Than hoạt tính từ cây tre le - một sản phẩm xanh của bạn trẻ người dân tộc là dự án đầy tiềm năng của cuộc thi khởi nghiệp năm nay.
Chiều 30/10, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), tổ chức họp báo thông tin về Vòng Chung kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024.
36 dự án lọt vào chung kết cuộc thi năm nay (gồm bảng A là 12 ý tưởng/dự án và bảng B là 24 dự án) đến từ 26 tỉnh, thành ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam, như: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang.
Trong đó, có nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa.
Câu chuyện của anh Long và đồng bào mình khởi nghiệp làm than hoạt tính từ cây tre le đã gây xúc động tại buổi họp báo. (Ảnh: Trần Quỳnh)
Theo đánh giá từ Ban giám khảo Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024, các dự án năm nay có nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh, dù ra đời chưa quá 5 năm. Họ có sự vượt trội bởi đã biết kết hợp các yếu tố công nghệ, thương mại điện tử trong bán hàng, bên cạnh việc tuân thủ sản xuất theo các tiêu chuẩn cao của thế giới.
Do đó, các dự án nhỏ hơn có cơ hội trao đổi, học hỏi và kết nối cùng những dự án lớn hơn để hình thành những mạng lưới hỗ trợ cho việc khởi nghiệp, kinh doanh sau này.
Có nhiều doanh nghiệp bước ra từ các cuộc thi đã trở thành DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) do người tiêu dùng bình chọn.
Bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Một điều rất quý ở các dự án trong mạng lưới Khởi nghiệp Xanh của chúng tôi, nhiều dự án đoạt giải từ các mùa trước luôn có sự đồng hành, chia sẻ thông tin và kết nối cùng nhau trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp xanh, phát triển bền vững, hình thành một thế hệ doanh nông mới, tự tin khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp”.
Công ty TNHH Tân Nhiên cũng trưởng thành hơn từ cuộc thi khởi nghiệp xanh.
Cũng theo bà Kim Anh, sau 11 năm triển khai chương trình “Khởi nghiệp Xanh”, Trung tâm BSA đã xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước, cuộc thi Khởi nghiệp Xanh đã đạt được những con số ấn tượng: Gần 2341 thí sinh với 1560 dự án đại diện cho 62 tỉnh, thành tham gia cuộc thi; Hơn 300 giải thưởng các loại đã được trao.
Đặc biệt, trong số ý tưởng tham gia cuộc thi đã có gần 30% số ý tưởng đã thực sự biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần tạo nên giá trị thực tiễn cho xã hội tại các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa vùng núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.
Các dự án khởi nghiệp Xanh lọt vào vòng thi chung kết năm nay.
"Có nhiều doanh nghiệp bước ra từ các cuộc thi đã trở thành DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) do người tiêu dùng bình chọn, DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Cùng với đó, nhiều doanh nông xanh đã đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất, phát triển thêm từ nhiều sản phẩm mới, đã xuất khẩu chính ngạch sản phẩm của mình ra những thị trường quốc tế" - bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ.
Vòng chung kết cuộc thi được chia thành 2 bảng:
– Bảng A: Dự án là cá nhân/nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường, thời gian triển khai hoạt động dự án dưới 1 năm.
– Bảng B: Dự án là Cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác/ hợp tác xã/doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 1 năm (căn cứ theo thời gian cấp GCN/Giấy thành lập doanh nghiệp/HTX). Có sản phẩm/ dịch vụ đã được thương mại hóa và thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.
Vòng chung kết cuộc thi diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/11/2024 tại Hội trường Dinh Thống Nhất.
Quốc Hải