Bệnh sốt xuất huyết hiện đã có vaccine phòng bệnh. Ảnh: Shutterstock.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết Dengue vào top 10 mối đe dọa y tế toàn cầu. Hiện nay, gần 4 tỷ người sống trong vùng có nguy cơ mắc bệnh. Mỗi năm, thế giới ghi nhận khoảng 500.000 ca nhập viện và 25.000 ca không qua khỏi do sốt xuất huyết. Dù là bệnh truyền nhiễm với nguy cơ lây lan nhanh, không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này.
Sốt xuất huyết còn được gọi là “sốt gãy xương”
Sốt xuất huyết không phải lúc nào cũng gây sốt cao hay biến chứng nặng, theo trang tin Dengue.com. Trên thực tế, chỉ khoảng 1/4 người nhiễm bệnh có triệu chứng rõ ràng, thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Một số người chỉ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức hốc mắt, cơ và khớp. Chính vì gây ra cảm giác đau nhức toàn thân, đặc biệt ở xương và cơ mà bệnh còn được gọi là “sốt gãy xương”.
Sốt xuất huyết có thể lây sang thai nhi nếu mẹ mắc bệnh
Một điều ít được chú ý là sốt xuất huyết có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ. Các nghiên cứu gần đây ghi nhận nguy cơ biến chứng và không qua khỏi cao hơn ở phụ nữ mang thai mắc bệnh. Một nghiên cứu tại Brazil cho thấy ngay cả khi nhiễm sốt xuất huyết thể nhẹ, thai phụ vẫn có nguy cơ sinh non tăng 77% và gấp đôi nguy cơ sinh con nhẹ cân.
Không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi, sốt xuất huyết ở thai phụ cũng có thể liên quan đến biến chứng tiền sản giật và đe dọa tính mạng cho mẹ. Trong một nghiên cứu tại Ấn Độ trên hơn 200 thai phụ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong lên tới 15,9%.
Nếu đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, đặc biệt tại khu vực lưu hành dịch, bạn nên chủ động tìm hiểu và tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá nguy cơ và có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Con người tác động lớn đến sự gia tăng ca bệnh
Sự gia tăng nhanh chóng của sốt xuất huyết trong vài thập kỷ qua phần lớn có liên quan đến yếu tố con người. Bệnh hiện đã xuất hiện tại hơn 125 quốc gia với hàng triệu ca mắc, hàng trăm nghìn ca nhập viện và hàng chục nghìn ca không qua khỏi mỗi năm.
Du lịch quốc tế góp phần không nhỏ vào sự lây lan này. Người nhiễm bệnh trong thời gian đi lại có thể mang virus về nước khi chưa xuất hiện triệu chứng, tạo điều kiện cho virus lan rộng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang mở rộng môi trường sống của muỗi truyền bệnh sang những khu vực trước đây chưa từng bị ảnh hưởng.
Đô thị hóa nhanh chóng cũng là yếu tố thúc đẩy dịch bệnh. Mật độ dân cư cao, các khu vực chứa nước tù đọng do sinh hoạt hàng ngày vô tình trở thành nơi sinh sản lý tưởng của muỗi vằn - tác nhân chính gây sốt xuất huyết. Một nghiên cứu dự báo rằng, nếu biến đổi khí hậu tiếp diễn với tốc độ hiện tại, đến năm 2080 sẽ có khoảng 2 tỷ người sống trong khu vực lưu hành bệnh.
Muỗi vằn luôn xuất hiện quanh con người
Không giống một số loài muỗi có thể bay xa hàng cây số, muỗi vằn chỉ hoạt động trong phạm vi vài trăm mét, chủ yếu quanh khu vực có người sinh sống. Chúng thường đẻ trứng trên thành các vật dụng có chứa nước quanh nhà như chậu cây, xô chậu, bình chứa. Đặc biệt, trứng muỗi có thể tồn tại vài tháng và chỉ nở khi gặp nước.
Điều này có nghĩa là môi trường sống của muỗi không nằm đâu xa mà ngay trong và quanh khu vực sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Do đó, việc kiểm soát sốt xuất huyết không thể chỉ dựa vào phun thuốc hay chống muỗi khi ra ngoài. Người dân cần chủ động dọn dẹp, loại bỏ các vật dụng có thể chứa nước tù, thay nước bình hoa thường xuyên, kiểm tra mái nhà, máng xối… để cắt đứt vòng đời sinh sản của muỗi.
Kỳ Duyên