40 năm kinh tế tư nhân thoát 'vòng kim cô' tư tưởng: Làm sao để không lãng phí cơ hội lịch sử?

40 năm kinh tế tư nhân thoát 'vòng kim cô' tư tưởng: Làm sao để không lãng phí cơ hội lịch sử?
9 giờ trướcBài gốc
Kinh tế tư nhân "thoát vòng kim cô"
Nói về lực lượng kinh tế tư nhân của Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong phần chia sẻ mở màn Diễn đàn “Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới” do TheLEADER tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ liên tưởng đến bức tượng "Self-made man"của nghệ sĩ Bobbie Carlyle. Bức tượng khắc họa người đàn ông đang tự đục chính mình.
Tự tạc hình hài, tự đục bỏ những phần trên cơ thể mình là công việc vừa đau đớn nhưng cũng đầy sáng tạo mà các doanh nghiệp cần làm để định hình lại chân dung của chính mình trong kỷ nguyên mới, khi mà cái “mình” đó cộng với ràng buộc vô hình từ hệ thống thể chế đã là rào cản phát triển trong nhiều năm liền.
Việt Nam mất 40 năm để thực sự thừa nhận nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường: bình đẳng và cạnh tranh tự do. Trong khi phần còn lại của thế giới từ lâu đã xem kinh tế tư nhân là nền tảng phát triển quốc gia, thì tại Việt Nam, khu vực này từng bị coi nhẹ, thậm chí bị là yếu tố đối lập.
Năm 1986, tư nhân xuất hiện khi Việt Nam chuyển từ cơ chế tập trung sang kinh tế thị trường nhiều thành phần, đưa kinh tế đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng phải mất thêm 25 năm, tức đến 2011, tư nhân mới được gọi là động lực tăng trưởng. Rồi tới năm 2017 mới được công nhận là động lực “quan trọng” và chỉ đến 2025, tư nhân mới chính thức được xác định là động lực “quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.
Đó là một hành trình đổi thay tư duy kéo dài suốt bốn thập kỷ, từng bước thận trọng và dè dặt, mỗi giai đoạn lại nới thêm một chút trong tư duy về lực lượng doanh nhân.
“40 năm đó của Việt Nam vẫn là một hành trình thoát vòng kim cô trói buộc tư tưởng”, ông Thiên nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh
Sáu tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 111.800, tăng 11,3%. Nhưng cùng lúc, số doanh nghiệp rút lui cũng lên tới 111.600, tăng 14,4%. Sự “hòa nhau” này không phản ánh sự ổn định mà cho thấy tình trạng trì trệ của môi trường kinh doanh. Những con số thành lập mới có thể không thực chất, còn số rút lui lại là tổn thất thực tế. Không ít doanh nghiệp được thành lập nhưng không hoạt động, còn những doanh nghiệp rút lui thì là sự rời bỏ thực sự khỏi thị trường.
Từ góc nhìn đó, nếu số lượng doanh nghiệp giảm đi hoặc quy mô nhỏ đi, điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm về lực lượng lao động, thu nhập và nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành như bất động sản và nhiều thị trường khác.
Trong khi đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, là một trong những nước ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhất. Tuy nhiên, phần lớn lợi ích từ các FTA lại được hưởng bởi doanh nghiệp FDI chứ không phải doanh nghiệp trong nước. Các tập đoàn nước ngoài thấy cơ hội và đổ bộ vào Việt Nam, biến Việt Nam thành điểm sáng về thu hút FDI.
Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ngày càng ít đi về tỷ trọng, còn xuất khẩu của FDI tăng lên, dù sự tăng lên về mặt lượng vốn không quá dữ dội. Điều đó cũng đặt ra những lo ngại khi mà lực lượng chủ đạo của Việt Nam ra thị trường cạnh tranh quốc tế là khối FDI, mà chủ yếu cũng chỉ là lắp ráp và gia công.
“Tại sao Việt Nam không phải là điểm sáng về phát triển kinh tế tư nhân trong nước. Ta đang lãng phí cơ hội lịch sử lớn mà ta tạo ra”, ông Thiên đặt vấn đề.
Nói cách khác, Việt Nam tạo ra cơ hội lịch sử mà lại để các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu chuẩn bị, không đủ lực và không được tiếp sức để tận dụng những cánh cửa đã mở.
Để xứng với trọng trách lịch sử
Kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế quốc gia tại thời điểm mà lực lượng này còn đang rất yếu và gặp nhiều khó khăn. Vấn đề ông Thiên đặt ra là liệu doanh nghiệp có đủ sức để đóng vai trò quan trọng nhất đó hay không, cần làm gì để lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn xứng tầm với trọng trách lịch sử?
Để trả lời, cần nhìn thẳng vào thực tế phát triển của doanh nghiệp tư nhân hiện nay, nơi mà sự đơn lẻ, manh mún, thiếu liên kết và thiếu điều kiện tiếp cận nguồn lực vẫn là những cản trở lớn.
Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang vận hành theo một cấu trúc chuỗi giá trị chặt chẽ, đòi hỏi sự hội nhập sâu về mặt công nghệ, tiêu chuẩn và quy mô. Việt Nam, dù đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vẫn chưa xây dựng được những nền tảng đủ mạnh để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia thực chất vào các chuỗi giá trị này. Sự hiện diện của khối tư nhân Việt Nam trong các mắt xích quan trọng của chuỗi toàn cầu còn rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là vắng bóng.
