Không phải là phong trào HTX chưa có được những thương hiệu đủ mạnh để có thể đọng lại trong tâm trí của công chúng, ngược lại HTX phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực và ở ngay tại các quốc gia tư bản phát triển, có những lĩnh vực HTX đóng vai trò là những tổ chức hàng đầu.
Sự ra đời danh sách top 300 HTX
Điều đó cho thấy, những thông điệp mà các HTX gửi đến công chúng chưa rõ ràng và hiệu quả; những thông tin và các HTX gửi đến các nhà lãnh đạo, đến người dân chưa thường xuyên và không được cập nhật. Đó là một khiếm khuyết khiến cho tầm vóc và sự ảnh hưởng của phong trào HTX bị hạn chế; ý nghĩa kinh tế - xã hội và những ưu việt của mô hình HTX trong hoạt động, trong phương thức kinh doanh chưa được biết đến một cách rộng rãi.
Để khắc phục những hạn chế này, từ năm 2006, Liên minh HTX quốc tế (ICA) đã bắt đầu triển khai dự án “300 HTX lớn nhất toàn cầu” với ý tưởng rằng thông điệp nào cũng cần phải dựa trên những con số thực tế. Vai trò, ảnh hưởng và tiềm lực của các HTX cần phải được thể hiện một cách cụ thể bởi các con số và đó là cách dễ nhất để thay đổi những suy nghĩ của xã hội về các tổ chức HTX.
Dự án 300 HTX lớn nhất toàn cầu là một minh chứng rõ nét rằng HTX đang phát triển mạnh trong thị trường toàn cầu, HTX không phải chỉ là những tổ chức nhỏ lẻ của những người yếu thế, HTX không phải là mô hình không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Thông qua các con số, người ta có thể so sánh quy mô kinh tế của HTX với các tập đoàn tư bản, những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, đồng thời dễ dàng nhận thấy được sự ưu việt của mô hình HTX về khía cạnh xã hội và phát triển cộng đồng.
Danh sách “300 HTX lớn nhất toàn cầu” sắp xếp các HTX theo tổng doanh thu và tổng tài sản được công bố lần đầu tiên tại Đại hội đồng ICA tại Singapore vào tháng 10 năm 2007. Việc ra đời danh sách top 300 HTX đã tạo ra những bất ngờ, đặc biệt cho những ai vẫn thường đánh giá thấp về vai trò kinh tế và tầm quan trọng của HTX.
Trong danh sách 300 HTX lớn nhất toàn cầu, HTX nông nghiệp và chế biến thực phẩm chiếm tới 30%.
Dự án cũng hình thành lên một hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp những thông tin, số liệu tài chính của các HTX trong từng lĩnh vực và ở từng quốc trên toàn thế giới, qua đó tạo ra một công cụ thúc đẩy phát triển phong trào HTX, nâng cao hình ảnh và thương hiệu HTX, xây dựng những mô hình thực tiễn và giới thiệu, phổ biến những kinh nghiệm thành công trong khu vực HTX, hình thành một mạng lưới liên kết giữa các HTX trên thế giới để chia sẻ thông tin, các bí quyết và cơ hội kinh doanh.
Thông tin về doanh thu và tài sản của HTX được thu thập hàng năm để làm tiêu chí lựa chọn, xếp hạng. Ngoài ra, căn cứ theo các báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính đã được kiểm toán, nhóm dự án đánh giá được các chỉ số cho thấy hiệu quả hoạt động của HTX, cơ cấu kinh doanh, thị phần, tỷ lệ tín dụng, việc phân phối lợi nhuận cho các thành viên, việc nộp thuế cho nhà nước, việc thực hiện tránh nhiệm xã hội tập thể, thực hiện các giá trị và nguyên tắc HTX của các HTX hàng đầu trên thế giới. Các số liệu, dữ liệu được thu thập từ internet (hầu hết các HTX mạnh trên thế giới đều có địa chỉ website), cơ sở dữ liệu về HTX tại các quốc gia, khu vực và trong từng lĩnh vực, các báo cáo, tài liệu bổ sung do các HTX trực tiếp cung cấp.
300 HTX lớn nhất toàn cầu năm 2021
Nhìn vào danh sách 300 HTX lớn nhất toàn cầu năm 2021 của ICA có thể rút ra một số nhận xét cơ bản sau:
Báo cáo Giám sát HTX Thế giới (World Co-operative Monitor) cho biết 300 tổ chức HTX lớn nhất thế giới có tổng doanh thu là 2.409 tỷ USD vào năm 2021 so với năm 2020 là 2.140 tỷ USD. Báo cáo này được ICA xuất bản với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện nghiên cứu HTX và doanh nghiệp xã hội châu Âu (EURICSE), báo cáo xếp hạng dựa trên doanh thu và tỷ lệ doanh thu dựa trên GDP theo đầu người.
