Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia. Ảnh tư liệu: Đào Trang/PV TTXVN tại Indonesia
Đại sứ có thể đánh giá những đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với ASEAN trong 30 năm qua?
Hành trình 30 năm tham gia ASEAN ghi dấu nỗ lực hội nhập sâu rộng cùng với đóng góp trách nhiệm của Việt Nam cho một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường. Từng bước học hỏi, thích nghi và tham gia với tâm thế chủ động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam đã vươn lên cùng các nước thành viên đóng góp định hướng con đường phát triển của ASEAN, định hình các tiến trình hợp tác của ASEAN.
Việt Nam không chỉ lắng nghe, mà kết nối; không chỉ đồng hành, mà góp phần dung hòa khác biệt, nhân lên điểm đồng giữa các quốc gia thành viên và giữa ASEAN với các đối tác, qua đó, đóng góp duy trì đoàn kết, thống nhất, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong thế giới đầy biến động. Với nỗ lực tích cực của Việt Nam, ý tưởng ASEAN-10 quy tụ toàn bộ các quốc gia thành viên ở Đông Nam Á đã được hoàn tất năm 1999 (Lào, Myanmar gia nhập năm 1998 và Campuchia năm 1999). Từ đây, ASEAN có được thế đứng mới, các nước cùng gác lại những rào cản, chung tay hợp tác, mở rộng quan hệ với bên ngoài, đưa ASEAN trở thành một hạt nhân trong các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.
Các nghĩa vụ luân phiên trong ASEAN đã được Việt Nam hoàn thành xuất sắc. Với vai trò nước chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), chỉ 3 năm sau khi gia nhập, chúng ta đã cùng các nước thành viên chèo lái, đưa ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính năm 1997, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2020.
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN khóa 34 (7/2000 - 7/2001), Việt Nam đã thúc đẩy các biện pháp cụ thể, thiết thực, triển khai Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển. Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010 ghi nhận bước chuyển quan trọng của ASEAN trong việc biến tầm nhìn Cộng đồng ASEAN thành hành động, ra quyết định mở rộng thành phần tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) và hình thành cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), củng cố và tăng cường cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhanh chóng, linh hoạt thúc đẩy cách tiếp cận hiệu quả của ASEAN trước cơn bùng phát của đại dịch COVID-19, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED)…
Việt Nam cũng đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc (2009 - 2012), ASEAN - EU (2012 - 2015), ASEAN - Ấn Độ (2015 - 2018) và ASEAN - Nhật Bản (2018 - 2021), ASEAN - Hàn Quốc (2021 - 2024) và hiện chúng ta đang điều phối 2 đối tác ASEAN - Anh và ASEAN - New Zealand (giai đoạn 2024 - 2027).
Chung tay định hình con đường phát triển của ASEAN, Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc xác định mục tiêu, hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có các văn kiện quan trọng như: Tầm nhìn ASEAN năm 2020, Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, 2045 và các kế hoạch tổng thể về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng nguyên tắc, định hình “luật chơi” của khu vực, cùng ASEAN bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, thúc đẩy các tiến trình đối thoại và hợp tác, củng cố các cơ chế, diễn đàn do ASEAN dẫn dắt, từ đó củng cố môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tạo thuận lợi cho các mục tiêu phát triển của các quốc gia, tăng cường các khuôn khổ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Thưa Đại sứ, bhìn về tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp như thế nào cho ASEAN và có những cơ hội nào để thúc đẩy hội nhập kinh tế, phát triển đất nước?
Tham gia ASEAN đã mở ra cho Việt Nam những cơ hội rộng mở, từ củng cố môi trường khu vực hòa bình - ổn định, mở ra không gian hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước. Hiện nay, ASEAN là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với ASEAN đã tăng gấp gần 25 lần, từ 3,26 tỷ USD năm 1995 đã chạm mốc 83,6 tỷ USD năm 2024. Mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTA) +1 với các đối tác đến thỏa thuận tầm khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường, tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư. Người dân Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình hợp tác khu vực trên các trụ cột của Cộng đồng ASEAN, từ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác, biển, phát triển bền vững, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, đến giáo dục, lao động, khởi nghiệp, y tế, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh...
ASEAN cũng là môi trường đa phương quan trọng, thiết thực, giúp nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Việt Nam. Thông qua các khuôn khổ hợp tác ASEAN, các nhiệm vụ luân phiên mà Việt Nam đảm nhận trong ASEAN, chúng ta có điều kiện mở rộng, đa dạng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, trong đó có nhiều cường quốc, trung tâm có vai trò, vị thế quan trọng của thế giới.
