4 bài tập phục hồi chức năng cho trẻ bị hẹp hậu môn

4 bài tập phục hồi chức năng cho trẻ bị hẹp hậu môn
13 giờ trướcBài gốc
Hẹp hậu môn ở trẻ em là tình trạng gây ra bởi sự co hẹp của ống hậu môn, làm cản trở quá trình đại tiện và có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện đối với trẻ bị hẹp hậu môn
2. Các bài tập cho trẻ bị hẹp hậu môn
2.1. Bài tập co giãn hậu môn bằng ngón tay
2.2. Bài tập thở sâu và thư giãn
2.3. Bài tập nâng mông (Glute Bridge)
2.4. Bài tập đá chân nhẹ
3. Lưu ý khi tập luyện
3.1. Thời điểm tập tốt trong ngày
3.2. Đang ốm có nên tập không?
3.3. Cách tập không gây hại
Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguyên nhân thường gặp có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh, viêm nhiễm hoặc các vấn đề về phát triển khác.
Bên cạnh các phương pháp điều trị chính như sử dụng thuốc, nong hậu môn hay can thiệp phẫu thuật, các bài tập hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và cải thiện chức năng hậu môn cho trẻ.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết các bài tập phù hợp, cách thực hiện và lợi ích của chúng đối với trẻ bị hẹp hậu môn.
Bài tập thở sâu và thư giãn giúp giãn nở hậu môn (ảnh minh họa).
1.
Vai trò của tập luyện đối với trẻ bị hẹp hậu môn
Tập luyện có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị cho trẻ bị hẹp hậu môn, đặc biệt là trong quá trình phục hồi chức năng hậu phẫu và duy trì khả năng vận động của cơ hậu môn.
Việc thực hiện các bài tập phù hợp giúp làm tăng sự linh hoạt của cơ hậu môn, giảm thiểu nguy cơ tái phát tình trạng co thắt hoặc hẹp tái phát.
Theo các nghiên cứu về phẫu thuật hậu môn và cơ chế hoạt động của cơ thắt hậu môn, các bài tập kéo giãn và kiểm soát cơ giúp cải thiện sự lưu thông máu, giảm tình trạng viêm nhiễm và giúp cải thiện triệu chứng táo bón ở trẻ hẹp hậu môn.
2.
Các bài tập cho trẻ bị hẹp hậu môn
Các bài tập dưới đây giúp tăng cường sự linh hoạt và chức năng cơ hậu môn, hỗ trợ trẻ bị hẹp hậu môn cải thiện khả năng đi đại tiện và hạn chế các triệu chứng khó chịu.
Việc tập luyện cần thực hiện nhẹ nhàng, từ từ với sự giám sát của phụ huynh và hướng dẫn của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bài tập nâng mông tăng cường sức mạnh vùng cơ mông.
2.1. Bài tập co giãn hậu môn bằng ngón tay
Mục đích: Giúp giãn nở hậu môn, giảm co thắt và làm tăng sự linh hoạt của cơ hậu môn.
Cách thực hiện:
Chuẩn bị: Rửa sạch tay và cắt ngắn móng tay, đeo găng tay y tế sau đó bôi trơn nhẹ nhàng vùng hậu môn và ngón tay bằng gel bôi trơn an toàn.
Bước 1: Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa, chân mở nhẹ để tạo sự thoải mái.
Bước 2: Dùng ngón tay (thường là ngón út đối với trẻ sơ sinh) nhẹ nhàng đưa vào ống hậu môn khoảng 1 cm.
Bước 3: Giữ yên trong khoảng 5-10 giây, sau đó rút ngón tay ra từ từ. Động tác này giúp tập co giãn cơ hậu môn.
Tần suất: Thực hiện từ 1-2 lần mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ.
2.2. Bài tập thở sâu và thư giãn
Mục đích: Giúp giảm căng thẳng và hỗ trợ chức năng tiêu hóa, làm dịu cơ vòng hậu môn và giảm thiểu tình trạng đau khi đi đại tiện.
Cách thực hiện:
Bước 1: Cho trẻ nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái.
