Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế ngày 23/5, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu), Bộ Công an, cho biết từ đầu năm đến nay, riêng về tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ án với hơn 100 bị can.
Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng C03, Bộ Công an. Ảnh: D.Tuấn
Đại diện C03 (Bộ Công an) đưa ra một số nhóm thủ đoạn của công ty, đối tượng sản xuất hàng giả:
Thứ nhất là lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn hàm lượng cao nhưng sản xuất không đúng tiêu chuẩn công bố.
Thứ hai là thổi phồng tính năng công dụng các sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi.
Thứ ba, các đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp, đăng ký tại nhiều địa điểm khác nhau, nhập nguyên liệu, nhà máy sản xuất, đăng ký sản phẩm, truyền thông, phân phối, hoạt động khép kín để hợp thức, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Thứ tư, có sự câu kết, móc nối với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như cung cấp phiếu kiểm nghiệm khống để hợp thức hóa thủ tục xin công bố sản phẩm, giảm số lỗi khi cấp phép giấy chứng nhận nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn GMP, cấp hồ sơ công bố sản phẩm. Các đối tượng cũng lợi dụng những hạn chế trong công tác hậu kiểm.
Vừa qua, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và 4 cán bộ Cục này về hành vi "Nhận hối lộ".
Cơ quan điều tra đã làm rõ sai phạm của cán bộ Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (Giấy chứng nhận GMP), giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm...
Để các nhà máy MediUSA và MediPhar sớm được thẩm định, hậu kiểm, cấp Giấy chứng nhận GMP và đi vào sản xuất, các đối tượng đã chi cho Đoàn kiểm tra thẩm định (do Cục An toàn thực phẩm chủ trì) hơn 1 tỷ đồng để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi.
"Chúng tôi sẽ mở rộng điều tra tiếp", Thượng tá Vũ Thanh Tùng cho biết.
Đại diện C03 cũng chỉ ra còn có một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm. Sự chậm trễ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng.
"Chúng tôi đã có kiến nghị, báo cáo Quốc hội sửa đổi bổ sung các điều quy định tại Bộ Luật Hình sự, trong đó, tăng mức phạt tù khởi điểm, nâng mức xử phạt tiền để đảm bảo răn đe", Thượng tá Tùng thông tin.
Võ Thu