Thông tin trên được nêu tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An chiều 23/7 do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung chủ trì để chỉ đạo ứng phó với bão số 3 (bão Wipha), mưa lũ do hoàn lưu bão.
Ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa to đến rất lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dẫn đến lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Lượng mưa đo được tại các trạm khí tượng thủy văn từ 19h ngày 21/7 đến 19h ngày 22/7 phổ biến từ 100mm đến 200mm, có nơi trên 250mm.
Hơn 3.200 nhà bị ngập do mưa lũ ở Nghệ An
Hiện tỉnh chưa có số liệu thống kê đầy đủ về thiệt hại do nhiều địa phương, đơn vị đang bị cô lập, mất điện, mất liên lạc, chưa báo cáo được. Theo ghi nhận bước đầu đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 417 ngôi nhà bị thiệt hại và 3.237 ngôi nhà bị ngập nước.
Tính đến 11h ngày 23/7, các xã đã di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi trú tránh an toàn. Hiện nhiều xã có các thôn bản và hộ dân bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn như: Tương Dương 21 thôn, bản; Tam Quang 29 hộ, ngoài ra có hàng trăm hộ dân tại các xã Châu Khê, Hữu Khuông, Keng Đu, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Bắc Lý, Mường Típ, Nhôn Mai, Tam Quang, Con Cuông.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 45 điểm sạt lở taluy; 1.522m chiều dài đường sạt lở, hư hỏng; 49 điểm sạt lở, ách tắc; 56 điểm giao thông bị ngập nước, ách tắc; 3 cầu treo bị cuốn trôi và nhiều thiệt hại về nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục...
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương, đơn vị trong phạm vi ảnh hưởng tổ chức trực ban 24/24h, có phương án khắc phục ở mức cao nhất, trước hết theo phương châm “4 tại chỗ”; bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở để có phương án kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn, trong trường hợp cần thiết phải cưỡng chế; huy động lực lượng để hỗ trợ di dời người dân và tài sản khi có yêu cầu.
Ông Trung cũng chỉ đạo tiếp cận các địa điểm, khu vực dân cư ở các xã, thôn, bản đang bị cô lập, chia cắt để đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân; có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dọn dẹp môi trường sau khi nước rút.
Các nhà máy thủy điện được yêu cầu theo dõi, thực hiện nghiêm quy trình xả lũ và kịp thời thông báo cho các địa phương, từ đó thông tin kịp thời đến người dân vùng bị ảnh hưởng.