Để biết cơ thể cơ đang tích tụ độc tố do chức năng gan suy yếu hay không, chỉ cần nhìn vào 4 vị trí này.
4 thay đổi trên cơ thể cảnh báo sớm chức năng gan suy yếu, cơ thể tích đầy độc tố
Tất nhiên, những thay đổi trên cơ thể này có thể do những nguyên nhân sức khỏe khác mà không phải do bệnh gan. Điều quan trọng là chú ý tới những thay đổi bất thường của cơ thể để thăm khám bác sĩ sớm và làm các kiểm tra đánh giác chức năng gan tại bệnh viện cũng như các đánh giá sức khỏe khác giúp chẩn đoán tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị bệnh phù hợp.
Theo Sohu, có 4 thay đổi trên cơ thể có thể cho thấy chức năng gan suy yếu bao gồm:
1. Khuôn mặt
- Da xỉn màu, đen sạm: Khi chức năng gan suy yếu, bạn có thể thấy những thay đổi về làn da trên mặt. Cụ thể, khi chất độc tích tụ trong cơ thể da mặt sẽ xỉn màu, đen sạm và thô ráp do bilirubin không thể chuyển hóa khỏi cơ thể ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất của da hay còn gọi là sự chuyển hóa sắc tố da (melanin) liên quan tới bệnh gan.
Da mặt xỉn màu, rám má hoặc ngứa sẩn do bệnh gan (Ảnh: ST)
- Rám má:Bên cạnh đó, Chloasma (rám má) là một tình trạng tăng sắc tố da do melanin gia tăng trong lớp biểu bì - cũng có thể liên quan tới rối loạn chức năng gan, thường gặp ở nữ giới. Điều này được giải thích là do gan giải độc kém, khiến khí huyết bị tắc nghẽn nên các mảng nám trên da dễ hình thành hơn. Ngoài bệnh gan thì rám má cũng có thể gặp ở người có rối loạn nội tiết như bướu cổ, cường giáp, nhược giáp; các bệnh lý liên quan đến buồng trứng, tử cung…
Bên cạnh đó, người có bệnh gan cũng thường xuyên bị ngứa ngáy (sẩn ngứa do gan) dẫn tới mụn nhọt, da nóng lên, mẩn đỏ có ngứa xuất hiện đột ngột trên da tựa như mề đay.
2. Mắt
- Vàng lòng trắng mắt: Người khỏe mạnh thường có lòng trắng mắt là màu trắng. Tuy nhiên, bất thường trong chuyển hóa bilirubin ở gan có thể khiến lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết chức năng gan suy yếu kinh điển, thuộc nhóm biểu hiện của bệnh vàng da và thường là dấu hiệu của bệnh gan hoặc túi mật.
Vàng mắt, khô mắt do gan (Ảnh: ST)
- Khô mắt, mờ mắt: Ngoài lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng thì gan bị tổn thương cũng có thể gây ra hiện tượng mờ mắt. Mờ mắt có thể là triệu chứng của bệnh gan như xơ gan hoặc bệnh gan do rượu. Y học cổ truyền Trung Quốc giải thích rằng, khô mắt thường được liên kết với tình trạng "Khí huyết bất túc," tức là khí và máu không đủ nuôi dưỡng mắt có thể do can, thận không đủ khí huyết.
Nói cách khác, khi gan không hoạt động bình thường, khả năng điều chỉnh các dưỡng chất và hormone có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến các rối loạn chuyển hóa và mất cân bằng nội môi, có thể gây ra tình trạng khô mắt. Ngoài ra, bệnh gan cũng có thể liên quan đến các vấn đề về miễn dịch, có thể gây viêm và tổn thương các tế bào trong cơ thể, bao gồm cả tế bào sản xuất nước mắt.
Bên cạnh đó, những thói quen sinh hoạt không tốt như sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, thức khuya cũng có thể gây tổn thương gan và làm tăng nặng thêm triệu chứng khô mắt.
3. Lòng bàn tay
- Lòng bàn tay có màu đỏ: Bàn tay son hay còn gọi là lòng bàn tay bệnh gan là tình trạng lòng bàn tay ấm với đầu ngón tay màu đỏ trong khi lòng bàn tay lại có màu trắng; khi dùng lực ấn xuống vùng da của bàn thì thấy vùng da chuyển sang màu trắng, khi thả ra lại trở về màu đỏ như trước khi ấn mà không có cảm giác đau hay ngứa ngáy.
