40% nhà bán lẻ Việt Nam sẵn sàng đầu tư ứng dụng AI

40% nhà bán lẻ Việt Nam sẵn sàng đầu tư ứng dụng AI
11 giờ trướcBài gốc
Quản lý hàng tồn kho AI nhanh chóng xác định các mặt hàng hết hàng và lỗi định giá.
AI thành công cụ không thể thiếu trong bán lẻ
Chiều 9/1, Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo công bố kết quả khảo sát từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc nhằm phác họa bức tranh kinh doanh bán lẻ trong năm 2024.
Trao đổi riêng với VietTimes, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Công nghệ (CIO) của Sapo dẫn số liệu vận hành thực tế và cho rằng 40% nhà bán lẻ đang quan tâm phần mềm quản lý bán hàng có tích hợp các tính năng AI.
Đại diện Sapo chỉ ra AI đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua việc cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa.
Nhờ khả năng phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ về hành vi mua sắm của khách hàng, từ lịch sử mua hàng, tìm kiếm sản phẩm, đến những phản hồi trên các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội, AI có thể tạo ra các đề xuất sản phẩm cá nhân hóa, gợi ý những mặt hàng phù hợp nhất với sở thích, thói quen, và nhu cầu cụ thể của từng khách hàng. Điều này giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm và trải nghiệm mua sắm trở nên liền mạch, thú vị hơn.
Trích từ báo cáo của Sapo.
Theo ông Khôi, từ việc phân tích dữ liệu khách hàng, tư vấn sản phẩm tự động, đến tối ưu quảng cáo và chiến dịch tiếp thị, AI giúp các nhà bán lẻ gợi ý những mặt hàng phù hợp cho người dùng, nhằm tăng hiệu quả và nâng cao lợi nhuận. Nhà bán hàng cho biết "AI trợ giúp trong công việc hàng ngày" và họ cần "bổ sung nguồn nhân lực thành thạo AI để tiết giảm chi phí vận hành”.
"Bài toán tối ưu quản lý vận hành trong bán hàng đa kênh thông qua AI cần được chú trọng để giảm thiểu chi phí vận hành, đáp ứng nhanh và đúng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao hiệu suất kinh doanh", đại diện Sapo nói.
95% nhà bán lẻ dùng thanh toán không tiền mặt
Theo báo cáo của Sapo, thanh toán không tiền mặt đã trở thành tất yếu, yêu cầu nhà bán hàng linh hoạt ứng dụng để tạo ra trải nghiệm tốt cho người mua hàng và tối ưu vận hành.
94,4% nhà bán hàng chấp nhận ít nhất một phương thức thanh toán không tiền mặt. Chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng đang được ưa chuộng nhất (chiếm 91%) vì sự tiện lợi và đối soát nhanh chóng. Tuy nhiên, thanh toán QR bùng nổ đặt ra bài toán về cách thức hiển thị mã QR và quản lý dòng tiền hiệu quả để tránh sai sót, gian lận.
Sự phổ biến của các hình thức thanh toán số trên kênh bán trực tiếp và trực tuyến, theo báo cáo của Sapo.
Cũng theo kết quả khảo sát, 77% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất một kênh bán hàng trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website, cộng tác viên chia sẻ lợi nhuận,... với quy mô phổ biến là từ 1-5 gian hàng.
Nhà bán hàng có doanh thu tăng trưởng đang chú trọng và dành nhiều ngân sách cho quảng cáo qua mạng xã hội như Instagram, TikTok và Facebook, cũng như các sàn TMĐT như Shopee.
Bà Lê Thị Nga, đại diện Sapo cho rằng các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.
Hơn 66% nhà bán hàng quy mô nhỏ và vừa chưa sử dụng livestream, cho thấy tiềm năng lớn chưa được khai thác. Họ chưa ứng dụng được livestream vì còn thiếu hiểu biết về cách vận hành hoặc thiếu nguồn lực.
Báo cáo của Sapo chỉ ra 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025. Vì vậy, đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí. Trong đó, 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên.
Các nhà bán lẻ cho rằng mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm của 2025, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn thương mại điện tử (23%) và TikTok Shop (21%).
Anh Lê
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/40-nha-ban-le-viet-nam-san-sang-dau-tu-ung-dung-ai-post181774.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat