47.241 tỷ đồng phục dựng Phố Hiến cổ để UNESCO công nhận di sản

47.241 tỷ đồng phục dựng Phố Hiến cổ để UNESCO công nhận di sản
9 giờ trướcBài gốc
Ngày 11.4.2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp đề nghị phối hợp nghiên cứu, có ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Hưng Yên tại báo cáo số 21 ngày 4.3.2025 gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ”, liên quan đến sự cần thiết về chủ trương triển khai thực hiện dự án; chống ngập lụt và bảo vệ môi trường; nguồn vốn đầu tư; ưu đãi đầu tư; tiến độ giải phóng mặt bằng… theo chức năng quản lý nhà nước của các bộ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đô thị kinh tế, chính trị và văn hóa sầm uất
“Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” - là trung tâm giao thương quốc tế lớn thứ hai chỉ sau kinh đô Thăng Long thế kỷ XVI - XVII, Phố Hiến từng là một trong những thương cảng quan trọng nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ giao thương giữa miền Bắc Việt Nam và thế giới. Nhờ vị trí chiến lược trên các con sông lớn như sông Hồng, Thái Bình và sông Đáy, Phố Hiến đã trở thành trung tâm giao thương nhộn nhịp, nơi tập trung thuyền buôn từ 12 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan), Lữ Tống (Philippines), Mã Lai (Malaysia), In-đô (Indonesia), Ấn Độ, Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Cảnh “trên bến dưới thuyền” cùng các thương điếm của nước lớn như Nhật Bản, Anh, Hà Lan... đã biến Phố Hiến thành một đô thị kinh tế, chính trị và văn hóa sầm uất.
Sự đa dạng văn hóa được thể hiện qua các công trình kiến trúc độc đáo, từ chùa Chuông, đình An Vũ đến hội quán Đông Đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, nhà thờ Thiên Chúa giáo và các phố phường mang phong cách giao thoa giữa Việt Nam với Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây.
Đông Đô Quảng Hội được xây dựng năm 1590 ở Phố Hiến hạ, nay vẫn hiện diện trên đường Phố Hiến thuộc khu phố Mậu Dương, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Ảnh: CTV
Ngày nay những dấu ấn của thương cảng Phố Hiến vẫn còn hiện diện trên các công trình kiến trúc, tín ngưỡng và đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hưng Yên. Tuy nhiên, nếu không được bảo tồn và phục dựng kịp thời, những giá trị này sẽ bị mai một, làm mất đi một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc.
“Dự án xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ đặt mục tiêu xây dựng thành điểm đến văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế, với sự độc đáo về giao thoa văn hóa trong lịch sử Đông Nam Á, một di tích quan trọng phản ánh thời kỳ hoàng kim của giao thương và phát triển văn hóa quốc tế, thể hiện sự phát triển đô thị đặc sắc, pha trộn giữa các phong cách kiến trúc Á - Âu, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương sau khi hoàn thành xây dựng sẽ lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Phố Hiến là di sản văn hóa thế giới”, trích báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên.
Phương án đề xuất phục dựng Phố Hiến cổ
Đề án “Phục dựng Phố Hiến cổ - bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững tỉnh Hưng Yên” thuộc báo cáo số 21 của UBND tỉnh Hưng Yên, do chủ đầu tư là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường lập (nổi tiếng với khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở Ninh Bình; khu du lịch Tam Chúc ở Hà Nam…) cho biết địa điểm thực hiện dự án thuộc địa phận các phường Minh Khai, Hiến Nam, Lam Sơn, Hồng Châu; các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng (thành phố Hưng Yên). Thời gian đầu tư của dự án là 20 năm (2025 - 2045) với tổng mức đầu tư 47.241 tỷ đồng, trong đó đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ 19.608 tỷ đồng.
Phương án phục dựng Phố Hiến cổ được chủ đầu tư đề xuất:
Bảo tồn nguyên trạng các di tích hiện có: Khảo sát và lập hồ sơ di tích (nghiên cứu chi tiết các di tích còn lại như chùa Hiến, đình chùa Chuông, đền Trần, Đông Đô Quảng Hội... để xác định các yếu tố cần bảo tồn); cải tạo không gian (giữ nguyên kiến trúc gốc, chỉ tu sửa những phần xuống cấp; dùng vật liệu truyền thống như gỗ, gạch nung… để tái hiện phong cách cổ); chống xuống cấp (sử dụng phương pháp khoa học hiện đại để bảo vệ các công trình khỏi ảnh hưởng thời tiết và sự hủy hoại của tự nhiên).