Ảnh: Bàn tay son trong bệnh gan (Ảnh: ST)
Triệu chứng này cho thấy chức năng gan suy yếu, gan bị tổn thương có liên quan tới các bệnh như gan nhiễm mỡ, xơ gan hay thậm chí là ung thư gan khiến mạch máu bị giãn nở nhiều hơn khiến bàn tay chuyển sang màu đỏ. Tuy nhiên, bàn tay son cũng có thể gặp ở triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp, phù nề khi mang thai, suy dinh dưỡng,... nên cần được thăm khám để đánh giá.
- Móng tay yếu, mỏng, dễ gãy: Ngoài bàn tay son thì một biểu hiện của chức năng gan suy yếu khác chính là móng tay dễ gãy hơn, màu sắc móng tay nhợt nhạt (thay vì hồng hào như người khỏe mạnh) hoặc móng tay xuất hiện các sọc đen, đốm trắng. Tất cả đều cho thấy khí huyết lưu thông kém, không đủ có liên quan tới tình trạng thiếu hồng cầu (thiếu máu). Gan giúp tạo ra các protein cần thiết cho máu. Khi chức năng của cơ quan này bị suy giảm do bệnh xơ gan, quá trình sản xuất hồng cầu cũng bị suy giảm.
Bệnh gan biểu hiện móng tay mỏng yếu, dễ gãy hoặc bất thường ở ngón tay như ngón tay dùi trống (Ảnh: ST)
- Ngón tay dùi trống: Người mắc bệnh xơ gan cũng có thể có ngón tay dùi trống. Là tình trạng ngón tay có kích thước móng lớn hơn bình thường với phần móng dường như cong xuống, hơi lồi lên trên; giường móng sẽ dần mềm hơn và có cảm giác xốp khi bạn ấn lên phần móng này.
4. Miệng
- Hơi thở có mùi hôi: Hơi thở bệnh gan được mô tả là có mùi giống như hỗn hợp trứng thối và tỏi, mốc, hăng và đôi khi giống phân. Nếu thấy hơi thở có mùi trứng thối kèm theo các triệu chứng như khô, đắng miệng thì có thể do chức năng thải độc của gan kém do gan bị tổn thương, chất độc (chẳng hạn như các hợp chất lưu huỳnh) trong cơ thể không thể đào thải kịp thời mà thải qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa dẫn tới hôi miệng.
Hầu hết những người có hơi thở bệnh gan đều bị suy gan mãn tính, đây là giai đoạn cuối của bệnh gang nặng.
- Môi khô nứt nẻ kéo dài: Bên cạnh hơi thở có mùi trứng thối do bệnh gan thì chức năng gan suy yếu cũng có thể khiến môi bị khô nẻ. Theo y học cổ truyền, môi khô nẻ thường được gắn liền với tình trạng âm hư (thiếu âm) hoặc dương hư (thiếu dương), tức là cơ thể mất cân bằng âm dương. Gan có chức năng điều hòa khí huyết.
Biểu hiện ở môi cảnh báo chức năng gan suy yếu (Ảnh: ST)
Nếu chức năng gan không tốt sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển, chuyển hóa của lá lách, dẫn đến các triệu chứng như môi nứt nẻ, bong tróc môi. Do vậy, nếu tình trạng khô nẻ môi kéo dài và dù có bổ sung bao nhiêu nước cũng không cải thiện thì đó có thể là dấu hiệu của gan suy yếu.
- Môi nhợt nhạt: Ngoài khô môi thì môi trắng bệch mà không hồng hào, bóng mượt cũng có thể cảnh báo chức năng gan kém. Điều này được giải thích là do gan có chức năng lưu trữ máu và điều hòa tuần hoàn máu. Khi gan không tốt có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và lưu thông máu, dẫn đến lượng máu cung cấp đến môi và các bộ phận khác không đủ, dẫn đến máu trắng bệch và trông thiếu "huyết sắc".
Như vậy có thể thấy, chức năng gan suy yếu cơ thể sẽ có những "tín hiệu" đặc trưng nhất định. Để phòng ngừa bệnh gan, bạn cần có kế hoặc chăm sóc gan tốt bao gồm các thói quen lành mạnh như ăn nhiều rau củ quả, thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng cũng như bỏ thuốc lá, tránh rượu bia và chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh gan cao như nngười có tiền sử gia đình mắc bệnh gan, uống rượu lâu dài...
Châu Anh (Tổng hợp)