TRONG GIAN NAN VẪN THẤY MAY MẮN
13-14 tuổi, trước tình hình kháng chiến căng thẳng cao độ, trường học giải tán, Ca Lê Hồng về làm việc tại cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ. Năm 15 tuổi, bà tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ. Ban đầu, Ca Lê Hồng là nghệ sĩ ca múa. Vì nhu cầu của Đoàn văn công Nam Bộ, bà được tuyển về để học cải lương với những nghệ sĩ hàng đầu lúc bấy giờ như: nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du…
Ở đoàn, bà từng tham gia nhiều vở diễn như: Máu thắm đồng Nọc Nạng, Võ Thị Sáu… Không qua trường lớp chuyên nghiệp, bà xem mỗi buổi diễn là một cơ hội được học. Kể cả khi không có vai, bà vẫn ngồi từ trong cánh gà nhìn ra. Việc theo dõi, quan sát những vai diễn khác nhau giúp bà tự rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Bà quan niệm, biết tới đâu thì nhận tới đó, không “tham”, tranh giành vai. Với bà, “không có vai nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ”. Tư duy này khiến bà luôn nghiên cứu kỹ để vai diễn của mình được tròn trịa nhất, dù là vai chính hay vai chỉ xuất hiện 1-2 phút.
Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng xúc động kể về những lần gặp Bác với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Năm 1968, Ca Lê Hồng du học Liên Xô. Chồng đi bộ đội, con mới lên 5 tuổi, dù thương nhưng bà vẫn quyết tâm gửi con ở lại, đi để học tập và trở về giúp ích cho đất nước. Đi học nơi xứ người gặp nhiều khó khăn, rào cản về ngoại ngữ, bà luôn nỗ lực để vượt qua vì theo bà, “được đi đào tạo nước ngoài là may mắn hơn rất nhiều người phải vào chiến trường, chịu nhiều vất vả, đau thương”. Từ nước ngoài, tất cả nỗi nhớ Việt Nam đều được bà gửi vào những cánh thư tay.
Hoàn thành việc học tập tại Liên Xô, năm 1973 bà về nước. Đây là bước chuyển mình của Ca Lê Hồng, từ diễn viên sân khấu thành cán bộ quản lý. Trước khi về TP. Hồ Chí Minh đảm nhận công việc ở Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh), bà có thời gian giảng dạy tại Hà Nội.
Công tác giảng dạy ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bà tranh thủ sự hỗ trợ của các thầy cô từng du học ở Nga, Bulgaria. Hầu như điều gì tốt, điều gì hay cho sinh viên, bà đều không ngại “gõ cửa” để hỏi, để trình bày. NSƯT Ca Lê Hồng bộc bạch: “Tất cả vì sự nghiệp đào tạo của đất nước và vì thương học trò”.
NHƯ TẰM NHẢ TƠ
Không biểu diễn nhiều, nhưng NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng lại góp công không nhỏ để tạo nên nhiều tên tuổi danh tiếng cho sân khấu như: Hồng Vân, Ngọc Giàu, Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy…
Hơn 70 năm cống hiến cho nghệ thuật và công tác quản lý, đào tạo, giảng dạy, NSƯT Ca Lê Hồng không ngừng duy trì việc học dù bà đã đạt nhiều thành tựu trong nghề. Không chỉ học ở thầy, ở bạn, sách vở, bà còn học mỗi ngày từ chính những học trò của mình.
Hình ảnh thời trẻ của Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng
Nói về hai chữ cống hiến với nghề, NSƯT Ca Lê Hồng so sánh đó như việc con tằm dành cả đời nhả tơ. Bà càng tự hào hơn nữa khi thấy nhiều học trò của mình thành đạt. “Vị trí, danh hiệu của nhiều em cao hơn tôi rất nhiều. Đó là niềm hạnh phúc lớn của bất kỳ người thầy nào” - NSƯT Ca Lê Hồng mãn nguyện.
Chia sẻ về người thầy từng là cố vấn nghệ thuật cho tác phẩm tốt nghiệp của mình, đạo diễn Lê Mẫn bày tỏ: “Đối với tôi, NSƯT Ca Lê Hồng là một người mẹ luôn đau đáu lo lắng cho đàn con thân yêu của mình và là một người thầy truyền đạt kiến thức cũng như những kinh nghiệm thực tiễn tuyệt vời. Tôi thấy mình may mắn khi được học tập và trưởng thành dưới sự hướng dẫn của cô”.
