Từ ngày 1-7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được vận hành đồng bộ trên cả nước. Đây là dấu mốc thể chế đặc biệt quan trọng trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giúp phân định rõ chức năng giữa các cấp chính quyền, tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn bản lề, đầy thách thức trong tổ chức thực thi.
Nhân thời điểm lịch sử này, TS Nguyễn Đình Thái, chuyên gia Quản lý công, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã chia sẻ những nhìn nhận sâu sắc về cơ hội, thách thức và những điều kiện “bản lề” để cải cách không chỉ dừng lại ở việc đổi mô hình, mà đi vào thực chất, hiệu quả, vì người dân.
TS Nguyễn Đình Thái, chuyên gia Quản lý công, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Xây dựng Nhà nước kiến tạo, hành động
. Phóng viên: Thưa ông, đất nước đã bước vào thời khắc lịch sử khi từ 1-7, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Là chuyên gia theo đuổi, góp ý chủ trương này ngay từ những ngày đầu, cảm xúc của ông vào thời điểm này ra sao?
+ TS Nguyễn Đình Thái: Tôi vô cùng xúc động, phấn khởi nhưng cũng có trăn trở. Xúc động, phấn khởi bởi từ đầu, bản thân tôi đã cùng các đồng nghiệp đã kiên trì nghiên cứu, đề xuất, phản biện và đối thoại chính sách đối với một chủ trương lớn. Để rồi, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp đã chính thức được thể chế hóa và đi vào vận hành đồng bộ trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1-7.
Đây không chỉ là một dấu mốc hành chính, mà còn là một bước ngoặt thể chế, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy quản trị của Đảng và Nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Còn trăn trở bởi đằng sau sự kiện lịch sử này là vô vàn thách thức trong tổ chức thực thi: từ phân cấp, phân quyền, phân định rõ ràng giữa cấp tỉnh và cấp xã; từ hoàn thiện thể chế tài chính, nhân sự, đến đổi mới công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Những điều này đòi hỏi không chỉ quyết tâm chính trị, mà còn là năng lực quản trị, sự đồng thuận và tự hoàn thiện, học hỏi liên tục của cả hệ thống chính trị.
Dù vậy, tôi tin rằng với một quá trình chuẩn bị nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ là nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục tiến mạnh hơn trên con đường đổi mới, xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là nền tảng quan trọng để đất nước tiếp tục tiến mạnh hơn trên con đường đổi mới, xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Trao quyền, trao trách nhiệm, trao năng lực
. Như ông nói, việc tinh giản bộ máy và phân định rõ chức năng giữa cấp tỉnh và cấp xã được kỳ vọng sẽ giúp tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cần làm gì để tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong thực tế?
+ Đúng vậy, trên thực tế, nếu không làm tốt thì nguy cơ chồng chéo, né tránh, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp vẫn có thể xảy ra.
Do vậy, trước hết việc phân quyền phải đi kèm với hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ kỹ thuật. Ở cấp xã, nhiều nhiệm vụ vốn trước đây do cấp huyện “gánh đỡ”, nay phải thực hiện trực tiếp. Do vậy, rất cần một quy trình nghiệp vụ, biểu mẫu chuẩn hóa và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ để tránh lúng túng, làm sai, hoặc đẩy ngược lên cấp trên.
Đồng thời, phải có quy chế phối hợp rõ ràng và cơ chế chịu trách nhiệm cuối cùng. Mỗi nhiệm vụ quản lý nhà nước từ cấp giấy tờ, giải quyết đơn thư đến xử lý vi phạm hành chính… cần quy định rõ cấp tỉnh chỉ đạo, cấp xã thực hiện, ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra chậm trễ hay sai sót. Trách nhiệm không thể là “tập thể hóa”.
