3 nhóm người nên hạn chế ăn chuối chín

3 nhóm người nên hạn chế ăn chuối chín
một ngày trướcBài gốc
Thành phần dinh dưỡng của chuối
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, đầu thế kỷ 20, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xếp chuối vào danh sách đầu tiên của siêu thực phẩm. Thành phần dinh dưỡng của chuối gồm:
Các dưỡng chất quan trọng
Trong mỗi quả chuối sẽ có nhiều thành phần dưỡng chất quan trọng gồm:
Calo: 89
Đường: 12,2g
Đạm: 1,1g
Carb: 22,8g
Chất xơ: 2,6g
Chất béo: 0,3g
Năng lượng
Chuối là thực phẩm giàu carbs, nhiều nhất là ở dạng tinh bột và đường. Trong quá trình chuối chín sẽ có sự thay đổi mạnh về thành phần carb.
Mỗi quả chuối xanh có khoảng 80% tinh bột (trọng lượng khô). Cùng với quá trình chín của chuối, tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường và chỉ còn lại < 1% khi chuối chín hẳn.
Trong quả chuối chín có các loại đường: fructose, sucrose và glucose. Tổng lượng đường trong mỗi quả chuối chín lên đến > 16% trọng lượng tươi. Chỉ số đường huyết trong chuối khá thấp (42 - 58).
Khoáng chất và vitamin
Quả chuối có nhiều khoáng chất và vitamin, nhất là B6, C và kali. Cụ thể:
- B6: 1 quả chuối kích thước trung bình có khả năng cung cấp 33% hàm lượng B6/ngày.
- C: chuối rất giàu vitamin C.
- Kali: hàm lượng kali trong chuối khá cao nên nếu ăn đều đặn có thể giảm huyết áp và tốt cho tim mạch.
Chất xơ
Tinh bột trong chuối chưa chín chủ yếu là tinh bột mà cơ thể không thể phân hủy để sử dụng làm năng lượng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và ít calo hơn so với tinh bột thông thường. Do đó, nó là bổ sung tốt cho chế độ ăn uống nếu muốn giảm hoặc duy trì cân nặng. Ở trong ruột già, tinh bột của chuối được vi khuẩn lên men thành axit béo butyrate chuỗi ngắn tốt cho hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng của chuối còn nhiều các loại chất xơ, điển hình là pectin có thể tan trong nước. Nếu chuối chín sẽ làm tăng tỷ lệ pectin hòa tan trong nước. Cả tinh bột kháng và pectin đều giúp cho lượng đường huyết sau bữa ăn không bị tăng lên.
Hợp chất thực vật khác
Cũng như các loại trái cây khác, quả chuối cũng chứa nhiều loại hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học:
- Dopamine: chất dẫn truyền thần kinh quan trọng với não. Điều đáng nói là dopamine của chuối không thể vượt qua hàng rào máu não nên không ảnh hưởng đến tâm trạng mà đảm nhận vai trò tương tự một chất chống oxy hóa.
Chuối chín tốt cho sức khỏe nhưng không phù hợp với tất cả mọi người
- Catechin: đây là chất chống oxy hóa được tìm thấy trong chuối có liên quan đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, điển hình là phòng ngừa bệnh tim.
Những nhóm người không nên ăn chuối chín
Chuối chín tốt cho sức khỏe nhưng không phù hợp với tất cả mọi người. Dưới đây là những nhóm người được khuyến cáo không nên ăn chuối chín:
Người mắc bệnh tiểu đường
Chuối chứa carbohydrate, là thành phần thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với những người cần theo dõi lượng đường trong máu hoặc mắc bệnh tiểu đường, ăn chuối chín có thể góp phần làm tăng đột biến lượng đường trong máu do hàm lượng carbohydrate của chuối cao (trung bình 27 g cho một quả chuối).
Chỉ số đường huyết (GI) của chuối là từ 42 - 62, nằm ở mức thấp hoặc trung bình tùy theo độ chín của chuối. Chuối vàng hoặc chín chứa ít tinh bột kháng và nhiều đường hơn chuối xanh, đồng nghĩa với việc chỉ số GI cao hơn, khi ăn vào khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn.
Đặc biệt chuối chín kỹ (vỏ đã chuyển sang màu nâu đen) càng ngọt hơn do hàm lượng đường cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng, trong quá trình chín chất xơ trong chuối bắt đầu phân hủy và tinh bột phức hợp chuyển thành đường đơn. Điều này làm tăng hàm lượng đường trong chuối chín kỹ, khiến chúng trở thành mối lo ngại đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, những người đang theo dõi lượng đường trong máu nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêu thụ chuối.
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, người bệnh tiểu đường nên chọn ăn chuối xanh, chuối ương hoặc chuối gần chín, không nên ăn chuối chín quá. Mỗi lần chỉ nên ăn 1 quả nhỏ - trung bình hoặc ½ quả lớn.
Nên theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Trong trường hợp lượng đường cao hơn mức cho phép thì không nên ăn chuối.
Người bị hội chứng ruột kích thích
Chuối chín chứa lượng đáng kể FODMAP - một nhóm carbohydrate ngắn chuỗi khó tiêu hóa. Khi vào ruột, FODMAP lên men và gây ra các triệu chứng khó chịu ở người bị hội chứng ruột kích thích.
Khi chuối bị phân hủy trong ruột, nó thường gây ra dư thừa khí. Đối với những người có hệ tiêu hóa bình thường, điều này thường không gây ra vấn đề gì nhưng người bị hội chứng ruột kích thích thường dễ bị đau bụng do đầy hơi sau khi ăn chuối.
Người bệnh thận
Chuối giàu kali, một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với người bệnh thận, khả năng đào thải kali của thận bị hạn chế, việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể dẫn đến tình trạng tăng kali máu. Do đó nên hạn chế tiêu thụ loại quả này.
Trường hợp người bệnh tiểu đường đã có bệnh thận mạn tính hoặc đang sử dụng các thuốc lợi tiểu giữ kali thì không nên ăn chuối, vì chuối chứa nhiều kali có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Thanh Thanh (Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/3-nhom-nguoi-nen-han-che-an-chuoi-chin-ar918597.html