4 cách ông Trump có thể 'thâu tóm' đảo Greenland

4 cách ông Trump có thể 'thâu tóm' đảo Greenland
7 giờ trướcBài gốc
Đảo Greenland (Đan Mạch) - hòn đảo lớn nhất thế giới - đang nhận được sự chú ý sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn sáp nhập hòn đảo vào lãnh thổ Mỹ và không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để buộc Đan Mạch chấp nhận ý tưởng này.
Tờ Politico nhận định ý tưởng của ông Trump về việc mua lại Greenland nghe có vẻ vô lý, nhưng không phải là không thể.
Nếu tổng thống đắc cử thực sự quyết tâm kiểm soát hòn đảo lớn nhất thế giới này, ông Trump có thể cố gắng mua lại Greenland nếu vùng lãnh thổ tự trị này tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch.
Một chiếc máy bay chở ông Donald Trump Jr. (con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump) đến đảo Greenland vào ngày 7-1. Ông Donald Trump đang muốn mua lại Greenland. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Trump có thể tìm cách biến hòn đảo thành một lãnh thổ phụ thuộc như Puerto Rico. Hoặc thậm chí ông Trump có thể đưa Greenland vào một thỏa thuận như Mỹ đã làm với Micronesia và Quần đảo Marshall, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận không bị hạn chế để đổi lấy sự bảo đảm quốc phòng và hỗ trợ tài chính.
Dưới đây là những gì ông Trump có thể làm để thay đổi mối quan hệ của Mỹ với Greenland cũng như giải quyết những rào cản trên con đường thực hiện ý tưởng kiểm soát hòn đảo lớn nhất thế giới.
Mua lại Greenland
Ông Alex Gray - Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump - cho biết những người trong vòng thân cận của ông Trump thực sự đang bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về các cuộc đàm phán mua lại Greenland, biến hòn đảo này trở thành một lãnh thổ của Mỹ. Đây có thể coi như một phần trong nỗ lực định hướng lại chính sách đối ngoại của Mỹ ở Tây Bán cầu.
Ông Gray chỉ ra việc Đan Mạch mua đảo St. Croix từ Pháp vào thế kỷ 17. Đảo này sau đó được Mỹ mua lại theo một hiệp ước năm 1916 và hiện là một phần của quần đảo Virgin.
Đây không là lần đầu tiên ông Trump đề xuất việc mua lại Greenland. Trong quá khứ, Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn mua lại Greenland.
Ví dụ, năm 1946, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Harry Truman đã đề nghị Đan Mạch bán lại Greenland với giá 100 triệu USD. Ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại Greenland vào năm 2019, nhưng đề xuất này đã nhanh chóng bị Đan Mạch cũng như chính quyền hòn đảo này bác bỏ trước khi bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào có thể diễn ra.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tổ chức họp báo tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida ngày 7-1, nói ông muốn mua lại Greenland. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ngay cả khi Greenland có thể được bán, nhiều người dân Greenland vẫn đặt câu hỏi liệu họ có muốn trở thành một phần của Mỹ hay không. Lãnh đạo Greenland - ông Mute Egede, người đã kêu gọi độc lập khỏi Đan Mạch trong thập niên tới, đã nói rằng Greenland "không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán".
Các đồng minh của ông Trump cũng thừa nhận rằng một cuộc đàm phán về số phận của Greenland sẽ rất khó khăn vì những tác động kinh tế to lớn: Greenland có hàng tỉ khoáng sản và hydrocarbon chưa được khai thác nằm sâu bên dưới các lớp băng Bắc Cực đang tan chảy.
Về lý thuyết, Greenland - một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch - có quyền tự chủ rộng rãi. Điều này có nghĩa là hòn đảo có thể bầu ra các nhà lãnh đạo của riêng mình trong khi Đan Mạch phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng của hòn đảo. Ngoài ra, Greenland vẫn phụ thuộc vào khoản trợ cấp hàng năm khoảng 500 triệu USD từ Đan Mạch.