Một việc không kém quan trọng là đầu tư nâng cao năng lực cho chính quyền cấp xã. Tôi cho rằng đây là điểm mấu chốt bởi nhiều xã hiện nay thiếu cán bộ chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều việc, thậm chí không đủ trang thiết bị làm việc cơ bản…
Ngoài ra, thúc đẩy công khai, minh bạch và ứng dụng số hóa. Khi người dân biết rõ dịch vụ công nào do xã giải quyết, thời hạn bao lâu, kết quả được công khai trên cổng thông tin… thì chính người dân sẽ giám sát, qua đó giảm tình trạng né tránh, đùn đẩy.
Mô hình mới sẽ thực sự hiệu quả khi được trao quyền đi liền với trao trách nhiệm và trao năng lực. Làm rõ, làm đúng, làm đến nơi, đó là cách duy nhất để tránh chồng chéo và đưa cải cách đi vào thực chất.
Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Cần ‘điểm chạm’ cải cách cụ thể
. Người dân được đặt ở vị trí trung tâm trong quá trình cải cách hành chính. Với mô hình mới, cần làm gì để họ cảm nhận rõ được sự thay đổi này?
+ Tôi cho rằng người dân sẽ thực sự được phục vụ tốt hơn khi mô hình tổ chức không chỉ thay đổi về hình thức mà còn cải thiện thực chất trong cách vận hành, trong từng thủ tục hành chính cụ thể. Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nếu được tổ chức bài bản, đồng bộ thì hoàn toàn có thể tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng phục vụ.
Trong đó, khi mô hình mới giúp rút ngắn tầng nấc trung gian, xử lý công việc nhanh hơn, rõ trách nhiệm hơn. Rõ ràng, khi một số nhiệm vụ được giao trực tiếp cho cấp xã mà không phải “qua tay” nhiều cấp như trước, người dân sẽ không còn phải đi lại nhiều, chờ đợi lâu.
Đây cũng là cơ hội để chuẩn hóa, số hóa các dịch vụ công. Khi quyền hạn và trách nhiệm được xác lập rõ ràng giữa các cấp, sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng quy trình xử lý thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và có thể thực hiện qua mạng. Điều này đặc biệt quan trọng với người dân vùng sâu, vùng xa.
Thời gian gần đây, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM đã đề cập đến yêu cầu phải chuyển nền hành chính từ quản lý sang phục vụ và lúc này là thời điểm vàng để thực hiện. Mô hình mới này hướng đến một chính quyền thân thiện, gần dân, giải quyết công việc nhanh, đúng và có trách nhiệm. Khi người dân thấy vấn đề của mình được giải quyết hiệu quả thì đó chính là thước đo cải cách.
Tuy nhiên, để người dân cảm nhận rõ sự thay đổi, cơ quan nhà nước cần công khai minh bạch thông tin, để người dân phải biết họ được quyền gì, đến đâu để giải quyết, ai chịu trách nhiệm. Đồng thời, đo lường sự hài lòng một cách định kỳ và thực chất, không phải bằng phiếu hình thức, mà bằng phản hồi trực tiếp qua nhiều kênh như online, tổng đài, mạng xã hội…
Đặc biệt phải tạo ra những “điểm chạm” cải cách cụ thể, chẳng hạn như cấp xã làm được căn cước, giải quyết nhanh hồ sơ đất đai…; cấp tỉnh ra quyết định chủ trương, chính sách nhanh chóng, hiệu quả… Khi người dân trải nghiệm được những thay đổi này, niềm tin và sự hài lòng sẽ đến một cách tự nhiên.
Bởi đơn giản, cải cách thành công hay không là do người dân “chấm điểm”. Và chỉ khi người dân cảm thấy thủ tục đơn giản hơn, cán bộ thân thiện hơn, kết quả nhanh và minh bạch hơn thì lúc đó mô hình mới sẽ thực sự có ý nghĩa.
