Sáng 18-5, kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh những ý nghĩa quan trọng của việc đổi mới tư duy về xây dựng nhà nước pháp quyền, tổ chức thực thi pháp luật cũng như huy động, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân làm động lực chiến lược cho nền kinh tế - xã hội đất nước.
"Bộ tứ trụ cột", xóa lối mòn tư duy
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá: Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghiên cứu sản xuất vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN
“Đến thời điểm hiện nay có thể gọi bốn nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh. Vì vậy, tôi kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam” - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Theo Tổng Bí thư, nhìn về tương lai, chúng ta xác định rõ muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.
“Bốn nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Các nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức.
Các trục triển khai như thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đánh giá hiệu quả.
Những thay đổi mang tính chiến lược
Có thể thấy các nghị quyết được ban hành với tầm vóc rõ ràng, đúng lúc và mang tính đột phá. Trong đó, đáng chú ý là lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng, vấn đề phân định rõ ràng giữa vi phạm hành chính - dân sự - hình sự đã được nêu ra.
Hãy để doanh nghiệp dám lớn
Ở Việt Nam có một nghịch lý, đó là kinh tế phát triển nhưng doanh nghiệp lại không dám lớn.
ThS LÊ DUY BẢO CHINH, kiểm sát viên VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM.
Một trong những nguyên nhân của thực tế này là do ở đâu đó còn có cách xử lý không phù hợp với mong muốn của doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng cũng không phù hợp với những quy tắc của kinh tế thị trường.
Hiện nay, quan điểm của Đảng hướng đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, cho mọi doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, chủ trương của Đảng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính.
ThS LÊ DUY BẢO CHINH
Đây là một bước tiến đáng kể về lập pháp, có ý nghĩa thực tiễn lớn trong bảo vệ quyền tài sản và phòng ngừa rủi ro pháp lý cho doanh nhân.
Trong nhiều vụ án kinh tế gần đây, ranh giới giữa “rủi ro kinh doanh” và “hành vi vi phạm” vẫn còn chưa minh định về cơ chế xử lý, dẫn đến môi trường đầu tư thiếu ổn định. Trong bối cảnh này, Nghị quyết 66 ra đời đã khẳng định không “hình sự hóa” các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế.
Đến ngày 4-5-2025, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành có nêu nguyên tắc “khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước”.
Đây là lời khẳng định rằng: Chính sách phải phù hợp với sự phát triển của xã hội và kinh tế; chế tài phải tương xứng với hành vi và pháp luật cần là bệ đỡ, không phải gánh nặng.
Một sai phạm của tổ chức kinh tế xảy ra, hành vi vi phạm chưa nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự thì nên thay bằng việc buộc doanh nghiệp khắc phục vi phạm thông qua các chế tài về dân sự (bồi thường, khắc phục thiệt hại); cách giải quyết này sẽ khiến cho hậu quả được khắc phục hợp lý hơn.
Hơn nữa, một vụ án hay một doanh nhân nếu chỉ vì quan hệ kinh tế mà phải chịu chế tài hình sự sẽ khiến người lao động mất việc, Nhà nước thất thu. Một nền tư pháp chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế thì cả nền kinh tế đó bị ảnh hưởng, thậm chí cả một ngành bị ảnh hưởng.
Không phải sai phạm nào cũng là tội phạm
Hình sự hóa là khái niệm pháp lý được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực hình sự. Đó là việc biến một hành vi vốn chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự hoặc có thể bị xử lý bằng một chế tài khác nhẹ hơn thành một hành vi có tính tội phạm và bị pháp luật xử lý bằng chế tài hình sự - loại chế tài nặng nhất.
Cách hiểu về hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế kể trên cũng ám chỉ rằng hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế; do đó xâm hại tới các quan hệ dân sự, kinh tế. Thể hiện ở việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố ngay cả đối với hành vi chưa phạm tội (chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định trong BLHS).
Hệ quả của việc hình sự hóa quan hệ dân sự-kinh tế là có thể gây ra án oan; khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam bị ảnh hưởng và mất đi nhiều cơ hội; hình ảnh, uy tín của các cơ quan tố tụng bị giảm sút…
Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc không xử lý hình sự các hành vi vi phạm chỉ mang tính chất giao dịch dân sự, kinh tế thuần túy, nếu không có dấu hiệu gian dối hoặc lạm dụng tín nhiệm. Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ và tạo sự yên tâm trong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình làm ăn kinh doanh.
Thông điệp này là nguồn cổ vũ tinh thần cho các doanh nhân khởi nghiệp, sáng tạo đổi mới, an tâm phát triển lâu dài. Bản thân doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh ổn định, đặc biệt là hệ thống pháp lý minh bạch, ổn định để các doanh nhân yên tâm tìm các phương hướng phát triển kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Hoạt động kinh doanh luôn đi kèm rủi ro. Tuy nhiên, rủi ro kinh doanh không đồng nghĩa với hành vi phạm tội. Nghị quyết 68 quán triệt tinh thần này nhằm để các nhà hành pháp có ý thức tách bạch ranh giới giữa yếu tố lỗi hình sự và lỗi rủi ro trong kinh doanh; làm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng các công cụ pháp lý nhằm cưỡng ép, tranh chấp quyền lợi trong kinh doanh và đây là một trong những cải cách tư pháp theo định hướng bảo vệ quyền con người, quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp ghi nhận.
Luật sư BÙI TRẦN NHẬT VI, Đoàn Luật sư TP.HCM
(CHÂU YẾN ghi)
Không vì tranh chấp hợp đồng mà đẩy doanh nhân vào lao lý
Việc Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị nhấn mạnh nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự” là một bước đi đúng đắn, phản ánh tư duy cải cách tư pháp tiến bộ, đồng thời bảo đảm môi trường pháp lý minh bạch, an toàn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Các tranh chấp dân sự, kinh tế vốn dĩ phát sinh từ sự thỏa thuận, giao dịch giữa các bên, cần được giải quyết thông qua các cơ chế hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Việc hình sự hóa các quan hệ này có thể dẫn đến sự lạm dụng tố tụng hình sự để gây sức ép, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào hệ thống pháp luật.
Chúng ta phải phân định rõ ràng giữa sai phạm và hành vi phạm tội. Không thể vì tranh chấp hợp đồng mà đẩy doanh nhân vào vòng lao lý. Điều này không chỉ trái với nguyên tắc pháp quyền mà còn gây tổn hại cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Cần tuyệt đối tránh việc sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết tranh chấp thuộc phạm vi dân sự, kinh tế. Thay vào đó, cần khuyến khích cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, trọng tài thương mại, đảm bảo tính độc lập, công bằng và đúng pháp luật. Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.
Luật sư VŨ DUY NAM, Đoàn Luật sư TP.HCM
(HUỲNH THƠ ghi)
ThS LÊ DUY BẢO CHINH