Biên kịch - đạo diễn Phan Thanh Tùng, giảng viên Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, hội viên Hội Sân khấu Việt Nam cũng là học trò thân cận của NSƯT Ca Lê Hồng. Anh kể về cơ duyên của mình và cô với lòng biết ơn: “Ba năm làm trợ giảng cho cô đã kết thúc nhưng vẫn không khép lại hành trình học hỏi của tôi. Tôi không chỉ được học về nghề, mà ở cô, tôi luôn ngưỡng mộ và tự nhắc nhở bản thân phải rèn luyện giống cô để có được cái tâm sáng”.
CHUYỆN VỀ 4 LẦN GẶP BÁC
NSƯT Ca Lê Hồng là con gái của nhà trí thức yêu nước nổi tiếng Ca Văn Thỉnh. Anh chị em của bà hầu như tham gia hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ và đều nổi danh: GS.TS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhà thơ - liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) và họa sĩ Ca Lê Thắng. Bên cạnh truyền thống yêu nước từ gia đình, những lần được gặp Bác Hồ chính là yếu tố quan trọng tác động lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của NSƯT Ca Lê Hồng.
Đạo diễn Ca Lê Hồng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần. Lần đầu tiên là vào năm 1956, khi bà tập kết ra Bắc. Bà nhớ lại: “Lần đầu biểu diễn cho Bác mà cảm xúc trào dâng vì vừa xúc động vừa tự hào, cảm giác lâng lâng”.
Lần tiếp theo là bà theo đoàn vào phục vụ khi Bác đón một đoàn công tác của Trung Quốc sang. “Tôi còn nhớ hình ảnh Bác rất xúc động khi xem phân đoạn về những giây phút cuối đời của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Lúc đoàn diễn xong, Bác đi vào trong hậu đài, chúng tôi ngồi quanh Bác, được Bác hỏi thăm và mời ăn kẹo” - NSƯT Ca Lê Hồng kể.
Về cơ duyên lần thứ ba gặp Bác, bà cho biết đó là một lần Bác đến khu văn công ở Cầu Giấy. “Bác đến mà tất cả đều không biết vì Bác đi cửa sau để xem bếp núc, ăn ở của chúng tôi như thế nào. Tất cả mới vỡ òa: “Ôi Bác đến, Bác đến” khi Bác xuất hiện” - bà bồi hồi nhớ lại.
Lần gặp thứ tư - lần gặp Bác cuối cùng, chính là kỷ niệm bà nhớ mãi không quên. Đó là khi bà cùng vài người bạn được đến thăm Bác tại nhà sàn, nơi Bác đang ở. Trong tâm trí bà, hình ảnh của Bác ngày hôm đó vẫn vẹn nguyên: “Bác nhẹ nhàng bước xuống cầu thang với bộ đồ pijama màu nâu, bên ngoài khoác chiếc áo kaki. Bác nhìn chúng tôi, nói cười thật vui vẻ rồi đưa kẹo bảo chúng tôi ăn. Bác trò chuyện, hỏi han về cuộc sống, về việc chuyên môn của mọi người”. Lúc này, NSƯT Ca Lê Hồng mới thật tình kể rằng, phải tập kết vì chiến tranh nên chưa được học đến nơi đến chốn, hiện đoàn tổ chức học tại chức về văn hóa và chuyên môn. Bác chăm chú lắng nghe và dặn dò: “Cháu cố gắng học văn hóa, đó là cơ sở để mình hiểu biết, giúp tri thức mở rộng và rèn luyện nghệ thuật ngày một giỏi hơn”. Nói chuyện xong, bà được cùng Bác đi dạo Phủ Chủ tịch.
Đạo diễn Ca Lê Hồng tâm sự về một hình ảnh đẹp, giản dị nhưng rất chân thành về Bác nữa là khi cha của bà - nhà trí thức yêu nước Ca Văn Thỉnh - được ngồi ăn cơm với Bác. Sau bữa ăn, Bác tự tay thu dọn chén, đĩa gọn gàng thể hiện sự quan tâm tế nhị nhưng sâu sắc đến những người phục vụ.
“Qua những lần được gặp Bác, nhớ đến hình ảnh, câu chuyện về tấm gương của Bác với những lời nói, ứng xử bình dị, nụ cười vui vẻ, đôn hậu đã khắc sâu và trở thành động lực suốt đời để tôi phấn đấu vượt qua thử thách, khó khăn trong học tập, công việc và cuộc sống” - NSƯT Ca Lê Hồng bày tỏ.
Ngày 7-5-1964, NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2024, bà được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Lam Ngọc