4 giải pháp để phát triển mô hình sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

4 giải pháp để phát triển mô hình sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
2 giờ trướcBài gốc
Các sản phẩm của Tổ liên kết đều do các chị em trong Hội LHPN xã thực hiện, đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm
Hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kinh tế tập thể (Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Thọ), hiện nay có khoảng 73 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Phụ nữ trong các mô hình kinh tế tập thể vùng đồng bào DTTS đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội địa phương nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh, hạn chế trong tiếp cận thông tin thị trường, vốn sản xuất, và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Sơn (đứng)- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kinh tế tập thể (Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Thọ)
Nhận thức được thực trạng này, thời gian qua, các cấp, các ngành, trong đó có Liên minh hợp tác xã tỉnh đã tuyên truyền tính hiệu quả của các mô hình và tư vấn thành lập nhiều mô hình kinh tế liên kết theo tổ, nhóm và hợp tác xã, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS tham gia vào các hoạt động kinh tế tập thể, xây dựng sinh kế bền vững, tạo công ăn việc làm ổn định và cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Việc hình thành các tổ, nhóm liên kết với sự tham gia của phụ nữ DTTS đã mang lại nhiều hiệu quả, như tăng cường tính đoàn kết; nâng cao kiến thức, kỹ năng, hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.
"Các tổ, nhóm liên kết giúp phụ nữ có cơ hội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, không chỉ phát triển kinh tế mà còn xây dựng mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng. Thông qua các tổ chức này, phụ nữ có cơ hội tham gia vào các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thông tin thị trường và kỹ năng quản lý tài chính.
Sự liên kết giúp các nhóm phụ nữ cùng chia sẻ nguồn lực, như giống cây trồng, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các tổ, nhóm liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận thị trường tiêu thụ, từ các phiên chợ đến các kênh bán hàng trực tuyến, giúp thu nhập ổn định", ông Nguyễn Hồng Sơn phân tích.
Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các HTX và triển khai một số nội dung cơ bản của Luật Hợp tác xã
Cùng với mô hình tổ, nhóm liên kết, các hợp tác xã cũng đã đóng góp tích cực vào việc phát triển sinh kế cho phụ nữ DTTS, như tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận vốn và kỹ thuật sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ,…
Có thể nói, thông qua các mô hình tổ, nhóm liên kết và hợp tác xã, phụ nữ vùng DTTS tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực như nâng cao thu nhập và giảm nghèo; cải thiện đời sống văn hóa, xã hội và phát triển bền vững.
Việc tham gia vào các mô hình sinh kế này giúp phụ nữ DTTS có nguồn thu nhập ổn định, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và bình đẳng giới tại địa phương. Không chỉ về kinh tế, việc tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể giúp phụ nữ tự tin hơn, năng động, tự chủ, phát huy vai trò trong gia đình và xã hội, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, địa phương. Các mô hình này không chỉ giúp phát triển sản xuất mà còn tạo ra các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy các sản phẩm đặc trưng của đồng bào DTTS.
4 giải pháp hiệu quả
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song theo ông Nguyễn Hồng Sơn, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển các mô hình sinh kế cho phụ nữ DTTS, như một số hợp tác xã và tổ, nhóm liên kết vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn lớn và kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực quảng bá sản phẩm, nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được mở rộng, đặc biệt là đối với thị trường ngoài tỉnh và quốc tế.
Để có thể phát triển, nâng cao hiệu quả các mô hình sinh kế nêu trên cần có một số giải pháp như sau:
- Thứ nhất là tăng cường hỗ trợ từ chính quyền. Cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cung cấp vốn vay ưu đãi, khuyến khích phụ nữ DTTS tham gia vào các hoạt động kinh tế tập thể.
- Thứ hai là đào tạo và tư vấn chuyên sâu. Tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn chuyên sâu về kỹ năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, công nghệ số, bán hàng trực tuyến và quản lý tài chính cho phụ nữ tham gia hợp tác xã và tổ, nhóm liên kết.
- Thứ 3 là xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hỗ trợ phát triển bao bì, nhãn mác và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của hợp tác xã do phụ nữ DTTS làm chủ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó nâng cao vai trò hỗ trợ của Liên minh hợp tác xã tỉnh cũng như các cấp Hội phụ nữ.
- Thứ tư là đẩy mạnh việc phối hợp giữa Liên minh hợp tác xã và Hội LHPN tỉnh để tuyên truyền, vận động, tư vấn để thành lập nhiều hơn các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ vùng DTTS làm chủ.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và nhân rộng mô hình sinh kế cho phụ nữ DTTS tại tỉnh Phú Thọ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực không ngừng của các hợp tác xã và tổ, nhóm liên kết, phụ nữ vùng DTTS tỉnh Phú Thọ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình và đóng góp nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
An Khê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/4-giai-phap-de-phat-trien-mo-hinh-sinh-ke-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-2024101620131322.htm