Theo ông Thiên, muốn lực lượng ấy trưởng thành và xứng tầm với sứ mệnh, Nhà nước không thể chỉ dừng lại ở việc thừa nhận vai trò mà cần chủ động kiến tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, nơi mọi doanh nghiệp, không phân biệt xuất thân, đều có cơ hội tiếp cận công bằng với đất đai, vốn, dữ liệu, nhân lực…
Trên cơ sở đó, họ mới có cơ sở để liên kết với nhau thành mạng lưới, thành chuỗi giá trị, thành hệ sinh thái phát triển lâu dài. Nếu không tạo được các liên kết bền vững, doanh nghiệp sẽ mãi yếu.
Tại sao Việt Nam không phải là điểm sáng về phát triển kinh tế tư nhân trong nước. Ta đang lãng phí cơ hội lịch sử lớn mà ta tạo ra.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ
Trong bối cảnh đó, câu chuyện về vai trò của Nhà nước trở nên ngày càng quan trọng. Nếu coi khu vực tư nhân là động lực chủ đạo thì không thể tiếp tục đặt kinh tế nhà nước vào vị trí đối trọng hay ưu tiên đầu tư một cách dàn trải. Cần một sự tái định vị vai trò của khu vực công, chuyển từ thế can thiệp sang thế hỗ trợ, từ cạnh tranh sang kiến tạo.
Bài học từ Hàn Quốc cho thấy, để khu vực tư nhân phát triển mạnh, Nhà nước cần sẵn sàng đầu tư vào những lĩnh vực dài hạn, lợi nhuận thấp nhưng mang tính nền tảng cho nền kinh tế như hạ tầng công nghiệp, phát triển đô thị, thép, năng lượng. Những tập đoàn nhà nước như Korea Land & Housing Corporation hay Posco chính là những ví dụ điển hình cho chiến lược này. Họ không làm thay tư nhân, mà tạo điều kiện để tư nhân có thể phát triển hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Khái niệm "Nhà nước khởi tạo" vì thế ngày càng trở nên xác đáng trong hoàn cảnh Việt Nam. Nhà nước không thể rút lui hoàn toàn khỏi nền kinh tế nhưng cần hiện diện ở những nơi mà tư nhân chưa thể với tới, nơi đòi hỏi đầu tư lớn, tầm nhìn dài hạn và sự chấp nhận rủi ro cao.
Logic hành động mới đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản, giải phóng năng lực và tạo không gian thực chất cho phát triển. Không còn đặt ưu đãi là cơ chế chủ đạo, mà chuyển sang bảo đảm một môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử, nơi quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng được thực thi một cách nghiêm túc và nhất quán. Những biện pháp gây cản trở như hình sự hóa quan hệ kinh tế, lạm dụng thanh tra kiểm tra, hay các quy định hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp cần được loại bỏ triệt để.
Tư duy quản lý cũng cần dịch chuyển, từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, từ kiểm soát sang kiến tạo, để doanh nghiệp được tự quyết, tự làm và chịu trách nhiệm. Việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, thông tin cần được cải cách theo hướng công khai, minh bạch và thuận lợi hơn.
Đồng thời, cần thúc đẩy quá trình làm mới đội ngũ doanh nghiệp bằng cả hai hướng: nâng cấp năng lực của những doanh nghiệp đang vận hành và tạo điều kiện cho thế hệ doanh nghiệp mới – những chủ thể tiên phong có tư duy hiện đại, công nghệ cao và khả năng dẫn dắt thị trường trong bối cảnh chuyển đổi.
Kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Ảnh: Hoàng Anh
Còn với các doanh nghiệp, cần tạo lập những năng lực mới, thay đổi tận gốc nền tảng vận hành. Những mô hình kinh doanh lỗi thời, phương thức quản trị cũ kỹ, tư duy ngắn hạn và cục bộ không còn phù hợp với bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp.
Việc thay đổi không chỉ dừng ở cải tiến kỹ thuật hay nâng cấp quy trình mà là một quá trình “thay máu” toàn diện từ tư duy lãnh đạo đến cơ cấu tổ chức, từ mô hình vận hành đến năng lực số và khả năng đổi mới sáng tạo.
Song song với việc tái cấu trúc các doanh nghiệp hiện hữu, cần đẩy mạnh việc hình thành một thế hệ doanh nghiệp mới mang bản chất công nghệ, có khả năng làm chủ dữ liệu, khai thác hiệu quả nền tảng số và tích hợp vào các chuỗi giá trị toàn cầu bằng lợi thế về tốc độ, sáng tạo và năng lực thích ứng.
“Cải cách bao giờ cũng chứa đựng rủi ro, giống như con rắn lúc lột da. Khi lớp cũ vừa bong ra, yếu ớt đến mức kiến cắn cũng chết; nhưng một khi lột xong, đứng dậy được rồi, thì sẽ hóa thành mãng xà, không gì có thể cản nổi sức mạnh ấy.
“Cải cách bao giờ cũng có rủi ro, như con rắt lúc lột da, mới lột thì kiến cắn cũng chết nhưng lột xong đứng dậy đi được rồi, hóa thành mãng xà rồi thì không gì cản được sức mạnh”, ông Thiên nhấn mạnh.
Đặng Hoa
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/40-nam-kinh-te-tu-nhan-thoat-vong-kim-co-tu-tuong-lam-sao-de-khong-lang-phi-co-hoi-lich-su-d41025.html