4 lập luận của Tòa Hiến pháp khi phế truất Tổng thống Yoon vì vụ thiết quân luật

4 lập luận của Tòa Hiến pháp khi phế truất Tổng thống Yoon vì vụ thiết quân luật
11 giờ trướcBài gốc
Ngày 4-4, Tòa Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết giữ nguyên quyết định của quốc hội về việc luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, phế truất ông khỏi cương vị này, trích dẫn sự vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền khi tuyên bố thiết quân luật.
Theo tờ The Korea Times, phán quyết của tòa được đưa ra dựa trên một số yếu tố then chốt, gồm: động cơ và cách thức ông Yoon tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3-12-2024, cũng như hành vi của ông trong thời gian áp đặt thiết quân luật.
Tòa bác bỏ các lập luận của ông Yoon rằng việc ban bố thiết quân luật chỉ là lời cảnh báo gửi tới các đối thủ chính trị, rằng điều đó nằm trong quyền hạn tổng thống và ông đã được thực hiện theo đúng quy trình của nội các.
Dưới đây là những lập luận của Tòa Hiến pháp Hàn Quốc, được đưa ra trong phán quyết, về lý do tòa giữ nguyên quyết định luận tội ông Yoon.
Ông Yoon Suk-yeol chính thức bị phế truất khỏi vị trí tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: THE KOREA TIMES
Thiết quân luật không có cơ sở chính đáng
Tòa Hiến pháp Hàn Quốc bác bỏ lập luận của ông Yoon rằng việc áp dụng thiết quân luật là cần thiết để đối phó với điều mà ông mô tả là “sự tê liệt trong quản trị” do các dự luật mà phe đối lập đệ trình và việc luận tội một số quan chức cấp cao.
Các thẩm phán nhận định rằng, vào thời điểm thiết quân luật được tuyên bố, các dự luật gây tranh cãi vẫn chưa có hiệu lực.
“Các dự luật mà người bị luận tội cho rằng đã được các đảng đối lập thông qua một cách đơn phương và gây ra vấn đề vẫn chưa có hiệu lực tại thời điểm ban bố thiết quân luật, vì người bị luận tội đã yêu cầu xem xét lại hoặc trì hoãn việc ban hành” - Thẩm phán Moon Hyung-bae, quyền Chánh án Tòa Hiến pháp Hàn Quốc, nhấn mạnh.
“Do đó, việc quốc hội thực thi các quyền của mình, như đưa ra kiến nghị luận tội, thông qua luật và thảo luận ngân sách không tạo ra một cuộc khủng hoảng tức thời tại thời điểm tuyên bố thiết quân luật” - thẩm phán Moon nói thêm.
Cũng theo vị thẩm phán, ngay cả khi hành động của quốc hội gây khó khăn cho tổng thống, những vấn đề như vậy phải được xử lý thông qua các thủ tục hợp hiến, chứ không phải bằng biện pháp quân sự khẩn cấp không có cơ sở pháp lý.
Thẩm phán Moon Hyung-bae - quyền Chánh án Tòa Hiến pháp Hàn Quốc. Ảnh: THE KOREA TIMES
Triển khai quân đội trái pháp luật
Vào đêm thiết quân luật được tuyên bố, hàng trăm binh lính, bao gồm lực lượng đặc nhiệm, đã được điều động đến trụ sở quốc hội Hàn Quốc. Cảnh sát chặn lối vào, buộc một số nghị sĩ phải trèo tường để vào tòa nhà. Ông Yoon còn ra lệnh cho các sĩ quan quân đội cưỡng chế đưa các nghị sĩ ra khỏi phòng họp để ngăn họ bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật. Tòa án kết luận rằng những hành động này là vi hiến.
“Hiến pháp và Luật Thiết quân luật quy định rằng chỉ được ban bố tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có nhu cầu quân sự hoặc cần thiết để duy trì trật tự và an toàn công cộng” - phán quyết của tòa nêu rõ.