Bước 2: Hướng dẫn trẻ hít thở sâu, hít vào bằng mũi trong 3 giây, sau đó thở ra bằng miệng từ từ trong 5 giây.
Bước 3: Thực hiện 5-10 lần để giúp thư giãn cơ thể.
Tần suất: Luyện tập 2-3 lần mỗi ngày.
2.3. Bài tập nâng mông (Glute Bridge)
Mục đích: Tăng cường sức mạnh vùng cơ mông và cơ hậu môn, hỗ trợ kiểm soát cơ vòng hậu môn.
Cách thực hiện:
Bước 1: Cho trẻ nằm ngửa, gập đầu gối và đặt chân cách nhau khoảng vai.
Bước 2: Hướng dẫn trẻ nâng hông lên từ từ cho đến khi lưng tạo thành đường thẳng với đùi. Bước 3: Giữ yên trong 3-5 giây, sau đó từ từ hạ xuống.
Tần suất: Thực hiện 10-15 lần, 1-2 lần mỗi ngày.
2.4. Bài tập đá chân nhẹ
Mục đích: Hỗ trợ làm tăng lưu thông máu ở vùng bụng và hậu môn, giúp cải thiện tiêu hóa và giảm táo bón.
Cách thực hiện:
Bước 1: Đặt trẻ nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
Bước 2: Nhẹ nhàng nâng một chân của trẻ lên khoảng 45 độ so với mặt đất, giữ trong 2 giây rồi hạ xuống.
Bước 3: Lặp lại với chân còn lại.
Tần suất: Thực hiện 10 lần cho mỗi chân, 1-2 lần mỗi ngày.
Việc điều trị hẹp hậu môn không chỉ phụ thuộc vào các phương pháp y tế như dùng thuốc, phẫu thuật mà còn cần kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng.
3.
Lưu ý khi tập luyện
Khi thực hiện các bài tập cho trẻ bị hẹp hậu môn, phụ huynh cần lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho trẻ.
3.1. Thời điểm tập tốt trong ngày
Thời điểm lý tưởng để tập luyện thường là vào buổi sáng hoặc buổi chiều, khi trẻ cảm thấy thoải mái và có nhiều năng lượng. Tuy nhiên, cần tránh tập luyện ngay sau khi trẻ ăn, vì việc này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến tiêu hóa. Một khoảng thời gian từ 1-2 giờ sau bữa ăn là thích hợp nhất.
3.2. Đang ốm có nên tập không?
Nếu trẻ đang bị ốm hoặc có triệu chứng sốt, cảm lạnh, viêm nhiễm hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, phụ huynh nên tạm ngưng các bài tập cho đến khi trẻ hồi phục. Tập luyện trong tình trạng ốm có thể làm tăng gánh nặng cho cơ thể và khiến tình trạng sức khỏe của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
3.3. Cách tập không gây hại
Để đảm bảo an toàn trong quá trình tập luyện, phụ huynh cần chú ý đến các yếu tố sau:
Giám sát chặt chẽ: Luôn theo dõi trẻ trong suốt quá trình tập luyện, giúp trẻ thực hiện các động tác đúng cách và an toàn.
Không ép buộc: Nếu trẻ cảm thấy khó chịu hoặc đau khi tập, hãy dừng lại ngay và xem xét thay đổi động tác hoặc tạm ngưng tập.
Khởi động trước khi tập: Thực hiện một số bài tập khởi động nhẹ nhàng hoặc xoa bóp để làm ấm cơ thể và chuẩn bị cho quá trình tập luyện chính của trẻ.
Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo rằng các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.
Tóm lại, hẹp hậu môn là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của trẻ em. Việc điều trị hẹp hậu môn không chỉ phụ thuộc vào các phương pháp y tế như dùng thuốc, phẫu thuật mà còn cần kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng.
Những bài tập này không chỉ giúp cải thiện sự linh hoạt và kiểm soát cơ hậu môn mà còn hỗ trợ quá trình hồi phục sau phẫu thuật, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn trong các hoạt động hàng ngày.
BSNT. Nguyễn Thanh Hằng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/4-bai-tap-phuc-hoi-chuc-nang-cho-tre-bi-hep-hau-mon-169241113222700367.htm