350 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa hồ Kẻ Gỗ; Huy động hơn 39 tỷ USD làm 183 km metro

350 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa hồ Kẻ Gỗ; Huy động hơn 39 tỷ USD làm 183 km metro
2 giờ trướcBài gốc
Đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 19.403 tỷ đồng cho siêu bến cảng Trần Đề
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại công văn này, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ về việc án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề - Sóc Trăng hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2025 - 2030 hỗ trợ địa phương này với tổng số vốn là 19.403 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Trần Đề có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.
Khu bến Trần Đề có tiềm năng phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT cho các bến trong sông; tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT ngoài khơi cửa Trần Đề.
Nghiên cứu sơ bộ của UBND tỉnh Sóc Trăng cho thấy, khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề có diện tích mặt bằng cảng 411,25 ha, trong đó giai đoạn khởi động 81,6 ha.
Công trình gồm hệ thống cầu cảng có tổng chiều dài 5.300 m tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (6.000 đến 8.000 Teus), tàu hàng rời 160.000 DWT, trong đó giai đoạn khởi động đầu tư 2 bến dài 800 m cho tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT và 2 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải đến 160.000 DWT.
Hệ thống kè/đê chắn sóng có tổng chiều dài 9.800m, trong đó giai đoạn khởi động dài 4.000m.
Cầu vượt biển có chiều dài 17,8 km, rộng 28m, 6 làn xe, trong giai đoạn khởi động bố trí cho 2 làn xe với bề rộng 9 m. Cầu dẫn kết nối cầu vượt biển với bến cảng giai đoạn khởi động dài 1,85km, rộng 28 m; giai đoạn khởi động rộng 9 m.
Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics tại cảng Trần Đề có dự kiến quy mô đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics với tổng diện tích khoảng 4.000 ha, bao gồm san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống PCCC, thông tin liên lạc. Giai đoạn khởi động diện tích 1.000 ha. Đường sau cảng kết nối Quốc lộ 91B đến cầu vượt biển dài 6,3 km.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 162.730 tỷ đồng, trong đó giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư là 44.695 tỷ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư công 19.403 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%, gồm: đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Vốn đầu tư tư nhân (doanh nghiệp) là 25.292 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%), gồm san lấp mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần, logistics; đầu tư xây dựng cảng thuộc bến cảng Trần Đề.
Trong giai đoạn hoàn thiện Dự án có tổng mức đầu tư 162.731 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công là 46.476 tỷ đồng (chiếm khoảng 29%), gồm đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Vốn đầu tư tư (doanh nghiệp) là 116.255 tỷ đồng (chiếm khoảng 71%), gồm san lấp mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần, logistics; đầu tư xây dựng cảng thuộc bến cảng Trần Đề.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Dự án có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, được đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn.
Do vậy, ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến cảng theo quy hoạch, cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng, báo hiệu hàng hải...), kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông (cầu vượt biển và đường giao thông kết nối từ điểm cuối tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại Quốc lộ 91B đến bến cảng Trần Đề) đồng bộ với lộ trình kêu gọi đầu tư hạ tầng bến cảng.
Khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước này sẽ nhằm tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân tương tự như các khu bến cảng cửa ngõ khác (Lạch Huyện, Liên Chiểu) đã kêu gọi đầu tư trong thời gian qua.
Giá đền bù dự án đường Vành đai 2, TP.HCM cao nhất dự kiến là 111,5 triệu đồng/m2
Chiều 28/10, UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức Hội nghị thông tin về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 2 đoạn của Dự án đường Vành đai 2 gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn 1) và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (đoạn 2).
Đất quy hoạch chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 2 đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức - Ảnh: Lê Toàn
Tại hội nghị, ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, cả đoạn 1 và đoạn 2 có 1.166 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, diện tích đất cần thu hồi là 61,1 ha, tổng số vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 7.600 tỷ đồng.
Ông Quyết cho biết, giá bồi thường tại dự án này cao hơn bảng giá đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định 79/2024/QĐ-UBND ngày 21/10/2024 từ 30-97% ở vị trí 1 (mặt đường lớn), các vị trí khác đều cao hơn rất nhiều so với bảng giá đất cũ nên phù hợp với giá thị trường.
Ngoài ra, giá tái định cư bằng nền đất lấy bằng giá tại bảng giá đất theo Quyết định 79/2024/QĐ-UBND nên rất có lợi cho người dân.
Theo dự thảo lấy ý kiến người dân thì giá đền bù ở vị trí mặt đường Dương Đình Hội có giá hơn 74 triệu/m2, vị trí hẻm rộng từ 5 m trở lên có giá hơn 50,8 triệu/m2, mặt đường Tăng Nhơn Phú có giá hơn 75 triệu/m2, mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp hơn 101,9 triệu/m2, mặt tiền đường Phạm Văn Đồng có giá hơn 111,5 triệu/m2,...
Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đường Vành đai 2, sẽ được niêm yết tại trụ sở UBND các phường và các Ban điều hành khu phố nơi có Dự án đi qua để lấy ý kiến người dân trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 28/10/2024.