Tòa nhấn mạnh rằng việc sử dụng vũ lực quân sự nhằm cản trở hoạt động lập pháp là hành vi vi hiến, bởi điều đó vi phạm một điều khoản trong hiến pháp Hàn Quốc trao quyền cho quốc hội yêu cầu bãi bỏ thiết quân luật. Hành động này cũng xâm phạm quyền được thảo luận, biểu quyết và quyền miễn trừ nghị viện của các nghị sĩ.
Ngoài ra, việc triển khai quân đội còn bị đánh giá là vấn đề nghiêm trọng vì đã vi phạm nguyên tắc quân đội trung lập về chính trị .
“Người bị luận tội đã huy động lực lượng quân sự vì mục đích chính trị, qua đó đẩy những người lính – những người phục vụ tổ quốc với sứ mệnh bảo vệ an ninh quốc gia và lãnh thổ – vào thế đối đầu trực tiếp với người dân” - thẩm phán Moon nói.
Làm suy yếu Ủy ban Bầu cử Quốc gia
Tòa án cũng bác bỏ lập luận của ông Yoon rằng việc tuyên bố thiết quân luật là cần thiết vì nghi ngờ gian lận bầu cử và việc Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) không hợp tác điều tra vụ việc. Dưới thiết quân luật, hàng chục binh sĩ đã được điều đến các văn phòng của NEC theo lệnh của ông Yoon để kiểm tra máy chủ của cơ quan này.
“Người bị luận tội cho rằng thiết quân luật được ban bố nhằm làm rõ nghi vấn gian lận bầu cử. Tuy nhiên, việc tồn tại những nghi ngờ như vậy không cấu thành một cuộc khủng hoảng thực sự và nghiêm trọng” - tòa khẳng định.
Liên quan việc binh lính có mặt tại các văn phòng của NEC, các thẩm phán tuyên bố hành động đó tương đương với “một cuộc khám xét và thu giữ trái phép, không có lệnh của tòa”, do đó vi phạm nguyên tắc tố tụng cần có lệnh và xâm phạm tính độc lập của cơ quan bầu cử.
Tòa án nhấn mạnh rằng những nghi vấn liên quan đến tính minh bạch của cuộc bầu cử phải được xử lý thông qua các kênh chính trị và tư pháp chứ không phải bằng việc điều động quân đội.
Không tổ chức họp nội các chính thức
Tòa cũng kết luận rằng ông Yoon đã vi phạm quy trình bắt buộc khi không triệu tập một cuộc họp nội các chính thức trước khi ban bố thiết quân luật, vốn là một bước pháp lý then chốt được quy định trong hiến pháp.
Thủ tướng Han Duck-soo và một số bộ trưởng đã khai rằng ông Yoon tự ý đưa ra quyết định sau một cuộc họp ngắn, mà không có sự tham vấn đúng quy trình.
“Tòa thừa nhận rằng ngay trước khi tuyên bố thiết quân luật, người bị luận tội đã trình bày ngắn gọn mục đích với Thủ tướng và chín bộ trưởng” - phán quyết lưu ý.
“Tuy nhiên, ông ấy không cung cấp thông tin chi tiết về các vấn đề trọng yếu như việc bổ nhiệm Tư lệnh thiết quân luật, cũng không tạo điều kiện cho các thành viên khác phát biểu ý kiến. Với những yếu tố này, thật khó để kết luận rằng đã có sự thảo luận đúng mực” - theo phán quyết.
Dựa trên những vi phạm nêu trên, Tòa Hiến pháp Hàn Quốc đi đến kết luận rằng ông Yoon đã phạm phải các hành vi vi hiến nghiêm trọng xứng đáng bị phế truất, đồng thời tuyên bố rằng ông “đã từ bỏ nghĩa vụ bảo vệ hiến pháp và phản bội nghiêm trọng niềm tin của người dân – những người làm chủ đất nước Hàn Quốc”.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/4-lap-luan-cua-toa-hien-phap-khi-phe-truat-tong-thong-yoon-vi-vu-thiet-quan-luat-post842690.html