Phục dựng theo hình ảnh thương cảng Phố Hiến xưa: Tái hiện không gian thương cảng (phục dựng các dãy phố cổ ven sông, bến thuyền và các kho hàng với kiến trúc mang đậm nét Việt Nam kết hợp với phong cách Á - Âu); chợ cổ và thương mại (xây dựng khu chợ cổ tái hiện hoạt động buôn bán sầm uất của Phố Hiến gồm các gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, trà, lụa và sản vật đặc trưng); không gian sinh hoạt cộng đồng (tạo không gian tổ chức các lễ hội như lễ hội đền Mẫu, hội chùa Chuông, tái hiện cuộc sống người dân xưa).
Kết hợp di sản và hiện đại: Quy hoạch cảnh quan (xây dựng công viên văn hóa lịch sử xung quanh các di tích, kết hợp hồ nước và cây xanh); hệ thống ánh sáng và công nghệ (sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ thực tế ảo tái hiện lịch sử Phố Hiến); khu trải nghiệm di sản (tạo các không gian trải nghiệm như nhà cổ, xưởng thủ công, khu vực chụp ảnh với trang phục cổ).
Phát triển du lịch bền vững: Phát triển giao thông nội bộ (sử dụng phương tiện thân thiện môi trường như xe điện, xe đạp để di chuyển trong khu phố cổ; hướng dẫn viên và thông tin đa ngôn ngữ (đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn nhiều ngôn ngữ nhằm phục vụ du khách quốc tế); tổ chức tour tham quan (tạo các tour du lịch gắn với khám phá Phố Hiến cổ, thăm làng nghề truyền thống, trải nghiệm ẩm thực đặc sản Hưng Yên).
Khôi phục văn hóa phi vật thể: Lễ hội truyền thống (phục hồi các lễ hội đặc sắc như lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Hiến); nghệ thuật truyền thống (biểu diễn ca trù, quan họ, hoặc hát chèo tại các không gian tái hiện văn hóa; làng nghề truyền thống.
Hợp tác quốc tế và cộng đồng: Tham khảo ý kiến chuyên gia quốc tế (làm việc với các chuyên gia di sản UNESCO để đảm bảo tính nguyên bản và giá trị văn hóa); thu hút sự tham gia của cộng đồng. Cân nhắc hài hòa giữa yếu tố lịch sử, văn hóa và nhu cầu phát triển kinh tế bền vững.
Phối cảnh phục dựng Phố Hiến cổ theo đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường (đường viền đỏ là ranh dự án).
Dự án đề xuất triển khai trên khu đất có tổng diện tích khoảng 1.708,9 ha, chia thành 4 phân khu chính:
Phân khu I - Phân khu phục Hiến (399,3 ha) với tâm điểm là khu vực tái hiện thương cảng quốc tế Phố Hiến xưa, kết hợp không gian kinh tế đêm và các tuyến phố đi bộ đa văn hóa.
Phân khu II - Phân khu lễ hội (427,5 ha) là khu vực trung tâm dành cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, hội nghị, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Phân khu III - Phân khu dịch vụ và biểu diễn thực cảnh (467 ha) kết hợp dịch vụ du lịch và các chương trình biểu diễn thực cảnh tái hiện lịch sử, văn hóa Phố Hiến.
Phân khu IV - Phân khu cây xanh sinh thái ven sông Hồng (415,1 ha) là khu vực xanh mát, tạo không gian trải nghiệm nông nghiệp và thư giãn cho du khách. Để tăng trải nghiệm đường thủy, dự án sẽ đầu tư 4.000 thuyền chèo tay và 100 thuyền gỗ cổ 2 tầng, tái hiện các thuyền giao thương từ 12 quốc gia. Bố trí thuyền máy cứu hộ và các thiết bị hỗ trợ để đảm bảo an toàn.
Không dễ khôi phục bộ mặt đô thị cổ
Theo PGS-TS. Đặng Văn Bài (Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), các địa điểm cư dân mang tính chất đô thị cổ của Việt Nam hình thành, phát triển và tồn tại trong khoảng thời gian dài ngắn khác nhau nhưng đều mang đặc điểm chung: các di tích kiến trúc, thành quách, dinh thự, cung điện và cơ cấu mặt bằng đô thị chỉ còn tồn tại dưới dạng các phế tích kiến trúc. Thậm chí có đô thị cổ đã mất hết dấu vết và chỉ còn được nhắc tới trong một số thư tịch cổ hoặc tồn tại trên địa danh. Trong số 13 đô thị cổ ra đời từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ XIX được đề cập trong tập sách Đô thị cổ Việt Nam do Viện Sử học xuất bản năm 1990, có rất ít đô thị còn tồn tại và liên tục phát triển đến ngày nay.