Về quỹ nhà đất dùng để tái định cư cho người dân, đến nay, UBND TP.Thủ Đức cũng đã chuẩn bị đủ bao gồm các nền đất Khu nhà ở Đại Nhân, (phường Hiệp Bình Phước); Khu đô thị Đông Tăng Long (phường Long Trường và Trường Thạnh); Khu tái định cư 50 ha (phường Cát Lái); Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ; Lô R Chung cư Đức Khải (phường An Khánh)...
Qua khảo sát thực tế của TP. Thủ Đức, những khu tái định cư có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được kết nối đồng bộ, người dân sau khi nhận nhà, đất tái định cư đảm bảo ổn định đời sống.
Theo kế hoạch 2 đoạn của đường Vành đai 2 đoạn qua TP.Thủ Đức sẽ khởi công vào quý I/2025.
Hà Tĩnh đầu tư 350 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa hồ Kẻ Gỗ
Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, thực hiện Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Dự án dự kiến bắt đầu triển khai từ tháng 11/2024 và hoàn thành trước mùa mưa lũ 2025.
Một góc Dự án hồ Kẻ Gỗ thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh minh họa
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, hồ Kẻ Gỗ sẽ được nâng cấp, sửa chữa đập chính, đập phụ, tràn Dốc Miếu, tràn sự cố và gia công, lắp đặt các thiết bị cơ khí. Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Kẻ Gỗ đang được đơn vị này tiến hành lựa chọn nhà thầu, thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Dự kiến khoảng tháng 11/2024 dự án sẽ triển khai và hoàn thành trước mùa mưa lũ 2025. Hồ chứa nước Kẻ Gỗ được xây dựng từ năm 1976, có dung tích 345 triệu m3. Hồ có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh và các ngành kinh tế cho huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Thành phố Hà Tĩnh.
Được biết, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh là đơn vị quản lý, vận hành và khai thác hồ Kẻ Gỗ, sau 48 năm khai thác, vận hành, nhiều hạng mục công trình đầu mối của hồ đã xuống cấp, hư hỏng. Việc này gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình, dân sinh và các cơ sở hạ tầng vùng hạ du.
Trong đó, khu vực nhà tháp thượng lưu, cống vận hành cổng Kẻ Gỗ có nhiều vị trí bê tông bị bào mòn, xâm thực. Nhiều mảng bê tông tại vị trí mái taluy dưới chân đập chính bị xói mòn, hở hàm ếch sau thời gian dài sử dụng. Ngoài ra, một số vị trí khác tại cửa van phẳng thượng lưu, hệ thống van đĩa bị hỏng khiến van côn không thể đóng kín và gây rò nước, rung động lớn khi vận hành. Điều này gây nguy hiểm cho cống và thân đập.
TP.HCM đề xuất đầu tư 3 dự án BT 14.600 tỷ đồng trả chậm bằng tiền ngân sách
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản số 14208/SGTVT - KH gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 Dự án giao thông áp dụng loại hợp đồng BT đầu tư cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Dự án thứ nhất: xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn (từ Quốc lộ 1 đến đường Vành đai 3) trên địa bàn huyện Hóc Môn với chiều dài 8,5 km, rộng 30 m tổng mức đầu tư 3.720 tỷ đồng. Tuyến đường này sẽ kết nối với nhiều khu đất dọc đường Vành đai 3 thực hiện theo mô hình TOD (khu đô thị xung quanh các đầu mối giao thông).
Một số dự án BT được đề xuất đầu tư sẽ nối với tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn đang được xây dựng - Ảnh: L.M
Dự án thứ hai: xây dựng đường mở mới phía Tây Bắc, huyện Bình Chánh (từ đường Vành đai 2 đến giáp ranh tỉnh Long An) chiều dài 10 km, chiều rộng 40 m, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 3.900 tỷ đồng.
Dự án thứ ba: xây dựng đường trục Đông -Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt) nối dài từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh tỉnh Long An. Dự án có chiều dài 12,2 km, rộng 60 m, tổng vốn đầu tư 5.776 tỷ đồng.
Tổng số vốn đầu tư 3 dự án BT nói trên là 14.696 tỷ đồng được đề xuất thanh toán trả chậm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để tăng cường khả năng huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án trong điểm, cấp bách khi mà ngân sách Thành phố còn hạn chế.
Để có vốn trả cho nhà đầu tư 3 tuyến đường BT nói trên, TP.HCM dự kiến sẽ đấu giá nhiều khu đất dọc đường Vành đai 3 và các tuyến metro.
Theo kế hoạch, 3 dự án BT đầu tư trả chậm bằng vốn ngân sách sẽ được thực hiện từ năm 2026-2030.
Quảng Bình: Thông hầm số 2 dự án cải tạo đường sắt Khe Nét
Theo báo cáo từ Liên danh nhà thầu, đến nay, liên danh đã huy động 230 kỹ sư, công nhân, lái máy cùng với hơn 35 máy móc thiết bị chuyên dụng, tổ chức đồng loạt 4 mũi thi công trên 2 hầm. Khối lượng thi công hầm 1 đạt 130 md/580 md và hầm 2 hoàn thành 355 md/355 md. Sản lượng thi công đạt 120 tỷ đồng, vượt 9% tiến độ đề ra.
