4 tháng năm 2025: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4%

4 tháng năm 2025: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4%
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 6/5, Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025.
Ngành chế biến, chế tạo bứt phá tăng 10,8%
Báo cáo cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TT
Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2025 ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 4,2%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, IIP ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,5%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 13,0%), đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,2% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,0%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,5% (cùng kỳ năm 2024 giảm 4,1%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 35,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16,4%; sản xuất trang phục tăng 15,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa... tăng 15,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,1%; dệt tăng 10,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,0%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,1%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,2%; sản xuất đồ uống giảm 0,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 62 địa phương
Báo cáo ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 62 địa phương, riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,2%. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 76,9%; tivi tăng 27,7%; khí hóa lỏng LPG tăng 23,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,6%; quần áo mặc thường tăng 15,0%; giày, dép da tăng 9,8%; thép cán tăng 9,4%; thép thanh, thép góc tăng 9,3%; xi măng tăng 9,2%; thức ăn cho thủy sản tăng 8,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,0%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,6%.
Với kết quả sản xuất công nghiệp 4 tháng tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), có thể nhìn nhận với sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, các cấp chính quyền địa phương cùng sự năng động, nhạy bén, đối mặt trước khó khăn đã nỗ lực thúc đẩy hỗ trợ phát triển công nghiệp tại từng địa phương.
Hiện, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án trọng điểm của quốc gia.
Cơ quan chức năng đang rất khẩn trương triển khai dự án hạ tầng lớn về đường sắt quốc gia, các dự án về đường cao tốc quốc gia, trong đó có phần đóng góp của lĩnh vực công nghiệp để phục vụ đáp ứng cả về công nghệ, chế tạo, nguyên vật liệu cho các dự án này. Để đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đảm bảo về năng lượng luôn là một yêu cầu hàng đầu” - lãnh đạo Cục Công nghiệp nói.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm cụ thể hóa mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2 con số, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có. Qua đó, nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại những vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Báo cáo của Cục Thống kê cũng đề cấp đến số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2025 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, tỷ lệ tương ứng của doanh nghiệp Nhà nước không đổi so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,8% và tăng 5,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8% và tăng 3,9%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,3% so với cùng thời điểm năm trước; số lao động trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,8% và tăng 5,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng không đổi và tăng 0,2%...
Việt Anh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/4-thang-nam-2025-chi-so-san-xuat-toan-nganh-cong-nghiep-tang-84-386212.html