Khi người dân cảm thấy thủ tục đơn giản hơn, cán bộ thân thiện hơn, kết quả nhanh và minh bạch hơn thì mô hình chính quyền mới sẽ thực sự có ý nghĩa. Ảnh: THANH TUYỀN - BẢO PHƯƠNG
Trao quyền đi đôi với kiểm soát
. Trong tương lai, mô hình này sẽ cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện. Theo ông, có những điểm nghẽn nào cần sớm được nhận diện để cải cách tiếp tục đi đúng hướng?
+ Cải cách là quá trình liên tục và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sau giai đoạn vận hành ban đầu, việc điều chỉnh và hoàn thiện là tất yếu. Theo tôi, để cải cách tiếp tục đi đúng hướng, có 4 điểm nghẽn cần được sớm nhận diện và xử lý.
Thứ nhất, về thể chế, hiện nay chưa đồng bộ, chưa rõ ràng giữa các luật chuyên ngành với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, đầu tư công, tài chính – ngân sách… vẫn quy định theo hướng truyền thống, khiến việc phân quyền giữa cấp tỉnh và cấp xã gặp khó khăn, cần sớm được tháo gỡ. Nếu không các địa phương sẽ lúng túng trong thực thi và dễ rơi vào tình trạng “trên không quyết, dưới không dám làm”.
Thứ hai, về nguồn lực, đặc biệt ở cấp cơ sở, rất nhiều xã, phường chưa đủ năng lực về cán bộ, tài chính và công nghệ để thực hiện vai trò mới. Do đó, đi kèm với giao thêm việc thì cần tăng thêm các nguồn lực tương xứng để nâng chất lượng phục vụ người dân.
Thứ ba, về tư duy và văn hóa hành chính, cải cách không thể thành công nếu đội ngũ cán bộ vẫn làm theo thói quen cũ, ngại đổi mới, ngại chịu trách nhiệm. Phải đồng thời cải cách bên trong con người, xây dựng văn hóa công vụ mới, lấy phục vụ người dân là trung tâm và trách nhiệm giải trình là nguyên tắc.
Cuối cùng, cần cảnh giác với nguy cơ “hình thức hóa cải cách”. Nghĩa là tổ chức lại bộ máy, phân cấp lại chức năng nhưng không thay đổi thực chất cách thức ra quyết định, cách xử lý công việc và cách đánh giá hiệu quả. Cải cách mà không có kết quả cụ thể, không có sự hài lòng từ người dân thì sẽ chỉ là “vòng lặp đổi tên”.
Trong tương lai, mô hình này cần tiếp tục được điều chỉnh trên tinh thần xác định được hệ thống thể chế rõ ràng, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cấp; phân cấp, phân quyền mạnh nhưng không buông lỏng, trao quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực và tăng hiệu quả thực chất thay vì chỉ tái cơ cấu hình thức.
Cần cơ chế phối hợp
Giai đoạn đầu vận hành mô hình mới chắc chắn sẽ có những bỡ ngỡ, thậm chí là va vấp. Do đó, tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” phải đi liền với sự chủ động thích ứng và linh hoạt điều chỉnh trong khuôn khổ pháp luật, sự phối hợp trơn tru giữa các cơ quan liên ngành…
Trong đó, vai trò của người đứng đầu cấp chính quyền địa phương phải thực sự quyết liệt, cầu thị và biết tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giúp quá trình chuyển đổi sẽ suôn sẻ hơn.
Ngoài ra, tăng cường truyền thông chính sách mạnh, hiệu quả, dễ hiểu, dễ thực hiện để người dân, doanh nghiệp thích ứng nhanh với mô hình mới; đẩy mạnh phong trào “bình dân học vụ số” để phổ biến kiến thức số cho nhân dân.
Tôi cho rằng đây là giai đoạn đầu, là “bản lề” quan trọng nhưng cũng là cơ hội để các địa phương chủ động sắp xếp lại mình, vượt lên chính mình để thích ứng với một thời kỳ quản trị mới, chuyên nghiệp, hiệu quả và hướng đến người dân.
LÊ THOA thực hiện