Hầm số 2 của gói thầu được đào thông trước tiến độ.
Đại diện Ban điều hành gói thầu cho biết, hai hầm đường sắt Khe Nét có tính đặc thù chạy men theo sườn núi, tầng phủ mỏng, địa chất hầm phức tạp, thay đổi liên tục, không theo thiết kế kỹ thuật ban đầu. Để khắc phục, Liên danh nhà thầu đã phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát công trường và đưa ra các phương án gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn, chất lượng theo địa chất thực tế.
Ngoài ra, Ban điều hành đã gặp phải một số khó khăn đến từ việc bàn giao mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, cùng với những trở ngại trong việc thuê đất để làm đường công vụ và tìm kiếm vị trí bãi đổ thải phù hợp. Cụ thể, một số khu vực bãi đổ thải đã được quy hoạch nằm trên đất nông nghiệp, gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng do chưa nhận được đền bù từ phía chủ đầu tư.
Để đảm bảo tiến độ đề ra, Liên danh nhà thầu đã nỗ lực, chủ động đưa ra các giải pháp thi công, đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ để nâng cao năng suất lao động cho cán bộ kỹ sư, công nhân, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”. Bên cạnh đó, liên danh thường xuyên giám sát địa chất để kịp thời điều chỉnh các biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình. Hiện các khó khăn đã cơ bản được xử lý. Mục tiêu đào thông hầm 1 trước tháng 4/2025, thi công đổ bê tông vỏ và hoàn thiện hầm 1 trước 11/2025 và hầm 2 trước tháng 9/2025.
Ông Nguyễn Duy Sông, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL1 cho biết, lễ thông hầm hôm nay là dấu mốc quan trọng, thuận tiện hơn cho việc vận chuyển nhiên liệu, hàng hóa, nhân lực thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ông Sông cho biết thêm, Hầm đường sắt Khe Nét được áp dụng công nghệ NATM trong thi công. Công nghệ này đã được Đèo Cả làm chủ và cải tiến, áp dụng tại nhiều dự án hầm đường bộ mà Đèo Cả đã và đang thực hiện.
Được biết, gói thầu XL01 thuộc Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, thi công xây dựng 2 hầm đường sắt với tổng chiều dài 935 m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 580 m, hầm 2 dài 355m. Đây là gói thầu quan trọng của dự án, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, nằm trên địa phận xã Hương Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Khi hoàn thành, dự án không chỉ góp phần giảm tải giao thông, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách mà còn tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, giúp tăng cường sự kết nối giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào mạng lưới giao thông quốc gia.
Hơn 1 tỷ USD vốn đổ vào KCN Phú Hà Viglacera
Thông tin từ Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera cho biết, KCN Phú Hà (Phú Thọ) do Viglacera làm chủ đầu tư vừa chào đón thêm hai nhà đầu tư mới từ Philipines và Đài Loan với tổng vốn đầu tư trên 150 triệu USD.
Bao gồm: Công ty Nien Made (Đài Loan), đầu tư 120 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất đồ nội thất thông minh và Công ty CP Liwayway Việt Nam (Philippines), chuyên sản xuất các loại thực phẩm, đồ uống cho thương hiệu Oishi, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.
KCN Phú Hà Viglacera tại Phú Thọ đã thu hút hơn 30 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Nien Made là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Đài Loan, sáng tạo ra các thương hiệu riêng NORMAN và VENETA, phân phối sản phẩm đến 2.000 cửa hàng Home Depot và 5.000 cửa hàng Walmart tại Mỹ, Canada, cùng nhiều thị trường khác như Anh, Nhật Bản, Australia...
Như vậy, tính thời điểm này, Khu công nghiệp Phú Hà Viglacera đã thu hút thành công hơn 30 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư lên tới trên 1 tỷ USD.
Trong đó, có nhiều "ông lớn" FDI như: BYD (Trung Quốc), INOUE Rubber (Nhật Bản), Hanyang Digitech, Asentec, ActRO Vina (Hàn Quốc)… Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc – vendor cấp 1 cho Samsung, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư từ địa phương, tạo việc làm hơn cho hơn 23.000 lao động.
KCN Phú Hà Viglacera sở hữu vị trí giao thông thuận lợi, nằm sát cao tốc Nội Bài – Lào Cai, di chuyển nhanh chóng đến sân bay Nội Bài (45 phút), Hà Nội (1 giờ), gần các nhà máy của Samsung và những tập đoàn điện tử, sản xuất ô tô lớn khác đặt tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Cách KCN 2 km là Khu nhà ở dành cho công nhân và chuyên gia KCN Phú Hà, quy mô 4,3 ha. Đến nay, Dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng 2 khối nhà cao 6 tầng (268 căn hộ), 48 căn thấp tầng.
Dự án nhà ở công nhân tại đây góp phần giúp người lao động trong KCN “an cư lạc nghiệp”, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội địa phương. KCN đã có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ và mặt bằng đất sạch, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Đà Nẵng điều chỉnh Dự án Khu công viên phần mềm số 2 lên hơn 1.400 tỷ đồng
Ngày 30/10, tại kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề), HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua Tờ trình của UBND thành phố về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1).
Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục bổ sung các hạng mục cần thiết để hoàn thiện đồng bộ Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), gồm 3 khối nhà (ICT 20 tầng, ICT1 8 tầng và ICT2 8 tầng) đưa vào vận hành khai thác, sử dụng; tổng kinh phí bổ sung là hơn 414 tỷ đồng.
Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1).
Theo Tờ trình của UBND thành phố Đà Nẵng, Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) thuộc danh mục dự án trọng điểm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Dự án được phê duyệt đầu tư nhằm mục đích đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin của thành phố; đồng thời, thông qua Khu công viên phần mềm số 2 sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh các chính sách của nhà nước, hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, mở rộng và phát triển thị trường công nghệ thông tin.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136/2024/QH16 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có nội dung về khuyến khích đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
“Trước làn sóng các nhà đầu tư về lĩnh vực công nghệ thông tin đang có nhu cầu rất lớn đến đầu tư tại thành phố Đà Nẵng và nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo, việc đầu tư bổ sung các trang thiết bị thiết yếu nêu trên nhằm hoàn thiện cơ bản đầy đủ cơ sở vật chất của các khối nhà Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) là cần thiết, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin tại thành phố”, Tờ trình của UBND thành phố Đà Nẵng nêu.
Như vậy, sau khi điều chỉnh bổ sung các hạng mục trên, tổng mức đầu tư Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) được nâng lên hơn 1.400 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 22/10, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1238/QĐ-TTg về mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Theo đó, Thủ tướng quyết định phê duyệt mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng với tổng diện tích đất mở rộng 28.573 m2, địa điểm thực hiện tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu).
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, phạm vi mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng được xác định tại Quyết định số 4179/QĐ-UBND ngày 17/9/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.
Về chức năng, nhiệm vụ Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 bảo đảm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung. Về chính sách ưu đãi, doanh nghiệp thực hiện Dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin đầu tư vào khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 được hưởng các ưu đãi quy định Nghị định số 154/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Tổ chức quản lý Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 do UBND thành phố Đà Nẵng quyết định.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; bảo đảm việc đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 hiệu quả và đúng quy định… Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp sớm đưa dự án Công viên phần mềm số 2 của Đà Nẵng đi vào hoạt động.
Đà Nẵng chi hơn 241 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp 2 bệnh viện
Ngày 30/10, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án mở rộng, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ Bệnh viện Đà Nẵng và Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có tổng mức đầu tư hơn 87 tỷ đồng. Dự kiến dự án xây mới khối điều trị cấp tính nam - nữ với quy mô 140 giường; xây dựng mới hành lang nối từ khối điều trị cấp tính nam - nữ xây mới kết nối với khối điều trị đặc biệt + cai nghiện, khối dinh dưỡng, khối chẩn đoán hình ảnh với quy mô 1 tầng. Ngoài ra còn cải tạo các khối nhà, mua sắm trang thiết bị.
Theo kết quả kiểm định chất lượng công trình do đơn vị tư vấn lập, hiện trạng công trình Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có dấu hiệu xuống cấp, thấm mốc, mủn vữa tường bao che, sàn bê tông xuất hiện nhiều vết nứt… Mức độ nguy hiểm được đưa ra là cấp C.
Còn Dự án mở rộng, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ Bệnh viện Đà Nẵng có tổng mức đầu tư là hơn 154 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027.
Dự án sẽ tháo dỡ, di dời một số hạng mục tại Bệnh viện Đà Nẵng (cơ sở 1) để xây dựng bổ sung hệ thống hành lang kết nối giao thông, khối nhà kỹ thuật và phụ trợ; đồng thời sắp xếp, bố trí lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân nền cảnh quan, tổ chức giao thông, hệ thống tường rào cổng ngõ... tại khu vực mặt đường Hải Phòng, kết nối với khu vực Trung tâm tim mạch mới được đầu tư xây dựng theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Đà Nẵng đã được UBND quận Hải Châu phê duyệt.
TP.HCM: Điều chỉnh tổng mức đầu tư cầu đường Nguyễn Khoái lên 3.724 tỷ đồng
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) vừa có tờ trình (lần 2) gửi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) Dự án cầu đường Nguyễn Khoái (nối Quận 1, Quận 4 với Quận 7).
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh), dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.250 tỷ đồng lên 3.724 tỷ đồng do thay đổi quy mô dự án (tăng chi phí đầu tư xây dựng).
Phối cảnh cầu, đường Nguyễn Khoái. Nguồn: TCIP
Mặt khác, Dự án tăng vốn do cập nhật chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng do áp dụng quy định của Luật Đất đai 2024 và cập nhật chi phí bồi thường di dời hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, TCIP cũng đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2028 thay vì hoàn thành vào năm 2020 như chủ trương đã phê duyệt trước đây.
Do phương án kiến trúc cầu đường Nguyễn Khoái trước đây đã được phê duyệt nên TCIP kiến nghị Sở Giao thông Vận tải trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) không yêu cầu phải thực hiện thủ tục thi tuyển phương án kiến trúc của Dự án.
Hiện nay, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục để khởi công Dự án cầu đường Nguyễn Khoái vào dịp 30/4/2025.
