bị xúc phạm, Rockefeller chọn cách ghi nhớ và biến nỗi nhục thành động lực.
Thuở nhỏ, ông từng bị xúc phạm vì gia đình nghèo hơn so với các bạn trong lớp.
Đó là vào buổi chiều, cô giáo hẹn thợ ảnh đến trường để chụp cho các học sinh trong lớp. Đối với một đứa trẻ xuất thân nghèo khó, việc được chụp một tấm ảnh là điều xa xỉ.
Dĩ nhiên, ông đã rất háo hức. Tuy nhiên, những gì diễn ra tiếp theo vào ngày hôm đó đã khiến ông vô cùng thất vọng.
Người thợ chụp ảnh đã đứng dậy, chỉ tay về phía Rockefeller và nói to với giáo viên: "Cô có thể đuổi học sinh kia ra khỏi chỗ ngồi được không? Trông cậu ta ăn mặc rất tồi tàn".
Ngay khi nghe được câu này, Rockefeller không chút phản kháng. Ông chỉ lẳng lặng đứng nhìn các bạn cùng lớp trong bộ quần áo đẹp nhất.
"Lúc đó, cha thấy mặt mình nóng ran. Nhưng cha không giận, không tủi thân, càng không oán giận tại sao bố mẹ lại không thể cho mình một bộ quần áo đàng hoàng", ông kể lại với con trai của mình
Tuy nhiên, nhìn cảnh tượng các bạn mặc quần áo đẹp lần lượt xếp hàng chụp ảnh đã khiến Rockefeller siết chặt tay và thề với chính mình rằng: Một ngày nào đó tôi sẽ trở thành người giàu nhất thế giới. Và ông đã làm được.
Không có bài học nào về tiền bạc trong 3 điều Rockefeller dạy con – chỉ có bài học về nhân cách, thói quen và tư duy. Nhưng chính những thứ đó mới quyết định ai sẽ giữ được sự giàu có… và ai sẽ đánh mất nó.
Tường Vy (t/h)