Sáp nhập không làm thay đổi, ảnh hưởng đến người dân
Từ ngày 1/1/2025, 80 phường thuộc các quận của TPHCM (trừ TP Thủ Đức và các huyện) được sắp xếp, sáp nhập thành 41 phường mới theo Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, bộ máy hành chính của 41 địa phương mới đã bắt tay ngay vào thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Phường 1 (mới) quận Bình Thạnh được sáp nhập từ Phường 3 và Phường 1 cũ, trụ sở mới được đặt tại Phường 1 cũ. Từ đầu năm nay, bộ máy mới đi vào hoạt động, khối lượng công việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân có tăng, nhưng mọi công việc vẫn được giải quyết thông suốt.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND Phường 1, quận Bình Thạnh. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ (67 tuổi), người dân Phường 3 cũ đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của Phường 1 mới cho biết, việc sáp nhập 2 địa phương thành đơn vị hành chính cấp xã mới không gây ra những thay đổi lớn đối với người dân, công tác giải quyết thủ tục hành chính diễn ra suôn sẻ.
“Việc sáp nhập là công việc, quyết định của Nhà nước, còn với người dân như tôi thấy mọi việc cũng bình thường. Khi tôi đến làm thủ tục hành chính tôi thấy cũng không có gì thay đổi lớn sau khi sáp nhập cả. Công tác đón tiếp, giải quyết các thủ tục cho người dân được thực hiện theo thứ tự, người nào đến trước sẽ được giải quyết trước, còn tôi đến sau thì giải quyết sau. Khi tôi trình đủ các giấy tờ, các cán bộ công chức ở đây đều vui vẻ, làm đúng theo trình tự thủ tục, không có gì phiền hà” - bà Huệ nói.
Tương tự bà Hà Thị Nhuận người dân Phường 3 cũ, việc sáp nhập 2 phường cũng không gây trở ngại, bất tiện gì. “Nay tôi lên phường để nhận trợ cấp người cao tuổi cho mẹ tôi. Trước khi sáp nhập thì Phường 1 với Phường 3 nơi tôi ở cũng gần nhau, nay sáp nhập về trụ sở mới vì tôi di chuyển qua đây để nhận trợ cấp cho mẹ tôi cũng không có gì bất tiện. Tôi thấy mọi người cũng an tâm” - bà Nhuận chia sẻ.
Khối lượng việc nhiều hơn nhưng vẫn thông suốt
Sau khi thành lập phường mới, tập thể cán bộ, công chức và nhân dân 2 phường cũ đã nỗ lực thực hiện tốt công tác sáp nhập ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1.
Ông Đỗ Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND Phường 1, quận Bình Thạnh cho biết, sau khi sáp nhập, dân cư của phường đông hơn, địa bàn rộng hơn khi dân số phường tăng lên 52.273 nhân khẩu, với 20 khu phố. Dù số lượng đầu việc vẫn như cũ, không tăng nhưng khối lượng công việc, số lượng người dân phải phục vụ lại tăng lên khá nhiều.
Theo lãnh đạo một số phường mới sáp nhập, dù số lượng đầu việc vẫn như cũ không tăng nhưng khối lượng công việc, số lượng người dân phải phục vụ lại tăng lên khá nhiều. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Tuy nhiên, nhờ triển khai các giải pháp, trong đó có sắp xếp, bố trí cán bộ công chức của 2 phường cũ tiếp tục công tác ở vị trí tương ứng, nên bộ máy mới của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phường đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả ngay sau khi sáp nhập.
Phó Chủ tịch UBND Phường 1, quận Bình Thạnh, Đỗ Hữu Hùng cho biết: “Nói chung về số lượng đầu việc vẫn như các đơn vị cũ thôi, không có gì tăng lên nhưng số lượng phục vụ người dân lại tăng lên, Khi số lượng hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân tăng lên, chúng tôi đã bố trí thêm lực lượng tiếp dân, tăng thêm con người để làm sao đó đáp ứng công việc, giải quyết nhanh, kịp thời, không gây vướng mắc, không phiền hà cho người dân. Hiện nay, người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa chủ yếu là chứng thực giấy tờ, hồ sơ hành chính. Các thủ tục khác như chỉnh lý giấy tờ cá nhân hay nhà đất theo đơn vị hành chính mới thì chưa ghi nhận nhiều”.
Vẫn còn những khó khăn phát sinh
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Sở Nội vụ TPHCM cho rằng sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, 41 phường hình thành sau sắp xếp cơ bản ổn định đi vào nề nếp, các phường chưa phát sinh thủ tục hành chính vượt thẩm quyền giải quyết cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của phường vẫn được thực hiện theo đúng quy định, không có trở ngại vì các Quận đã có kinh nghiệm từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 (do đây là đợt sắp xếp thứ hai).
Theo người dân, việc sáp nhập hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới không làm thay đổi, ảnh hưởng lớn đến người dân. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Tuy nhiên, Sở Nội vụ TPHCM cho biết, cũng còn những vấn đề khó khăn phát sinh như: dữ liệu dân cư chưa cập nhật kịp thời dẫn đến dữ liệu cá nhân vẫn thể hiện ở phường cũ (không còn sau sáp nhập) nên bộ phận Tư pháp phường mới khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Cụ thể, không thực hiện liên thông quy trình khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú được....theo tên phường mới.
Ngoài ra, trụ sở cũ của Đảng ủy, UBND, Công an, Quân sự... tại phường mới thành lập chưa được sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, người lao động sau khi đã hoàn thiện quá trình sắp xếp. Vì vậy, dẫn đến hồ sơ lưu vẫn đang còn ở trụ sở của phường cũ, chưa có kho để chuyển qua.
Về phương án xử lý tài sản, cơ sở vật chất hạ tầng dôi dư, tránh lãng phí, theo Sở Nội vụ, UBND TPHCM đã có đề nghị các Quận chỉ đạo các phường thực hiện sắp xếp tiến hành rà soát, tổng hợp các trụ sở và tài sản dôi dư có phương án xử lý thích hợp. Sau khi thực hiện sắp xếp, các đơn vị thống kê, tổng hợp gửi Sở Tài chính để phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu UBND Thành phố xem xét và có ý kiến chỉ đạo.
Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM