Tác dụng của bột sắn dây với sức khỏe
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y thị xã Thái Hòa, Nghệ An cho biết, trong y học cổ truyền, sắn dây vị ngọt, đắng, tính mát hơi lạnh, chủ yếu đi vào hai kinh phổi và lá lách. Sắn dây (trong Đông y còn gọi là cát căn) thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, tiểu đường, tiêu chảy, kiết lỵ, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam, nôn ra máu, trĩ xuất huyết, tai ù tai điếc.
Sắn dây được sử dụng như loại nước uống giải nhiệt trong mùa hè oi bức. Ngoài ra, sắn dây còn đem lại rất nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe con người.
Dưới đây là những tác dụng của bột sắn dây đối với sức khỏe:
Bổ âm và thanh nhiệt: Sắn dây tác dụng thanh nhiệt, mát máu, dưỡng âm, dưỡng ẩm cho da khô, thường dùng chữa các triệu chứng như sốt, khô miệng, ho, đờm nhiều.
Tác dụng chống viêm và giải độc: Trong sắn dây rất giàu chất nhầy và các loại alcaloid có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giải độc, có thể dùng để điều trị cảm lạnh, viêm dạ dày ruột, viêm thận và các bệnh liên quan khác.
Lợi tiểu và giảm sưng tấy: Sắn dây có thể làm tăng lượng nước tiểu, lợi tiểu và giảm sưng tấy, dùng để điều trị phù nề, viêm thận và các bệnh khác.
Cải thiện tiêu hóa: Sắn dây tác dụng bồi bổ dạ dày và tiêu hóa thức ăn, thúc đẩy nhu động ruột, tăng tiết dịch vị, giúp cải thiện các triệu chứng như khó tiêu, chướng bụng, táo bón.
Chống lão hóa: Trong sắn dây rất giàu polysaccharides có tác dụng chống oxy hóa và chống lão hóa.
Bột sắn dây sử dụng đúng cách rất tốt cho sức khỏe
Những điều cần lưu ý khi sử dụng bột sắn dây
Bột sắn dây tuy tốt cho sức khỏe nhưng không nên lạm dụng. Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BS. Đinh Văn Chỉnh khuyên khi sử dụng bột sắn dây bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Tránh những quan niệm sai lầm như bột sắn dây uống với mật ong gây hại hay uống bột sắn dây dẫn đến sỏi thận.
- Tiêu thụ sắn dây với một lượng vừa phải, thích hợp với thể trạng mỗi ngày. Kể cả với người khỏe mạnh cũng không nên uống quá 1 ly/ngày.
- Tiêu thụ lượng lớn bột sắn dây trong thời gian ngắn hoặc sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc xyanua cấp tính.
- Thận trọng khi sử dụng bột sắn dây đối với phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ dưới 10 tuổi, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền nguy hiểm. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết cách pha chế, hàm lượng sử dụng hàng ngày.
- Nếu sau khi sử dụng bột sắn dây bạn xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, chướng bụng, buồn nôn, nôn,… thì cần phải ngưng uống ngay lập tức và trong trường hợp cần thiết hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.
- Bột sắn dây trong quá trình sử dụng cần phải bảo quản cẩn thận, để ở nơi khô ráo và tránh hút nước từ môi trường.
- Nếu thấy bột sắn dây có dấu hiệu chuyển màu, mốc, mối mọt… thì không được sử dụng.
- Sắn dây chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, không phải là thuốc nên không được sử dụng để thay thế phương pháp chữa bệnh.
Hạ An (Tổng hợp)