Amal làm việc tại Trung tâm Phụ nữ do UNFPA hỗ trợ tại Trại tị nạn Bureij
Rủi ro về sức khỏe tinh thần và thể chất
Phụ nữ và trẻ em gái Gaza đang phải gánh chịu những hệ quả nặng nề do xung đột gây ra: Lo sợ cho tính mạng của mình trên đường phố - tại các điểm giao hàng, trong những nơi trú ẩn tạm bợ, chật chội, thiếu sự riêng tư và an toàn vì nhiều người phải ngủ ngoài trời. "Phụ nữ đã phải trải qua những mất mát to lớn. Họ phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ, lo lắng kéo dài - thật là kiệt sức", bà Ibtisam (58 tuổi) chia sẻ.
"Việc di dời liên tục đã tạo ra sự bất ổn và mất an ninh sâu sắc, vì các cuộc không kích chưa thực sự dừng lại", Amal (36 tuổi), một quản lý tại Trung tâm Phụ nữ do UNFPA hỗ trợ tại Trại tị nạn Bureij, cho biết. Là mẹ của 3 đứa con, cô Amal đã phải di dời 4 lần và mất 10 người thân khi nhà cô bị đánh bom. "Nỗi đau và mất mát quá lớn nhưng tôi vẫn tiếp tục làm việc, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ để xoa dịu nỗi đau của họ. Là một phụ nữ đi làm, tôi phải đối mặt với việc cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và trách nhiệm xã hội. Điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn dưới sức nặng của chiến tranh", cô nói.
Suhair làm việc tại một không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở tỉnh Deir El-Balah
"Số lượng người sống sót tìm kiếm sự giúp đỡ tăng mạnh. Chúng tôi đang làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn. Không có đủ không gian an toàn cho phụ nữ và con cái của họ", Suhair, người làm việc tại một không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở tỉnh Deir El-Balah, cho biết. Việc buộc phải dời bỏ nhà cửa của mình, hạn chế di chuyển và thiếu những điều kiện sống tối thiểu cũng khiến việc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em trở nên khó khăn hơn. "Chúng tôi cung cấp dịch vụ qua điện thoại vì nhiều người không thể tiếp cận được nơi trú ẩn an toàn", Suhair nói thêm.
Nhu cầu lớn về không gian an toàn
Số lượng người tìm kiếm sự giúp đỡ tại các không gian an toàn, nơi cung cấp nơi trú ẩn và hỗ trợ tâm lý, đang tăng mạnh tại Gaza. Sau 4 tháng Israel phong tỏa hoạt động viện trợ nhân đạo vào Gaza, hầu hết các điểm di tản đều báo cáo rằng người dân phải ngủ ngoài trời, không có phương tiện bảo vệ. Các nhân viên tại các không gian an toàn đã nghe nhiều lời kể đau lòng, nhưng những câu chuyện này vẫn chưa được báo cáo đầy đủ, chủ yếu do sợ bị trả thù và thiếu thông tin về các dịch vụ hiện có.
Trong bối cảnh khủng hoảng dịch vụ y tế, xã hội và tư pháp, nhiều người không thể báo cáo tình trạng bị xâm hại hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ. Điều này làm trầm trọng thêm những tổn thương của họ. Với việc di chuyển bị hạn chế nghiêm trọng, mạng lưới viễn thông bị gián đoạn và rủi ro an ninh gia tăng, những người sống sót sau những tổn thương do xung đột, mất an ninh, giờ đây càng bị cô lập hơn. Họ như vô hình trong một hệ thống an sinh xã hội đang bị sụp đổ.
Asmaa (38 tuổi), làm việc tại một không gian an toàn do UNFPA hỗ trợ ở miền Bắc Gaza, nói: "Một trong những nhiệm vụ của tôi là giúp người khuyết tật do chiến tranh tiếp cận dịch vụ y tế và các dịch vụ khác. Khắc phục mọi khó khăn, tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại. Tôi đồng cảm sâu sắc với mỗi trường hợp mà tôi hỗ trợ. Tôi hoàn toàn hiểu được nỗi đau của sự thiếu thốn, đói khát và phải di dời liên tục".
Salma (bên trái) là một nhân viên công tác xã hội chuyên hỗ trợ những trường hợp bị bạo lực giới ở Khan Younis
Do tình trạng gián đoạn liên tục vì chiến sự và lệnh sơ tán, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã mất thiết bị và hồ sơ thiết yếu, đồng nghĩa với việc họ phải thiết lập lại dịch vụ từ đầu. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã chuyển sang hỗ trợ từ xa, nhưng việc thiếu nhiên liệu cũng gây ra tình trạng mất điện thoại trên diện rộng, cắt đứt đường dây nóng dành cho nạn nhân, khiến việc quản lý từ xa trở nên bất khả thi. Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng, các hoạt động nhân đạo tại Gaza có thể sụp đổ hoàn toàn do tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và khoảng 80% các cơ sở y tế tại Gaza dự kiến sẽ hết nhiên liệu trong những ngày tới.
Kể từ khi lệnh phong tỏa được áp đặt vào ngày 7/3/2025, không có nguồn cung cấp nào của UNFPA được đưa vào Gaza. Bộ dụng cụ vệ sinh kinh nguyệt và các thiết bị khác của cơ quan này tại Gaza hiện đã cạn kiệt. Ba không gian an toàn do UNFPA hỗ trợ đã đóng cửa và 14 không gian còn lại đang hoạt động với công suất rất hạn chế.
Salma (38 tuổi), một bà mẹ 4 con và là nhân viên công tác xã hội tại Khan Younis, cho biết thêm: "Chúng tôi cảm nhận được nhu cầu cấp thiết của phụ nữ và nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ họ. Một nỗ lực nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, điều kiện sống vô cùng khó khăn, có quá ít cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của những trường hợp cần giúp đỡ. Bất chấp mọi khó khăn, tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái".
Nguồn: UN, UNFPA
Nhu Thụy