Nhu cầu tiêu thụ than trong nước vẫn cao (ảnh minh họa)
Theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu than trong quý I năm nay tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, song kim ngạch giảm 7,7% do giá nhập khẩu trung bình chỉ đạt 105,18 USD một tấn, giảm hơn 20%.
Việc giá giảm nhưng lượng nhập tăng cho thấy nhu cầu tiêu thụ than trong nước vẫn cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống năng lượng quốc gia.
Indonesia tiếp tục giữ vai trò là nhà cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập trong quý I. Sản lượng than từ Indonesia đạt 6,98 triệu tấn, trị giá 579 triệu USD, tăng mạnh về cả khối lượng và giá trị. Giá nhập trung bình từ Indonesia dao động quanh mức 82,9 USD một tấn, thấp hơn mặt bằng chung.
Australia đứng thứ hai với hơn 5,36 triệu tấn, trị giá 693,7 triệu USD, chiếm 31% tỷ trọng nhập khẩu. Tuy tăng mạnh về lượng, nhưng kim ngạch lại giảm do giá trung bình chỉ còn 129,3 USD một tấn.
Nga là đối tác lớn thứ ba, cung cấp 1,44 triệu tấn than, trị giá hơn 206 triệu USD. Trong khi lượng tăng không đáng kể, giá giảm gần 28%, xuống còn 142,3 USD một tấn.
Việt Nam phải nhập khẩu than dù là nước sản xuất mặt hàng này lâu đời là do nguồn cung trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Phần lớn than khai thác trong nước đóng vai trò phụ trợ, phù hợp với xi măng hoặc sản xuất nhỏ. Trong khi đó, nhiệt điện hiện đại yêu cầu loại than có năng suất tỏa nhiệt cao, đồng nhất và ít tạp chất.
Mặt khác, do trữ lượng dễ khai thác trong nước đang dần cạn kiệt, nhiều mỏ buộc phải đào sâu hơn, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả. Trong khi đó, nhập khẩu than giá rẻ giúp doanh nghiệp linh hoạt về nguồn cung, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất.
Năm nay, Việt Nam dự kiến sản xuất khoảng 37 triệu tấn than sạch, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 50 triệu tấn, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện. Do đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường nhập khẩu, đặc biệt là than nhiệt từ Indonesia và Australia.
TB (tổng hợp)