Xử lý hơn 13 triệu m2 chất thải nạo vét từ dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa có ý kiến thống nhất địa điểm tiếp nhận và phương án xử lý sản phẩm nạo vét dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy của Công ty CP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP).
Theo đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thống nhất với báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường và đề nghị phía MTIP chủ động thực hiện, cam kết bố trí các vị trí tiếp nhận sản phẩm nạo vét phù hợp với tình hình triển khai Dự án, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và công năng hoạt động của các khu chức năng khi dự án đi vào hoạt động.
Hiện trường thi công dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, giai đoạn. Ảnh: MTIP
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị tại văn bản số 4245/STNMT-CCBVMT ngày 4/10/2024, tổng khối lượng sản phẩm nạo vét trong quá trình thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy, giai đoạn 1 là 13,22 triệu m3. Trong đó, hơn 988.000 m3 cát trắng đủ tiêu chuẩn làm kính thủy tinh ốp lát phục vụ xây dựng và dùng trong lĩnh vực sản xuất khuôn đúc; còn lại 12,23 triệu m3 cát có thể làm vật liệu san lấp.
Theo phương án xử lý do Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, phần cát trắng sẽ được tập kết tại khu vực 25 ha sau khi đóng cửa mỏ của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản VICO Quảng Trị và vùng lân cận. Phần sản phẩm nạo vét tập kết tại các khu vực trong phạm vi giai đoạn 1, 2, 3 của dự án. Theo kết quả khảo sát thăm dò thì sản phẩm nạo vét không có bùn và tạp chất nên MTIP không tính đến phương án nhận chìm.
Về thời gian dự kiến tập kết sản phẩm nạo vét, hiện MTIP đang tìm kiếm nguồn tiêu thụ sản phẩm nạo vét và các vị trí bãi tập kết khác nằm ngoài dự án để đảm bảo tập kết không quá năm 2030; đồng thời quy mô, chiều cao các bãi tập kết trong dự án cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Việc phê duyệt vị trí bãi chứa chất nạo vét là cơ sở để MTIP triển khai các bước tiếp theo như lập hồ sơ điều chỉnh đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) dự kiến trình Bộ Tài Nguyên và Môi trường vào quý IV/2024, tư vấn lập hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi rừng, đo đạc và cắm mốc giải phóng mặt bằng giai đoạn 2, 3.
Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019. Dự án do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư, được thực hiện tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Dự án có quy mô 10 bến, tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng; tiến độ thực hiện từ năm 2018-2035. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2018-2025 với quy mô 4 bến, vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng (tại Quyết định số 04/QĐ-MTIP ngày 19/7/2023 của MTIP phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 là 6.073 tỷ đồng). Hiện nay MTIP đang khẩn trương thi công các hạng mục của dự án, phấn đấu hoàn thành ít nhất 1 bến vào cuối năm 2025.
EVN là chủ đầu tư dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1274/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên quy mô hơn 7.000 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao là chủ đầu tư.
Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên có mục tiêu truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và các tỉnh lân cận lên lưới điện quốc gia; tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Dự án đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu cũng nằm ở phía Bắc. (Ảnh: Sông Đà)
Dự án cũng nhằm thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh điện của EVN. Dự phòng nhu cầu nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Địa điểm thực hiện dự án đầu tư: tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Quy mô dự án gồm, xây dựng mới đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, mạch kép dài khoảng 228,92 km; mở rộng thêm 02 ngăn lộ 500 kV tại trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên đi trạm biến áp 500 kV Lào Cai.
Vốn đầu tư của dự án là khoảng 7.010,74 tỷ đồng, trong đó, giá trị tổng vốn đầu tư dự án trước thuế khoảng 6.495,53 tỷ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu (khoảng 1.299,11 tỷ đồng) chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án trước thuế và vốn vay ngân hàng thương mại (khoảng 5.196,42 tỷ đồng) chiếm 80% tổng vốn đầu tư dự án trước thuế.
Thời hạn hoạt động của dự án tối thiểu 40 năm (kể từ ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư).
Dự án có tiến độ khởi công tháng 12/2025, thi công xây dựng trong thời gian 6 tháng, phấn đấu hoàn thành đóng điện, đưa công trình vào sử dụng trong tháng 5/2026.
Về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án: dự kiến quy mô diện tích rừng cần chuyển sang mục đích khác để thực hiện dự án là khoảng gần 53 ha rừng.
Thủ tướng giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định pháp luật; chỉ đạo và hướng dẫn EVN trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án, phù hợp với mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia và khẩn trương tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở dự án. Đồng thời, chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án trong quá trình thực hiện. Hỗ trợ, hướng dẫn UBND các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, hướng dẫn EVN trong việc hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khẩn trương tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hỗ trợ, hướng dẫn UBND các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật về đất đai…
EVN chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của các thông tin, số liệu, nội dung trong hồ sơ dự án; chịu trách nhiệm huy động góp đủ số vốn đã đăng ký và thực hiện theo tiến độ, chất lượng, an toàn công trình, bảo đảm tính khả thi của dự án. Chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện dự án; chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án, bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và thực hiện chế độ báo cáo về dự án theo đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của cơ quan liên quan trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án…
Bình Định đề nghị bổ sung Khu bến Cảng Phù Mỹ vào Quy hoạch cảng biển quốc gia
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bình Định cho biết, Khu bến Phù Mỹ có diện tích 1.442,7 ha, đến năm 2030 có 2 cầu cảng chuyên dùng sản phẩm hydrogen xanh, amoniac xanh, tiếp nhận tàu trọng tải 150.000 tấn.