Trong 300 HTX lớn nhất toàn cầu, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm chiếm tới 30%, các HTX bán lẻ và bán buôn chiếm tới 30%, các HTX bảo hiểm chiếm 22%, các HTX ngân hàng chiếm 19%, còn lại là các HTX trong những lĩnh vực khác như điện năng, y tế, sản xuất…
Các HTX của Châu Âu chiếm 63% trong danh sách 300 HTX hàng đầu thế giới, Châu Á và Thái Bình Dương chiếm 20,4%, còn lại là Châu Mỹ La tinh và Bắc Mỹ. Các quốc gia có số HTX nhiều nhất trong danh sách này là Mỹ, Pháp, Đức, Italia và Hà Lan. Hai mươi tám (28) quốc gia có các HTX trong danh sách này hầu hết là những nước phát triển, trừ Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico.
Chỉ riêng trong danh sách 300 HTX lớn nhất toàn cầu, các HTX của Phần Lan đã chiếm 21,1% trong tổng GDP của quốc gia này, các HTX của New Zealand chiếm 17,5 %, các HTX của Thụy Sỹ chiếm 16,4%, các HTX của Thụy Điển chiếm 13%.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các HTX chiếm vị trí hàng đầu ở một số nước như Pháp, Đức, Hà Lan...; trong khi ở các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, các HTX nông nghiệp là những tổ chức lớn nhất, chi phối thị trường; ở Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh Quốc, các HTX tiêu dùng chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ trên toàn quốc.
Các HTX lớn nhất dựa trên doanh thu là Ngân hàng HTX Groupe Crédit Agricole của Pháp (114,55 tỷ USD), Tập đoàn Ngân hàng HTX Groupe BPCE của Pháp (63,32 tỷ USD) và Tập đoàn bán lẻ REWE Group từ Đức (61,98 tỷ USD). Tiếp theo là Tập đoàn Tài chính HTX Đức - BVR đạt 56,29 tỷ USD, Liên đoàn quốc gia các Hiệp hội HTX Nông nghiệp Nhật Bản (ZEN-NOH) đạt 55,13 tỷ USD. Xếp hạng dựa trên tỷ lệ doanh thu bình quân đầu người đứng đầu là Liên đoàn HTX Phân bón Nông dân Ấn Độ (IFFCO), tiếp theo là Ngân hàng HTX Groupe Crédit Agricole của Pháp và Liên đoàn HTX tiếp thị sữa Gujarat của Ấn Độ.
Nhiều HTX trong danh sách 300 HTX lớn nhất thế giới đã có lịch sử phát triển từ 50-100 năm (49% được thành lập trước năm 1940), trong đó HTX có lịch sử phát triển lâu đời nhất trong danh sách này là HTX bảo hiểm Gothaer của Đức – thành lập năm 1820, hiện xếp thứ 59 trong danh sách 300 HTX lớn nhất toàn cầu. Điều đó cho thấy các HTX hoạt động ổn định và bền vững hơn rất nhiều so với các loại hình doanh nghiệp.
Các HTX triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)
Báo cáo đánh giá Top 300 HTX dựa trên yếu tố môi trường bền vững, nhân quyền và tăng trưởng công bằng và các báo cáo tuân thủ dự án Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc và Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI).
Kết quả cho thấy 72 HTX trong số Top 300 HTX đã tham gia ít nhất một trong hai sáng kiến, 9 HTX tham gia cả hai sáng kiến, 34 HTX chỉ áp dụng các tiêu chuẩn GRI và 29 HTX chỉ tham gia Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc. 43 HTX tuân theo các chỉ số GRI đã phát hành một báo cáo bền vững áp dụng các tiêu chuẩn GRI, trong khi đó 34/38 HTX tham gia dự án Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc. ICA đang phát triển một hệ thống báo cáo chung để các HTX có thể sử dụng để tập hợp sức mạnh tập thể trong việc đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
HTX phục hồi sau đại dịch Covid-19
Nhóm Báo cáo Giám sát đã thực hiện 29 cuộc phỏng vấn với các HTX lớn trên thế giới đánh giá sự thích ứng của HTX trước đại dịch Covid-19 và phương thức hỗ trợ thành viên và cộng đồng địa phương, các HTX đã hỗ trợ như thế nào từ tài trợ quần áo bảo hộ, vật tư y tế đến xây dựng nhà máy cung cấp ôxy và các dịch vụ thiết yếu cho những nhóm dễ bị tổn thương.
Báo cáo Giám sát HTX Thế giới là một công cụ quan trọng cho phong trào HTX toàn cầu, báo cáo giúp HTX không chỉ đánh giá vị trí riêng có mà còn nêu bật tầm quan trọng của HTX đối với người dân và các nhà hoạch định chính sách.
HT