42,3% doanh nghiệp ngành xây dựng đề nghị được hỗ trợ vốn

42,3% doanh nghiệp ngành xây dựng đề nghị được hỗ trợ vốn
16 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý 4/2024 và dự báo quý 1/2025.
Trong đó, về đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành xây dựng, đã có 6.036 doanh nghiệp ngành này tham gia trả lời tại kì điều tra vào quý 4/2024. Các doanh nghiệp cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của quý 4/2024 tốt hơn quý 3/2024. Tuy nhiên, sang đến quý 1/2025 lại khó khăn hơn so với quý 4/2024…
29,9% DOANH NGHIỆP NHẬN ĐỊNH HOẠT ĐỘNG THUẬN LỢI
Cụ thể, về chỉ số cân bằng chung, chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý 4/2024 so với quý 3/2024 là 3,6% (29,9% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và 26,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn).
Về sử dụng lao động, kết quả khảo sát quý 4/2024 cho thấy có 24,7% doanh nghiệp nhận định lao động trong doanh nghiệp tăng so với quý 3/2024 và 59,6% doanh nghiệp nhận định lao động không đổi và 15,7% doanh nghiệp nhận định lao động giảm. Dự báo quý 1/2025 so với quý 4/2024 có 17,7% doanh nghiệp nhận lao định lao động tăng; 63,9% doanh nghiệp nhận định không đổi và 18,4% doanh nghiệp nhận định lao động giảm.
Về hợp đồng xây dựng mới, quý 4/2024 có 78,3% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng và không đổi so với quý 3/2024; 21,7% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm. Dự báo quý 1/2025, các doanh nghiệp nhận định hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý 4/2024 với 74,7% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi; 25,3% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Về vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, khảo sát quý 4/2024 cho thấy có 76,1% doanh nghiệp vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số các doanh nghiệp có vay vốn, 76,2% là vay ngân hàng; 12,4% vay từ người thân, bạn bè; 6,9% vay tổ chức tín dụng khác; 3,2% vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,3% vay từ các nguồn khác.
Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh, chỉ có 35,5% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 64,5% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.
Vì vậy, nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có 18,9% doanh nghiệp nhận định vay vốn quý 4/2024 thuận lợi hơn quý 3/2024; 61,1% doanh nghiệp nhận định không thay đổi; 20% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn. Dự báo quý 1/2025, có 16,8% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý 4/2024, 63,0% doanh nghiệp nhận định không thay đổi; 20,2% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn.
MONG MUỐN ĐƯỢC TIẾP TỤC HỖ TRỢ
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, 46,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; 42,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 40,7% doanh nghiệp đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu;
34,6% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; 27,1% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 26,8% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài những nhóm kiến nghị trên, doanh nghiệp nhận định trong năm 2025, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý để cấp phép các dự án cũ. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng được ký kết thêm hợp đồng xây dựng mới. Vì vậy, doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng mong muốn thông tin về dự án, gói thầu xây dựng được công khai, minh bạch hơn nữa.
Mặt khác, năng lực nội tại của nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia đấu thầu những dự án lớn. Bởi vậy, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cũng rất mong muốn được tạo điều kiện để tham gia các hạng mục xây dựng nhỏ tại địa phương, nhất là dự án từ nguồn ngân sách địa phương quản lý.
Đặc biệt, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn được tăng cường điện tử hóa các giao dịch, thủ tục giấy tờ. Hướng dẫn chi tiết, phản hồi nhanh hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp đã nộp để doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi kịp thời. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, hoàn tất thủ tục nhanh chóng để triển khai công việc kịp thời và hiệu quả.
Thanh Xuân
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/42-3-doanh-nghiep-nganh-xay-dung-de-nghi-duoc-ho-tro-von.htm