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng cảng biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; mới đây, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Khu bến cảng Phù Mỹ vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi rà soát quy hoạch theo định kỳ 5 năm.
Phối cảnh Dự án Cảng chuyên dùng Phù Mỹ tại Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét cập nhật quy mô quy hoạch Khu bến cảng Phù Mỹ (tại khu vực xã Mỹ An, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao khu nưóc, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định.
Theo quy mô được UBND tỉnh Bình Định đề cập trong tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải, Khu bến Phù Mỹ có quy mô diện tích 1.442,7 ha, với chức năng công trình giao thông - cảng biển gắn liền với khu công nghiệp tập trung, đa ngành, tăng cường thu hút các loại hình công nghiệp phù hợp với định hướng cho Khu công nghiệp Phù Mỹ.
Đến năm 2030, Khu bến Phù Mỹ có 2 cầu cảng chuyên dùng sản phẩm hydrogen xanh, amoniac xanh, tiếp nhận tàu trọng tải 150.000 tấn; 1 cầu cảng hàng lỏng chuyên dùng tiếp nhận sản phẩm xăng dầu, LNG, Jet, sản phẩm hóa dầu, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn; 1 cầu cảng chuyên dùng hàng rời, tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 - 100.000 tấn.
Khu bến Phù Mỹ còn có 5 cầu cảng tổng hợp bốc xếp hàng hóa tổng hợp, bao kiện, container, vật tư thiết bị, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 - 100.000 tấn.
Sau năm 2030, Khu bến Phù Mỹ có 4 cầu cảng tổng hợp, vật tư cho tàu trọng tải 30.000 - 70.000 tấn; 1 cầu cảng cho đội tàu phục vụ, lai dắt chiều dài 120m.
UBND tỉnh Bình Định cũng dự báo sơ bộ khối lượng hàng hóa thông qua bến cảng giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 2,6 triệu tấn/năm, bao gồm hàng lỏng (hydrogen, amoniac), vật tư, thiết bị, bao kiện, hàng rời.
Dự báo giai đoạn 2030 - 2050, khối lượng hàng hóa thông qua bến cảng là khoảng 16,6 triệu/năm, bao gồm hàng lỏng (hydrogen, amoniac, LNG, xăng dầu, sản phẩm hóa dầu), hàng tổng hợp, container, vật tư, thiết bị, bao kiện, hàng rời, thiết bị chuyên dùng năng lượng.
Được biết, Dự án Khu bến cảng Phù Mỹ đang được nhận sự quan tâm của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ khi ngày 23/9/2024, Công ty này có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đăng ký việc khảo sát, nghiên cứu và đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp, chuyên dụng phục vụ Khu công nghiệp Phù Mỹ.
Sau đó, ngày 9/10/2024, Công ty này tiếp tục đề nghị đăng ký khảo sát đo đạc độ sâu đáy biển để xác định vị trí xây dựng Bến cảng Phù Mỹ.
Ngày 21/10/2024, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ được phép khảo sát đo đạc độ sâu đáy biển tại khu vực biển xã Mỹ An, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ để xác định vị trí xây dựng Bến cảng Phù Mỹ.
Đề xuất quy hoạch và đầu tư xây dựng Quốc lộ 5 đi trên cao
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hải Dương vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 5 trên cao.
Theo Sở GTVT Hải Dương, phương án đầu tư xây dựng Quốc lộ 5 đi trên cao có nhiều ưu điểm hơn so với phương án mở rộng Quốc lộ 5 hiện hữu.
Một đoạn Quốc lộ 5 qua Hải Dương.
Cụ thể, phương án này giúp không phải bố trí quỹ đất mới, tiết kiệm đất, sử dụng đất một cách hiệu quả, thông minh do không phải mở rộng; không phải giải phóng mặt bằng trên tuyến chính (đây là một trong những điểm nghẽn khi triển khai các Dự án hạ tầng giao thông, cũng là những điểm phát sinh khiếu kiện); đặc biệt không phải giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư hiện trạng hai bên tuyến đường, từ đó giảm đáng kể chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, Dự án Quốc lộ 5 đi trên cao khi đưa vào khai thác sẽ đảm bảo được tốc độ thiết kế, tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông; giải quyết được bất cập về hạ tầng giao thông, đặc biệt các giao cắt cùng mức, hạn chế đến mức tối thiểu về tai nạn giao thông.
Việc xây dựng Quốc lộ 5 đi trên cao còn giúp chủ động phương án thi công, rút ngắn tiến độ triển khai công trình.
Được biết, Quốc lộ 5 là trục huyết mạch tại khu vực phía Bắc, đưa vào khai thác sử dụng toàn tuyến từ năm 1998 với quy mô đường cấp II đồng bằng (từ 4-8 làn xe). Tuyến đã được các địa phương lấy là trục phát triển kinh tế, đặc biệt các phương tiện vận tải lớn đi và đến các cảng Hải Phòng với lưu lượng xe/ngày rất cao.
Trong những năm vừa qua, các địa phương đã từng bước đầu tư một số tuyến đường gom Quốc lộ 5. Bên cạnh đó, năm 2015, tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được thông xe cũng đã chia sẻ một phần lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 5.
Tuy nhiên, Quốc lộ 5 đã mãn tải từ lâu (theo số liệu đếm xe của đơn vị quản lý, lưu lượng thực tế hiện nay khoảng trên 90.000 xe/ ngày vượt quá 6 lần lưu lượng thiết kế). Tốc độ khai thác trên Quốc lộ 5 chỉ đạt 50 - 60 km/h đối với xe con bằng 50-60% so với tốc độ thiết kế.
Sở GTVT Hải Dương cho biết, tình hình tai nạn giao thông trên tuyến hết sức phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm. Riêng đoạn qua tỉnh Hải Dương dài 44 km nhưng từ năm 2021 đến nay đã xảy ra 228 vụ tai nạn, chiếm 18%; làm chết 85 người, chiếm 13%; làm bị thương 139 người, chiếm 16% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương toàn tỉnh.
Theo phương án Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT tổ chức lập, Quốc lộ 5 vẫn giữ nguyên quy mô hiện trạng.
“Với vai trò rất quan trọng của tuyến Quốc lộ 5 hiện nay cũng như trong tương lai thì việc sớm quy hoạch và đầu tư mở rộng hoặc làm đường trên cao là rất cấp thiết và cấp bách, nhằm đáp ứng được yêu cầu tam giác phát triển kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, giải quyết được tình trạng mãn tải và an toàn giao thông trên tuyến”, lãnh đạo Sở GTVT Hải Dương đánh giá.
Khánh Hòa chuyển hơn 26 ha đất trồng lúa để đầu tư Dự án Cụm công nghiệp Diên Thọ
Ngày 31/10, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Khánh Hòa được phê duyệt kèm theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích Cụm công nghiệp Diên Thọ đến năm 2030 là 75 ha.
Hiện nay, diện tích Cụm công nghiệp Diên Thọ đã thành lập trên địa bàn huyện Diên Khánh là 50ha. Trong đó, Cụm công nghiệp Diên Thọ (giai đoạn 2) do Công ty cổ phần đầu tư VCN làm chủ đầu tư được thành lập theo Quyết định số 2053/QĐ-UBND ngày 30/8/2023 của UBND tỉnh có diện tích 30,98 ha.
Do vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác trong phạm vi ranh giới Cụm công nghiệp Diên Thọ (giai đoạn 2) là cần thiết.
Ngày 30/11/2023, Công ty cổ phần đầu tư VCN có văn bản số 602/CV-PTDA về việc đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Diên Thọ (giai đoạn 2), trong đó diện tích đất trồng lúa trong dự án là 26,18 ha.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, căn cứ các quy định có liên quan, việc chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Diên Thọ (giai đoạn 2) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 06/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Dự án trên đã được HĐND tỉnh thông qua Danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tại Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 30/3/2023; phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Diên Khánh, đã đưa vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Diên Khánh.
Cùng với đó, khu vực thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Diên Thọ không chồng lấn với vị trí quy hoạch công trình thủy lợi.
Ngày 31/10, HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 26,18 ha đất trồng lúa để đầu tư Dự án Cụm công nghiệp Diên Thọ (giai đoạn 2) theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa.
TP.HCM ưu tiên huy động hơn 39 tỷ USD làm 183 km metro
Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có Văn bản số 14229 gửi UBND Thành phố giải trình rõ hơn về cơ cấu nguồn vốn đầu tư 183 km đường sắt đô thị và đánh giá nợ công khi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Theo báo cáo của Sở GTVT, để hoàn thành 183 km đường sắt đô thị TP.HCM vào năm 2035, cần số vốn hơn 39 tỷ USD. Với số vốn rất lớn, TP.HCM sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư theo kế hoạch đề ra.
Khi đầu tư, Thành phố xác định, cơ cấu nguồn vốn dựa trên nguyên tắc các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA, thì các đoạn còn lại có thể xem xét, nghiên cứu tiếp tục đầu tư bằng vốn ODA hoặc bằng vốn ngân sách nhà nước.
Đối với các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn nhà nước, huy động thêm từ các nguồn vốn khác nhằm dần tiếp cận các công nghệ hướng tới nội địa hóa hệ thống đường sắt đô thị, chủ động hoàn toàn trong triển khai và đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Vì vậy, qua tính toán của các sở, ngành, nhu cầu vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM giai đoạn 2026-2030 là 21,31 tỷ USD. Trong đó, nguồn ngân sách Thành phố và thu từ đấu giá quỹ đất dọc các nhà ga (TOD) là 7,81 tỷ USD (chiếm 36,65%); phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác là 6,67 tỷ USD (chiếm 31,3%); Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 4,78 tỷ USD (chiếm 22,44%); nguồn vốn BT trả chậm 2,04 tỷ USD (chiếm 9,58%).