Cùng ASEAN nhìn về tương lai, về mục tiêu phát triển của ASEAN đến 2045, gắn với khát vọng phát triển đất nước, vươn mình của Việt Nam vào thời điểm 100 năm thành lập nước, chúng ta sẽ tiếp tục tư duy chủ động, hành động trách nhiệm, phát huy vai trò dẫn dắt, đồng thời lồng ghép hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của Cộng đồng ASEAN, để tạo sức mạnh cộng hưởng, cùng các nước thành viên ASEAN phát triển năng động, bền vững. Chúng ta cần tận dụng hiệu quả cơ hội từ đà tăng trưởng kinh tế năng động của ASEAN, dự kiến trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030; và không gian kinh tế mở mà ASEAN tạo ra, thông qua các thỏa thuận thương mại, đầu tư nội khối và các FTA với đối tác, trong đó có RCEP với tổng GDP các nước thành viên trên 26.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu, và quy mô dân số chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Bên cạnh đó, cần khai thác tốt cơ hội từ các xu thế hợp tác về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng bền vững, xác lập vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bền vững của khu vực, qua đó, đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quan trọng của đất nước.
Đại sứ hãy chia sẻ về vai trò của Việt Nam trong ASEAN thông qua các nhiệm vụ luân phiên mà Việt Nam đang đảm trách, vào thời điểm chuyển giai đoạn quan trọng của ASEAN, hướng đến Tầm nhìn mới cho Cộng đồng vào 2045?
ASEAN đang bước sang giai đoạn phát triển mới: thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, vì một ASEAN tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm. Trên nền tảng 30 năm tham gia và đóng góp cho ASEAN, Việt Nam tiếp tục nỗ lực đảm nhận với tinh thần trách nhiệm cao các nghĩa vụ luân phiên quan trọng trong ASEAN.
Thứ nhất, Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm Đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) đúng vào năm kỷ niệm 25 năm sáng kiến IAI. Đây là thời điểm ASEAN nhìn lại để tổng kết kinh nghiệm, bài học sau 25 năm triển khai IAI và định hình hướng đi cho giai đoạn mới. Nhóm Đặc trách IAI đang triển khai xây dựng Kế hoạch công tác IAI giai đoạn V (2026 - 2030), một bộ phận không tách rời của Tầm nhìn Cộng đồng 2045, dự kiến sẽ được Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 47 vào cuối năm 2025. Việt Nam, với vai trò Chủ tịch, góp tiếng nói định hướng quan trọng để đảm bảo việc xây dựng và triển khai Kế hoạch mới gắn chặt với các mục tiêu quan trọng của Tầm nhìn Cộng đồng 2045, vừa toàn diện, bao trùm, vừa khả thi, hiệu quả, để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, các vùng, miền, duy trì phát triển đồng đều, bền vững trên các lĩnh vực.
Thứ hai, Việt Nam đang là nước điều phối quan hệ ASEAN - New Zealand (giai đoạn 2024 - 2027). Trong năm 2025, năm đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN - New Zealand, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên ASEAN và New Zealand chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác, dịp Cấp cao ASEAN 47, thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung định hướng hợp tác ASEAN - New Zealand giai đoạn mới, hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện cũng như xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2026 - 2030 để triển khai cụ thể nội hàm Đối tác chiến lược toàn diện. Đây sẽ là mốc phát triển quan trọng, ý nghĩa trong năm đặc biệt đánh dấu 5 thập kỷ quan hệ giữa ASEAN và New Zealand.
Thứ ba, trong vai trò Điều phối quan hệ ASEAN - Vương quốc Anh (giai đoạn 2026 - 2030), Việt Nam đang nỗ lực cùng đối tác Anh thúc đẩy hoàn tất triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Anh giai đoạn 2022 - 2026, tới nay, đạt tỷ lệ thực hiện rất cao, 95%. Chúng ta đồng thời tích cực cụ thể hóa Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Anh năm 2024 về Hợp tác kết nối, cùng Anh trao đổi về kế hoạch kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Anh năm 2026, cũng như xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - Anh giai đoạn mới 2027 - 2031.
Hoàn thành trách nhiệm 3 nhiệm vụ trên trong bối cảnh hợp tác đa phương gặp không ít thách thức sẽ là đóng góp thiết thực, ý nghĩa của Việt Nam cho ASEAN vào thời điểm bước ngoặt quan trọng của ASEAN, góp phần đẩy mạnh liên kết khu vực, đề cao vai trò trung tâm và hình ảnh, vị thế của ASEAN.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đỗ Quyên (TTXVN)