Nhân dịp kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam (VN) tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nói với báo Pháp Luật TP.HCM: Nhìn lại 30 năm qua, hai nước đã trải qua một hành trình dài phát triển quan hệ, từ cựu thù trở thành đối tác, đối tác toàn diện, rồi cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. Kết quả này là trái ngọt của quá trình dài hai nước nỗ lực tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin để cùng “khép lại quá khứ”, cùng hợp tác, cùng nhau phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng Giám đốc USABC Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 18-3-2025 trong sự kiện Đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN thăm, làm việc tại Việt Nam vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Ảnh: TTXVN
Xây dựng niềm tin, tăng cường gắn bó
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, hành trình 30 năm qua với nhiều thành quả vượt trội không dễ dàng. Mỗi bước đi đều cần rất nhiều nỗ lực từ cả hai bên. Xây dựng sự hiểu biết và lòng tin giữa VN và Mỹ là một câu chuyện đặc biệt. Hai bên đã từ chỗ không hiểu nhau cho đến việc tin cậy, tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Nhìn sâu vào thành quả này có thể thấy được sự tổng hòa nhiều yếu tố: Quyết tâm chính trị của hai nước; lợi ích đan xen; chủ trương đổi mới và hội nhập của chính VN.
Các doanh nghiệp VN và Mỹ đang tăng cường hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực như đào tạo nhân lực tại VN, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cho ngành bán dẫn.
Hai nước có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, phát triển hệ thống cáp ngầm dưới biển, hạ tầng số, y tế, dược phẩm, chuyển dịch năng lượng xanh, dịch vụ tài chính, du lịch…
Cựu Đại sứ Mỹ tại VN TED OSIUS
“Nhìn lại chiều dài 30 năm, hai nước đã thực hiện các chuyến thăm cấp cao thường xuyên. Phía VN đã có rất nhiều đoàn sang Mỹ. Về phía Mỹ, tất cả đời tổng thống đều sang thăm VN. Các chuyến thăm đã tạo ra khuôn khổ, khung hợp tác giữa hai nước, càng về sau càng hợp tác, càng toàn diện và đầy đủ hơn. Điều này thể hiện rõ nhất qua các dấu mốc: Thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013, lần đầu tiên có chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN đến Mỹ vào năm 2015, nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023” - Đại sứ Phạm Quang Vinh nói và cho rằng ngày qua ngày, câu chuyện đan xen lợi ích trong quan hệ càng rõ. VN cần sự hỗ trợ của Mỹ với tư cách nền kinh tế lớn với công nghệ, tiềm lực kinh tế, thị trường xuất khẩu quan trọng. Với Mỹ, VN là một thị trường hấp dẫn, có vị trí địa chiến lược ở khu vực. Có thể nói hai bên đều rất cần nhau trong các lĩnh vực hợp tác, rõ nhất là buôn bán thương mại hai chiều ngày một phát triển.
Cũng theo ông Vinh, một yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ phát triển rực rỡ cùng thời gian là quá trình đổi mới và hội nhập của VN. Chính sự đổi mới và hội nhập đã nâng tầm sự hợp tác chung giữa VN với cả thế giới trong đó có Mỹ. Đổi mới đã giúp VN và Mỹ ngày càng có nhiều điểm tương đồng hơn, buôn bán hai chiều ngày càng gia tăng.
Cùng nhau hướng đến tương lai
Chia sẻ về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết hợp tác Việt - Mỹ mở rộng trên tất cả lĩnh vực nhưng phải nhìn nhận động lực của sự phát triển này đan xen lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, bên cạnh địa chiến lược. Có thể nói trụ cột phát triển kinh tế là động lực cho quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh hai nước đều thúc đẩy hợp tác cả trên bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Đại sứ Phạm Quang Vinh gặp gỡ kiều bào dịp Tết tháng 1-2018. Ảnh: PV
Tính riêng về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều ban đầu chỉ nửa tỉ USD cho đến bây giờ là gần 150 tỉ USD, tăng đến gần 300 lần, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh đây là một câu chuyện rất lớn. Tuy nhiên trong những năm qua, hợp tác kinh tế Việt - Mỹ dù phát triển rất mạnh mẽ nhưng chủ yếu tập trung vào thương mại hàng hóa. Thời gian tới cần đặc biệt lưu ý quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư.
