4 đại cao thủ võ lâm nào chưa từng sống trong truyện Kim Dung?

4 đại cao thủ võ lâm nào chưa từng sống trong truyện Kim Dung?
5 giờ trướcBài gốc
4 đại cao thủ "chưa từng sống" trong truyện Kim Dung gồm những ai?
Trong truyện kiếm hiệp, có hư có thực, trong hư có thực trong thực có hư. Đó là thủ pháp văn chương thượng thặng của Kim Dung khiến chúng ta đi từ thú vị này đến bất ngờ khác, say mê nhập tâm vào thế giới hư hư thực thực mà Kim lão tiên sinh tạo ra.
Đến một lúc, ta không còn phân biệt được đâu là sự kiện có thực, đâu là hư cấu của Kim Dung nữa, ranh giới ấy đã bị xóa nhòa. Để rồi bao nhiêu năm sau đó, khi được chuyển thể thành các bộ phim điện ảnh với nhiều phiên bản, hay được thổi hồn vào các tựa game online thì hư và thực, thực và ảo vẫn chưa bao giờ cần tách biệt.
Như thế, các nhân vật của Kim Dung dù có thật hay không, đã bước vào cuộc đời thực của chúng ta, họ đã trở nên có thật theo cách ấy. Giống như có người đã bình luận về nhân vật Sherlock Holmes: "Người đàn ông chưa từng sống nhưng không bao giờ chết". Các nhân vật hư cấu của Kim Dung cũng vậy.
Hồng Thất Công
Hồng Thất Công được biết đến là bang chủ thứ 18 của Cái bang, bang hội lớn nhất thiên hạ. Ông có võ công tuyệt đỉnh, nổi tiếng với Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp. Giỏi võ công là vậy, nhưng nhiều người lại biết đến ông bởi tật xấu, khó bỏ, đó là tính tham ăn. Đây cũng là khiếm khuyết khiến ông trở nên không hoàn hảo. Cũng chính vì tham ăn ngon mà ông đã lỡ mất một việc lớn, để đến nỗi một huynh đệ trong Cái bang bị chết thảm. Quá đau lòng và hối hận, Hồng Thất Công giận dữ rút dao chém phăng ngón tay trỏ.
Có một Hồng Thất Công tham ăn đệ nhất, nhưng cũng có một Hồng Thất Công anh hùng đệ nhất. Mỗi khi rời khỏi bàn ăn, tất tần tật những gì ông thể hiện là một vị đại hiệp đúng nghĩa, với sự quân tử và nhân hậu ít ai sánh kịp. Âu Dương Phong vốn là kẻ xấu xa, nhưng ông sẵn sàng cứu giúp khi bị thanh cột cháy suýt đè lên người. Chỉ vì việc nghĩa mà Hồng Thất Công bị Tây Độc cho rắn cắn, lại dùng chưởng đánh ông đến tàn hại.
Tại cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Hồng Thất Công trở thành một trong năm người có võ công mạnh nhất gồm: Đông Tà Hoàng Dược Sư, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Tây Độc Âu Dương Phong và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương. Có thể nói, tuy không phải là người mạnh nhất, cũng chưa hẳn vượt trội hoàn toàn trong võ lâm, nhưng với khí khái của mình, Hồng Thất Công luôn xứng là người có tiếng nói nhất. Người ta vị nể ông không chỉ đơn thuần là vì ngôi vị Bang chủ Cái bang. Ông là người đúng nghĩa nam tử hán đầu đội trời, chân đạp đất.
Âu Dương Phong
Âu Dương Phong là chủ nhân núi Bạch Đà Sơn ở Tây Vực, là một kẻ độc ác, nhiều mưu mô thủ đoạn. Là kẻ đa mưu túc trí và tà đạo nhất trong Võ Lâm Ngũ Bá. Y có võ công rất cao cường, thường dùng một cây gậy có thả hai con rắn độc ở đầu làm vũ khí. Tuyệt kỹ bậc nhất của y là Hàm Mô Công (bản cũ dịch là Cáp Mô Công, Cáp mô hay Hàm mô có nghĩa là con cóc). Đúng với danh hiệu Tây Độc của mình, y có khả năng dụng độc cực cao, chế ra các loại thuốc độc không ai giải được, y bị người trong giang hồ gọi là Lão Độc Vật.
Cuộc đời Âu Dương Phong tuy là một cuộc đời đầy tà đạo với những mưu mô độc ác và gian xảo. Nhưng không thể phủ nhận rằng hắn đã có một trường phong ba đáng sống trên cõi đời. Với cái chết cùng ngôi mộ bên cạnh Hồng Thất Công. Hành vi điên loạn chỉ là cái giá phải trả cho những âm mưu cùng tham vọng điên cuồng của chính hắn. "Một nhân vật chưa từng sống trong lịch sử, và đã chết trong áng văn".
