3 xu hướng sau 'cơn địa chấn thuế quan' của Tổng thống Trump

3 xu hướng sau 'cơn địa chấn thuế quan' của Tổng thống Trump
một ngày trướcBài gốc
Động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố lộ trình áp các mức thuế mới dựa trên Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp 1977 (IEEPA) kể từ ngày 2/4 đang tạo nên một "cơn địa chấn" thực sự đối với toàn bộ mạng lưới thương mại toàn cầu.
So với các biện pháp áp thuế đơn lẻ trước đây mà chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ 2 (còn gọi là chính quyền "Trump 2.0") đã thực hiện mang tính "thí điểm" từ tháng 2 nhắm đến các quốc gia cụ thể (như Mexico, Canada và Trung Quốc), hoặc các lĩnh vực cụ thể (như thép và nhôm, dầu mỏ), lộ trình áp thuế lần này có cách tiếp cận tổng thể và bài bản hơn nhiều.
Theo đó, nó không chỉ (i) tác động đồng loạt trên diện rộng với mức thuế cơ sở 10%, mà còn (ii) buộc 57 quốc gia bị đe dọa áp mức thuế đối ứng cao hơn phải gấp rút ứng phó bằng các biện pháp thực chất trong (iii) khoảng thời gian gấp rút theo lộ trình 7 ngày (Tính từ 2/4 đến thời điểm mức thuế quan mới có hiệu lực vào 9/4)
Theo thống kê sơ bộ, "cơn địa chấn thuế quan" của ông Trump cùng với biện pháp áp thuế trả đũa 34% từ Trung Quốc ngay sau đó đã "thổi bay" hơn 10 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ và xu hướng bán tháo đang ngày càng mạnh hơn.
Ngân hàng lớn nhất của Mỹ JP Morgan đã phải đưa ra cảnh báo kịch bản nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay dưới "áp lực của thuế quan".
Tuy nhiên, chính quyền "Trump 2.0" vẫn khẳng định rằng mọi thứ vẫn đang đúng hướng và các hoạt động sản xuất đang "quay trở lại bờ biển của Mỹ", bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà kinh tế học nói riêng và dư luận quốc tế nói chung đối với các thiệt hại kinh tế ngắn hạn đang lan tỏa đồng loạt trên phạm vi toàn cầu.
Có thể thấy bên cạnh nhóm chỉ số đang "đỏ lửa" trên các sàn chứng khoán khu vực và quốc tế, phản ứng của thị trường toàn cầu lại đang định hình 3 xu hướng cụ thể phù hợp với các mục tiêu của chính quyền "Trump 2.0" (được phác thảo hóa trong sơ đồ dưới đây).
Đầu tiên chính là xu hướng phản ứng nhanh (nhóm A trên sơ đồ) đến từ các quốc gia thuộc nhóm các đối tác thương mại lớn của Mỹ ở cả 4 châu lục Á – Âu – Phi – Mỹ Latinh và Trung Quốc (34%) bị đe dọa áp mức thuế đối ứng cao hơn.
Trong đó, ngoài Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các gói thuế quan đáp trả dự kiến vào giữa tháng 4 và Trung Quốc đe dọa áp thuế đối ứng 34% với Mỹ từ ngày 10/4, hầu hết các quốc gia còn lại thuộc nhóm (A) đều thúc đẩy các cuộc đàm phán thực chất theo đúng định hướng hạ thấp tất cả các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa lợi thế của Mỹ, đồng thời tăng cường dòng tiền đầu tư các dây chuyền sản xuất hàng hóa lợi thế của nhóm đối tác này vào mạng lưới sản xuất tại Mỹ.
Theo hãng tin CNN, phía Mỹ đang tiếp nhận thông điệp đối thoại nhằm mở ra các cuộc đàm phán thương mại theo hướng tích cực từ nhiều đối tác thương mại lớn với các quốc gia dẫn đầu xu hướng bao gồm Ấn Độ và Israel.
Tiếp theo chính là xu hướng tăng cường gắn kết thương mại giữa các cực đối trọng với Mỹ (B). Xu hướng này thực chất là kết quả của cả một quá trình mở rộng mạng lưới tương tác giữa các khu vực thương mại tự do (FTA) trên toàn cầu nhằm đón đầu các "cơn địa chấn" về thuế quan của chính quyền "Trump 2.0", bao gồm 3 nhánh triển khai điển hình:
Thứ nhất là nhánh mở rộng (B1) do Liên minh châu Âu (EU) điều phối với 4 động thái: (i) đẩy nhanh ký kết Hiệp định FTA giữa EU – Ấn Độ trong năm 2025, (ii) cân nhắc sự tham gia của nước Anh vào Công ước Châu Âu – Địa Trung Hải (PEM) cho phép hàng hóa lưu thông miễn thuế qua biên giới, (iii) phê chuẩn toàn bộ Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA) giữa EU – Canada (hiện chỉ có hiệu lực tạm thời từ năm 2017), và (iv) hoàn tất tiến trình hiện đại hóa Thỏa thuận toàn cầu EU – Mexico (vừa kết thúc đàm phán vào tháng 1/2025).
Thứ hai là nhánh mở rộng (B2) do Trung Quốc điều phối với chuỗi động thái điển hình như: (i) tổ chức đàm phán về khu vực thương mại tự do giữa Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc kể từ tháng 3/2025, (ii) nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA) lên "phiên bản 3.0", và (iii) tăng cường mạng lưới thương mại tự do song phương với các nước châu Phi dựa trên Kế hoạch hành động 2025 – 2027 Bắc Kinh theo khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi (FOCAC).