Đến giai đoạn 2031-2035, Thành phố cần 17,26 tỷ USD để đầu tư, trong đó, nguồn ngân sách Thành phố và thu từ TOD là 9,48 tỷ USD (chiếm 54,95%); Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 3,19 tỷ USD (chiếm 18,51%), nguồn vốn BT trả chậm 4,58 tỷ USD (chiếm 26,54%).
Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn trên, PGS-TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giao thông - vận tải Việt Đức đánh giá, giải pháp huy động vốn từ đấu giá khai thác quỹ đất theo mô hình TOD, phát hành các loại trái phiếu như trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương là hoàn toàn khả thi. “Những nguồn vốn này hoàn toàn có thể dùng để phát triển đường sắt đô thị, vì Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho TP.HCM hành lang cơ chế, hoàn toàn có thể triển khai được”, ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn cho rằng, việc phát triển mô hình phát triển TOD sẽ có nhiều thuận lợi về sau, khi vừa tạo ra các đô thị vệ tinh, giúp giải nén không gian đô thị và mật độ dân cư cho các khu vực trung tâm của Thành phố, vừa giảm phương tiện cá nhân, giảm kẹt xe, ô nhiễm...
Liên quan kế hoạch khai thác quỹ đất, phát triển TOD, Đề án đã được Thành ủy, UBND Thành phố thông qua và ban hành kế hoạch thực hiện trong 2 giai đoạn (2024 - 2025 và 2026-2028) tại một số khu đất xung quanh nhà ga tuyến metro số 1, số 2 và quanh nút giao Vành đai 3 theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/NQ- QH15.
Nguồn vốn TP.HCM dự kiến huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương là 160.000 tỷ đồng (10.000-40.000 tỷ đồng/năm) trong giai đoạn 2026-2030 để dành riêng cho đầu tư đường sắt đô thị cũng hoàn toàn khả thi. Bởi theo tính toán của các sở, ngành, dư nợ vay của Thành phố đến ngày 31/12/2023 là 26.729 tỷ đồng. Do đó, trong trường hợp vay trái phiếu chính quyền địa phương theo kế hoạch của Đề án là 160.000 tỷ đồng và điều kiện dự kiến tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước đạt được mức tăng trưởng tương đương mục tiêu tăng trưởng GRDP của Thành phố trong giai đoạn 2026 - 2030 (bình quân khoảng 9,5 - 10%/năm), thì tổng mức dư nợ vay của Thành phố vẫn đảm bảo không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp được quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành 183 km đường sắt đô thị vào năm 2035, Sở GTVT đã xây dựng tiến độ chi tiết cho từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2025-2027 phải hoàn thành công tác chuẩn bị dự án; năm 2027-2028, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để thi công; khởi công công trình từ năm 2027, chậm nhất năm 2028; đến năm 2035 hoàn thành 183 km.
Để tăng tính khả thi khi huy động nguồn vốn trái phiếu trong nước, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành thực hiện khảo sát thị trường, nghiên cứu áp dụng mức lãi vay đủ hấp dẫn, đa dạng các hình thức phát hành trái phiếu.
Đà Nẵng mở đợt cao điểm giải phóng mặt bằng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan
Thành phố Đà Nẵng vừa ban Kế hoạch về triển khai, thực hiện Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" trên địa bàn thành phố, theo Quyết định số1008/QĐ-TTg ngày 19-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch được bàn hành nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng tập trung vào 2 nội dung chính.
Thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước, tích cực tham gia giải phóng mặt bằng để làm cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan.
Thi đua lao động sáng tạo, phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thành các công việc theo đúng tiến độ mà chủ đầu tư yêu cầu về giải phóng mặt bằng tại các vị trí là đường găng, di dời các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các thủ tục để xây dựng các khu tái định cư, hoàn thành các công việc giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Dự án.
Kế hoạch của TP.Đà Nẵng cũng đề ra các tiêu chí thi đua cụ thể. Trong đó huyện Hòa Vang và các địa phương nơi dự án đi qua cần chủ động, sáng tạo trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc và giải phóng mặt bằng.
Tuyên truyền, vận động nhân dân nơi dự án đi qua động thuận, ủng hộ dự án. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành trước tiến độ giải phóng mặt bằng do Thủ tướng Chính phủ giao; kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ. Phối hợp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương để đáp ứng tiến độ, kế hoạch thực hiện dự án.
Thành phố Đà Nẵng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý đối với công tác giải phóng mặt bằng, tích cực hỗ trợ huyện Hòa Vang trong thực hiện công tác đền bù giải tỏa, bảo đảm thành phố bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo đúng thời gian quy định.
Thành phố Đà Nẵng sẽ tặng bằng khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư…
Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan dài 11,5km đi qua địa bàn H. Hòa Vang, được khởi công vào tháng 9/2023. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, bề rộng mặt đường 14m, vận tốc thiết kế 80km/h; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m.
Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan là hơn 2.100 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Hạnh Nguyên (tổng hợp )
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/350-ty-dong-nang-cap-sua-chua-ho-ke-go-huy-dong-hon-39-ty-usd-lam-183-km-metro-d229024.html