Vô Danh Thần Tăng
Nhân vật này chưa bao giờ được fan coi là "người thường", thậm chí chính Kim Dung cũng mô tả rằng Vô Danh Thần Tăng chẳng phải thân huyết nhục, tức là không phải con người có "máu thịt". Ông ta giống như một vị thần, có pháp lực vô biên, quả là hợp với danh sách "hư cấu" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ông chỉ cần nhìn qua là biết được loại võ công mà Cưu Ma Trí dùng là gì. Cưu Ma Trí muốn dùng chiêu Vô tướng kiếp chỉ để đánh lén nhưng Vô danh thần tăng vẫn coi như không, chẳng cần động thủ, tự khắc chiêu pháp của Cưu Ma Trí bị chặn đứng lại và chỉ cần một cái phẩy tay, đã khiến cho Cưu Ma Trí bị thương, vội bỏ chạy. Lặng lẽ làm người quét dọn Tàng Kinh Các suốt mấy chục năm nhưng luận về tài và đức của tăng sư thì đến đại đức cao tăng cũng phải nghiêng mình kính phục.
Dương Quá
Dương Quá (và cả Tiểu Long Nữ) dẫu là nhân vật chính nhưng được hư cấu hoàn toàn bởi nhà văn Kim Dung. Tuy vậy, Kim Dung khéo léo lồng sự kiện có thật đó là Đại Hãn Mông Kha chết trận trong cuộc tấn công thành Tương Dương vào mạch chuyện, và lý do của cái chết của ông ta là đã bị Dương Quá dùng võ công thượng thừa để hành thích.
Bước ngoặt của Dương Quá là sau khi bị Quách Phù xin nhẹ một cánh tay, chàng Dương Quá lang thang thì gặp được chim Điêu của Độc Cô Cầu Bại. Con chim như hiểu ý người, cho Dương Quá nuốt mật rắn, rồi "tập thể dục" cực nặng.
Đêm hôm ấy cuối cùng Dương Quá không ngủ, trong dòng nước lũ ngộ ra rất nhiều kiếm lý, như đâm thuận, thúc ngược, phạt ngang, chém chéo, bây giờ mới đại ngộ, chẳng trách sử kiếm hà tất phải dùng kiếm có lưỡi, có mũi nhọn? Một thanh kiếm sắc thông thường, chàng chỉ cần cầm trong tay rung nhẹ, kình lực chưa phát, chắc kiếm đã gãy luôn.
Lúc này mưa tạnh, trời trong, trăng sáng, ngân quang chiếu xuống mặt suối giữa rừng. Dương Quá nhìn dòng chảy, tâm thông kiếm lý, tay thạo kiếm thuật, biết kiếm pháp sử dụng thanh kiếm nặng là như thế, không cần luyện thêm, thì Kiếm Ma có phục sinh, truyền thụ kiếm thuật cho chàng cũng chỉ vậy thôi. Tương lai nội lực tăng dần, sử kiếm sẽ ngày càng nhẹ, cuối cùng sử kiếm gỗ cũng sẽ không khác gì sử thanh kiếm nặng này, tất cả là do công lực từ nông đến sâu, chứ về kiếm thuật, thì đây đã là cảnh giới tối cao.
Về võ công
Nói đến truyện kiếm hiệp mà không nói về võ công thì quả là thiếu sót. Trong các thiên truyện của Kim Dung, ta thấy xuất hiện rất nhiều võ phái đều là có thật. Các động tác của võ thuật được Kim Dung mô tả cũng chính là lấy từ thực tế. Ví dụ trong cận chiến thì có chưởng pháp (dùng tay tấn công), quyền pháp (dùng nắm đấm), chỉ pháp (dùng lực ngón tay), trảo pháp (dùng lực bàn tay với các ngón tay giống như động vật cào), cầm nã (phép túm, giật móc, túm, kéo, khóa), bộ pháp (phép di chuyển)...
Tuy nhiên, tiểu thuyết kiếm hiệp không phải là một cuốn biên khảo hay bài nghiên cứu về võ công, cho nên cũng tồn tại nhiều chi tiết mang tính tưởng tượng và lãng mạn, cốt để gây cảm hứng cho người đọc. Vì vậy mà, Kim Dung đã sáng tạo ra nhiều chiêu thức với tên gọi rất thú vị. Nào là "Sư tử hống", "Hấp tinh đại pháp", Lục Mạch thần kiếm", đến những chiêu thức chỉ có trong trí tưởng tượng hoang dã nhất như "Cách Sơn Đả Ngưu".
Tạm kết
Những nhân vật hư ảo trong truyện Kim Dung còn nhiều lắm, chẳng thể phân tích hết trong một bài viết ngắn ngủi. Nhưng dẫu sao, chút gạn lọc đó cũng cần thiết để gây thêm chút cảm hứng để bạn đọc tự tìm hiểu và cảm nghiệm vẻ đẹp của những tác phẩm của Kim Dung.
Theo Đô Đô/Báo Tổ Quốc
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/4-dai-cao-thu-vo-lam-nao-chua-tung-song-trong-truyen-kim-dung-2101948.html