“Như vậy khó có thể khôi phục chính xác bộ mặt đô thị cổ. Chỉ còn khả năng ghi dấu lại từng khu vực lẻ tẻ qua các cột mốc văn hóa, là các di tích mang tính chất tư liệu lịch sử. Phố Hiến cũng không nằm ngoài hiện trạng đáng buồn đó. Bia ký và các tư liệu phương Tây mô tả Phố Hiến vào thời kỳ phồn thịnh nhất có tới 20 phường với hơn 2.000 nóc nhà của cư dân và các thương điếm. Nhưng dưới tác động của thời gian, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá do chiến tranh, cơ cấu đô thị cổ hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Hầu hết các công trình kiến trúc còn tồn tại có khả năng minh chứng, nhắc nhớ về thời kỳ cực thịnh của một đô thị thương nghiệp cảng sông cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc biến dạng qua nhiều lần trùng tu, không còn giữ được yếu tố nguyên gốc từ ngày khởi dựng hoặc bị sụp đổ từng bộ phận”, ông Bài cho biết.
Phố Hiến hôm nay là một đô thị nhỏ trong thành phố Hưng Yên. Phía rìa phải ngoài đê là bãi bồi và sông Hồng, khu vực thuộc dự án phục dựng phố Hiến cổ. Ảnh: Nam Trần
Cũng theo ông Bài, ngày 25.5.2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 740/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch đặt ra ba mục tiêu lớn: Một, bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến thông qua các di tích hiện hữu trong phạm vi Phố Hiến cổ, tái hiện hình ảnh phố cổ… đồng thời tạo điều kiện khai thác phát triển du lịch. Hai, làm cơ sở pháp lý cho việc xếp hạng khu di tích Phố Hiến, bảo tồn, quản lý, lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư. Ba, hoàn thiện không gian kiến trúc về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Phố Hiến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của tỉnh, xây dựng Hưng Yên giàu mạnh, văn minh, trở thành tỉnh khá trong cả nước.
Thủ tướng cũng xác định 7 nhóm dự án thành phần cần triển khai gồm:
Nhóm dự án số 1: lập hồ sơ xếp hạng bổ sung các di tích; ngoài những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, lập hồ sơ các hạng mục di tích còn lại nằm trong khu vực Phố Hiến cổ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng bổ sung.
Nhóm dự án số 2: đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cắm mốc giới bảo vệ di tích.
Nhóm dự án số 3: khai quật khảo cổ, thám sát trên địa bàn khu vực Phố Hiến xưa, khai quật có trọng tâm thông qua những khu vực đã thám sát.
Nhóm dự án số 4: phục dựng Phố Hiến cổ, bao gồm các công trình nhà cổ, thương điếm, thuyền Trung Quốc, thuyền Nhật Bản, các di tích…; phục dựng đền thờ Lê Đình Kiên và các công trình cảnh quan, giao thông và hạ tầng phụ trợ…
Nhóm dự án số 5: tu bổ, tôn tạo các di tích nằm ngoài khu di tích Phố Hiến cổ, thuộc phạm vi quy hoạch, tu bổ các di tích nguyên gốc đã bị xuống cấp, tôn tạo các hạng mục công trình, phát huy giá trị di tích.
Nhóm dự án số 6: phục dựng mặt đứng phố cổ nối từ Phố Hiến hạ đến các điểm di tích: khu vực hồ Bán nguyệt, chùa Chuông và Văn miếu Xích Đằng.
Nhóm dự án số 7: nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ di tích và phục vụ du lịch cho cộng đồng.
“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tổng xét để biết rõ những dự án nào đã được thực hiện và hiệu quả đạt được ở mức độ nào, đồng thời tìm ra nguyên nhân vì sao các dự án khác lại bị tồn đọng. Đây là cơ sở khoa học cho việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt với mục tiêu bảo tồn khu di tích Phố Hiến gắn với phát triển du lịch trong tình hình mới”, ông Bài nói.
Tiêu chí để UNESCO công nhận
Cục Di sản Văn hóa cho biết theo quy định của UNESCO, để trở thành di sản văn hóa thế giới thì mỗi di sản cần đạt được một trong 6 tiêu chí sau:
1) là một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo.
2) thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới về những phát triển trong kiến trúc, (kỹ thuật) công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch đô thị hay thiết kế phong cảnh.
3) chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn tồn tại hoặc đã tuyệt vong.
4) là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc công nghệ, hoặc một cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại;
5) là một ví dụ nổi bật về một loại hình cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai, hay sử dụng biển, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường, đặc biệt là khi nó trở nên dễ bị phá vỡ dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược.
6) có liên hệ trực tiếp hoặc có thể nhận thấy được với những sự kiện hay các truyền thống sinh hoạt, với các ý tưởng hay các tín ngưỡng, với các công trình nghệ thuật hay văn học có ý nghĩa nổi bật toàn cầu (Ủy ban Di sản thế giới cho rằng tiêu chí này nên được sử dụng kết hợp với các tiêu chí khác).
Phạm Tuấn - Hoàng Khải
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/47-241-ty-dong-phuc-dung-pho-hien-co-de-unesco-cong-nhan-di-san-48043.html