Greenland nằm dưới sự cai trị của Đan Mạch từ đầu thế kỷ 18 cho đến năm 1979, khi hòn đảo trở thành một lãnh thổ tự trị. Từ năm 2009, Greenland có quyền tuyên bố độc lập thông qua trưng cầu dân ý.
“Đan Mạch không tuyên bố sở hữu [đảo Greenland]. Tôi khá tự tin rằng chính phủ Đan Mạch, như chúng ta đã thấy họ nói, không nghĩ rằng họ có thẩm quyền pháp lý để bán Greenland cho bất kỳ ai” - ông Scott Anderson, cựu cố vấn pháp lý cho Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định.
Biện pháp quân sự
Trong trường hợp ông Trump dùng vũ lực chiếm đảo Greenland, thế giới sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ. Sau khi ông Trump đe dọa ngầm về hành động quân sự nhằm chiếm Greenland đã gây ra cảnh báo từ cả Đức và Pháp, việc Mỹ thậm chí giúp hòn đảo này tách khỏi Đan Mạch cũng có thể gây ra hậu quả ngoại giao.
Lá cờ Greenland tung bay ở thị trấn Igaliku (Greenland). Ảnh: EPA
Bà Christine Nissen - nhà phân tích chính tại tổ chức tư vấn Europa (Đan Mạch) - nói với kênh Al Jazeera rằng Greenland, với tư cách là một lãnh thổ tự trị trong Vương quốc Đan Mạch, và bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng sẽ cấu thành hành vi vi phạm trực tiếp các quyền của Greenland cũng như của Đan Mạch.
“Đan Mạch và Liên minh châu Âu (EU) đang điều chỉnh một hành động cân bằng đầy thách thức: họ phải nhấn mạnh tính nghiêm trọng của việc bị đe dọa về một nguyên tắc cơ bản như chủ quyền, trong khi vẫn cố gắng duy trì một mối quan hệ xây dựng với Mỹ - một đối tác quan trọng ở bờ Đại Tây Dương” - bà Nissen cho hay.
Greenland cũng nằm trong phạm vi bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nghĩa là một cuộc tấn công vào Greenland sẽ buộc các đồng minh NATO khác, bao gồm Mỹ, phải ra tay bảo vệ. Điều này có thể khiến Mỹ bị các đồng minh cô lập.
Ký kết thỏa thuận
Ngay cả khi Greenland quyết định giành độc lập, Mỹ vẫn có thể tìm ra cách để kiểm soát hòn đảo này nhiều hơn.
Mỹ đã có những thỏa thuận theo cách như vậy, được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA), với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau ở các đảo phía tây Thái Bình Dương. Chính quyền ông Trump đã cân nhắc ý tưởng ký COFA với Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Một thỏa thuận như vậy sẽ trao cho Mỹ quyền tiếp cận quân sự độc quyền và quyền quyết định quốc gia nào khác có thể đóng quân tại Greenland. Thỏa thuận như vậy có thể trao cho Lầu Năm Góc một sự hiện diện lớn hơn trong khu vực.
Một số cựu quan chức Mỹ cho rằng mô hình này có thể làm giảm áp lực lên Copenhagen, vì hòn đảo này lớn hơn Đan Mạch khoảng 50 lần.
Thêm nhiều căn cứ quân sự
Nếu ông Trump không thể mua Greenland, hoặc lôi kéo hòn đảo vào một thỏa thuận quốc phòng, thì ông có thể sẽ tính tới việc xây thêm nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở đó.
Mỹ và các đồng minh NATO có những khoảng cách đáng kể trong phạm vi giám sát ở một số khu vực của Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Mỹ có thể thêm các cảm biến tinh vi hơn để bổ sung cho các radar cảnh báo sớm mà Lầu Năm Góc đã triển khai tại Căn cứ Không gian Pituffik ở mũi phía tây bắc của hòn đảo.
THẾ VINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/4-cach-ong-trump-co-the-thau-tom-dao-greenland-post829448.html