Thứ ba là nhánh mở rộng (B3) của mạng lưới tự do thương mại thuộc quỹ đạo ảnh hưởng của Nga do Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU/ EEC) điều phối với Belarus đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên trong năm 2025, bao gồm: (i) hoàn tất ký kết và phê chuẩn hiệp định FTA giữa EAEU với các quốc gia Tây Á chủ chốt như U.A.E. và Iran trong năm 2025, (ii) khởi động đàm phán FTA giữa EAEU với Ấn Độ, và (iii) đẩy nhanh việc thiết lập khu vực thương mại tự do (FTZ) giữa Nga với các quốc gia Bắc Phi.
Cần chú ý rằng, xu hướng (B) này một mặt giúp cả 3 trung tâm kinh tế đối trọng với Mỹ lúc này là EU, Trung Quốc và Nga cùng mở rộng mạng lưới tự do thương mại đến các đối tác "khó tính" của họ (như EU gắn kết được với Anh, Trung Quốc với trục Nhật – Hàn, và EAEU với khu vực Tây Á).
Tuy nhiên, mặt khác xu hướng (B) này còn gián tiếp điều hướng mạng lưới thương mại tự do của các cực đối trọng này đến các "vùng đệm thương mại" mà phía Mỹ có khả năng tiếp cận dựa trên các khuôn khổ thương mại đã có, định hình xu hướng (C) được chính quyền "Trump 2.0" triển khai một cách đồng bộ nhưng không hề khoa trương.
Tổng thống Donald Trump công bố thuế mới.
Cụ thể, ở xu hướng (C) đẩy nhanh các FTA giữa Mỹ với các “đối tác trung gian" (có mức thuế đối ứng 10% hoặc đã chấp nhận đàm phán FTA song phương với Mỹ) giúp Mỹ gián tiếp gắn kết với mạng lưới tự do thương mại toàn cầu. Cụ thể, phía Mỹ đã triển khai: (i) miễn trừ thuế quan vô thời hạn cũng từ ngày 2/4 đối với hàng hóa (ngoại trừ nhôm, thép, ô tô và phụ tùng ô tô) tuân thủ Hiệp định USMCA (yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ Bắc Mỹ theo quy tắc 70%) để mở đường Canada và Mexico có thể trở thành các "vùng đệm" về thương mại giữa Mỹ và các cực đối trọng như EU và Trung Quốc; (ii) thúc đẩy đàm phán FTA Mỹ – Ấn Độ như đã thống nhất với chính quyền Thủ tướng N. Modi, và (iii) bày tỏ mong muốn gia nhập vào Khối Thịnh Vượng Chung của Anh.
Có thể thấy chuỗi động thái này đã giúp Mỹ tiếp cận được cả 4 hướng mở rộng của mạng lưới thương mại tự do của nhánh EU thông qua "vùng đệm thương mại" tiềm năng gồm Canada, Mexico, Ấn Độ và Anh.
Không chỉ vậy, phía Mỹ cũng có khả năng tiếp nối các cuộc đàm phán đối với: (iv) FTA dựa trên tiến trình hiện đại hóa Hiệp định hợp tác thương mại và kinh tế (ATEC) giữa Mỹ – Brazil, (iv) FTA dựa trên Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) giữa Mỹ – Cộng hòa Nam Phi, và (v) phục hồi Sáng kiến Khu vực thương mại tự do Trung Đông (MEFTA) giữa Mỹ và các quốc gia Trung Đông, từ đó tiếp tục kiến tạo các "vùng đệm thương mại" ở cả ba châu lục là Á – Phi – Mỹ Latinh.
Thêm vào đó, chưa rõ là vô tình hay hữu ý, nhưng nhóm các quốc gia không nằm trong danh sách áp thuế ngày 2/4 của Mỹ cũng đang định hình một "vùng đệm thương mại" quan trọng, điển hình như: Cuba (đang hoàn thiện cơ chế Thị trường và Nền kinh tế chung CSME thuộc Cộng đồng Caribê/ CARICOM từ tháng 3/2025), trục Nga – Belarus (đang mở rộng mạng lưới thương mại tự do EAEU đến Tây Á, Ấn Độ và Bắc Phi), thậm chí cả Triều Tiên khi nước này đang đẩy mạnh quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tựu chung lại, "cơn địa chấn thuế quan" mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra đang từng bước định hình các xu hướng chuyển dịch thực chất trong bức tranh thương mại toàn cầu.
Đi cùng với những tổn thất trước mắt do các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán hỗn loạn, có thể thấy nhiều biểu hiện tích cực trong đó các quốc gia không chỉ từng bước từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại của mỗi nước, mà còn tăng cường sự gắn kết thương mại tự do ở cấp độ khu vực và liên khu vực với các đối tác truyền thống lẫn phi truyền thống.
Do đó, mặc dù vẫn còn diễn biến khó lường, nhưng thông điệp "thuế quan đối ứng thân thiện" được chính quyền Donald Trump truyền tải không chỉ dựa trên nền tảng "nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà còn có thể đang đi kèm với hàm ý "nước Mỹ vĩ đại trở lại, các nước cũng vĩ đại trở lại" như bài phát biểu năm 2018 cũng của Tổng thống Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Thạc sĩ Lục Minh Tuấn hiện đang là giảng viên thỉnh giảng ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU), chuyên ngành Quan hệ quốc tế.
Anh có nhiều ấn phẩm đăng trên các tạp chí học thuật trực thuộc viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, và đồng tác giả các đầu sách chuyên ngành về đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của Lục Minh Tuấn tập trung vào chính sách đối ngoại Việt Nam, quan hệ giữa các nước lớn, phân tích xung đột theo góc độ cấu trúc và vấn đề Biển Đông.
Lục Minh Tuấn
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/3-xu-huong-sau-con-dia-chan-thue-quan-cua-tong-thong-trump-204250405205542611.htm