Giao lưu nhân dân Việt - Mỹ trong kỷ nguyên mới
Giao lưu nhân dân có vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đối ngoại, giai đoạn còn cấm vận, giai đoạn quan hệ hai bên chưa thực sự hệ sâu sắc, giao lưu nhân dân chính là cầu nối giữa hai nước, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Giao lưu nhân dân và đối ngoại nhân dân thời gian qua dựa nhiều vào những người từ hai phía biết đến chiến tranh VN, nhiều người đã không còn, nhiều người tuổi đã lớn. Thế hệ từng tham chiến trước đây giờ đã lớn tuổi, có những người đã không còn có thể đi lại nhiều nữa. Hoạt động này trong kỷ nguyên mới cũng cần có những thay đổi so với thời gian trước.
Sắp tới, đối ngoại nhân dân và giao lưu nhân dân cần được thúc đẩy trên tất cả lĩnh vực, trước tiên là giáo dục, văn hóa và các lĩnh vực mà hai bên cần quan tâm.
Đại sứ Phạm Quang Vinh
Theo Đại sứ Quang Vinh, đầu tư của Mỹ đến nay vào VN dường như chưa tương xứng với quan hệ hai nước. Đầu tư của Mỹ vào VN chủ yếu qua lĩnh vực tư nhân và Mỹ mới đứng thứ 11 trong nhóm các nước đầu tư vào VN, trong khi tiềm năng còn rất nhiều. Để thu hút đầu tư của Mỹ, điều quan trọng hàng đầu là VN phải xây dựng hành lang pháp lý. Bước sang giai đoạn mới, việc thu hút đầu tư của Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao và mang tính bền vững lại càng quan trọng nên vì vậy cần thúc đẩy hơn nữa.
Sự chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang VN cho đến giờ còn rất khiêm tốn. Trong hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước cũng nhấn rất mạnh về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy phía VN cần có những trao đổi với phía Mỹ hướng tăng cường những lĩnh vực này.
“Phía VN cũng cần chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia vào các chuỗi cung ứng của Mỹ, tăng gắn kết với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp VN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - Đại sứ Phạm Quang Vinh khuyến nghị.•
30 năm và 3 kết quả quan trọng
Những nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đã bắt đầu trong lòng nước Mỹ từ thập niên 1970, vì nhiều lý do mà chưa thể thành công. Phải chờ đến thời điểm ông George H W Bush trở thành Tổng thống Mỹ, những nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ được nối lại từ cả hai phía.
Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ngày 11-7-1995 tại Nhà Trắng. Ảnh: Thư viện Tổng thống Bill Clinton
Năm 1992, ông Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ, các nỗ lực bình thường hóa quan hệ tiếp tục được đẩy cao. Tháng 2-1992 chứng kiến một sự việc mà nhiều người vẫn nhớ đến giờ. Đó là khi mà ông John McCain và ông John Kerry, một chính trị gia đảng Cộng hòa và một chính trị gia đảng Dân chủ cùng đi với nhau trên chuyến bay đến Kuwait. Trước chuyến bay này họ chưa từng nói chuyện với nhau và thậm chí có lập trường chính trị trái ngược nhau.
Nhưng chuyến bay này đã khiến họ vỡ lẽ rằng họ có quá nhiều điểm chung, một trong số đó là từng tham chiến tại VN. Sau nhiều giờ nói chuyện, họ cùng nhất trí với nhau rằng việc Mỹ và VN bình thường hóa quan hệ sẽ tốt cho quyền lợi của cả hai nước.
Và họ cùng hành động. Đây là bước khởi đầu để xây dựng lòng tin. Đến ngày 10-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lên tiếng: “Chúng ta có thể xây dựng quan hệ với VN dựa trên sự tin tưởng. Chúng ta có thể làm việc với phía VN để hàn gắn các vết thương chiến tranh và xây dựng một tương lai khác biệt”. Tháng 11-2000, Tổng thống Clinton có chuyến thăm lịch sử đến VN. Tại Hà Nội, ông đã có bài phát biểu quan trọng đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm tiếp theo.
Tôi nghĩ rằng quyết định bình thường hóa là quyết định dũng cảm. Chính trị gia của cả hai phía đều dũng cảm. Nhìn lại 30 năm qua, VN và Mỹ đã làm được ba điều lớn nhất.
Thứ nhất, hai nước đã thể hiện sự tôn trọng với nhau. Thứ hai, hai nước đã xây dựng được sự tin tưởng và hợp tác, phục vụ tốt cho quyền lợi của cả hai nước và có lợi cho châu Á cũng như toàn thế giới. Thứ ba, hai nước làm lợi cho cả thế giới khi cùng nhau nỗ lực trong nhiều lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, y tế và môi trường toàn cầu.
Ông TED OSIUS, cựu Đại sứ Mỹ tại VN,
hiện là Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN
NGỌC DIỆP