Trong môi trường công sở, nghệ thuật giao tiếp, lắng nghe và được lắng nghe cũng rất quan trọng. Giao tiếp tốt, cả hai bên đều hài lòng, hiệu quả hợp tác sẽ cao hơn, nếu giao tiếp, mối quan hệ không tốt, vấn đề cũ chưa giải quyết xong đã gây ra những vấn đề mới.
Điều cấm kỵ trong công việc là từ chối yêu cầu của cấp trên. Họ sẽ nghĩ rằng bạn không nhiệt huyết với công việc, không dám thử thách bản thân và làm việc hết mình. Ảnh minh họa
Đáng tiếc là, nhiều người không thể nhận ra ẩn ý phía sau lời nói của mọi người ở nơi làm việc, cũng như không biết cách diễn đạt đúng suy nghĩ của mình. Và người EQ cao trong môi trường công sở cũng sẽ không tùy tiện nói với sếp những câu kiểu dưới đây:
1. "Em biết rõ công việc này hơn bất kỳ ai"
Câu nói này thể hiện sự tự cao và không tôn trọng kinh nghiệm hoặc ý kiến của người khác, bao gồm cấp trên.
2. "Không phải lỗi của tôi/không liên quan tới tôi"
Trong 1 tập thể, mỗi người thường được giao các công việc, nhiệm vụ khác nhau nhưng cũng có lúc cần kết hợp sức mạnh tập thể.
Trong mọi trường hợp, người thông minh sẽ không bao giờ nói rằng "không phải lỗi của tôi", "không liên quan tới tôi đâu" nếu như sự việc diễn ra theo chiều hướng xấu.
Nếu bạn cư xử theo cách này, chắc chắn lãnh đạo sẽ khẳng định bạn không có trách nhiệm với công việc.
Dù sự thật lỗi đó không phải do bạn gây nên bạn cũng cần suy nghĩ cách xử lý cùng với mọi người trong nhóm.
Thực ra lúc này lãnh đạo chưa quan tâm lỗi sai thuộc về ai mà chỉ mong muốn có thể cải thiện tình hình.
Vì vậy, đây cũng là 1 cơ hội để bạn thể hiện năng lực của mình trong công việc.
3. "Tôi không có thời gian"
Khi sếp hỏi: "Bây giờ bạn có bận không?", bạn nên trả lời thế nào?
Nếu bạn trả lời theo nghĩa đen rằng bạn đang bận làm việc này việc kia, sếp sẽ cảm thấy họ hỏi một câu mà nhân viên trả lời tới 10 câu, phải chăng nhân viên không muốn nhận nhiệm vụ này? Nhưng nếu bạn trả lời ngay lập tức là "không bận" thì cũng không phù hợp, sếp có thể nghĩ rằng khối lượng công việc của bạn bị ít.
Bản chất điều sếp muốn hỏi là: "Bây giờ bạn có thời gian để làm giúp tôi một việc không?". Vì vậy, trong trường hợp này, bạn chỉ có một cách trả lời đúng: "Sếp nói đi ạ".
Tại nơi làm việc, sếp khó có thể để ý đến cảm xúc của từng người. Khi có việc cần nhân viên xử lý, điều đầu tiên lãnh đạo cần là nhân viên hiểu ý, sau đó mới là giao nhiệm vụ cụ thể.
Nhiều người mắc sai lầm ở chỗ, khi sếp vừa thể hiện ý này, thậm chí chưa nói hết câu, bạn đã vội vàng trả lời "Tôi không có thời gian", tỏ ra mình rất bận rộn và không muốn nhận nhiệm vụ.
Vậy nếu thực sự không có thời gian hoàn thành nhiệm vụ này, chúng ta nên diễn đạt như thế nào cho tích cực?
Có một gợi ý được đưa ra, đó là "lắng nghe có cấu trúc", có nghĩa là sau khi nhận được thông tin do đối phương truyền tải, bạn nên vẽ ra 3 ý trong đầu, lần lượt đặt 3 ý vào: cảm xúc của đối phương, thực tế và kỳ vọng.
Nói cách khác, chúng ta cần xác định những suy nghĩ sau lời nói của đối phương, sau đó kết hợp với thực tế và cảm xúc để suy ra kỳ vọng của đối phương rồi đưa ra câu trả lời phù hợp.
Khi khối lượng công việc dồn dập đến, chúng ta không nên than vãn "Tôi không có thời gian", mà hãy thử suy nghĩ về mong muốn, kỳ vọng của cấp trên, diễn đạt một cách tích cực, giao tiếp một cách chủ động.
Như vậy, vừa không làm mất lòng sếp, vừa giúp chúng ta giao tiếp hiệu quả hơn nơi công sở và góp phần tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
Trong công việc, dù có thân thiết với lãnh đạo tới đâu bạn cũng cần giữ sự nghiêm túc. Ảnh minh họa
4. "Tôi không muốn/không thể làm dự án này"
Trong công việc, dù có thân thiết với lãnh đạo tới đâu bạn cũng cần giữ sự nghiêm túc.
Đặc biệt, nếu như lãnh đạo muốn giao cho bạn 1 công việc nào đó, hãy lắng nghe triển khai của sếp thay vì vội phản ứng.
Những việc mà lãnh đạo giao cho bạn chắc chắn là điều họ đã cân nhắc kỹ. Có thể họ nhận thấy bạn phù hợp với công việc đó hoặc đủ khả năng thực hiện.
Vì thế câu nói "tôi không muốn/không thể làm dự án này" sẽ khiến bạn mất điểm.
Điều cấm kỵ trong công việc là từ chối yêu cầu của cấp trên.
Họ sẽ nghĩ rằng bạn không nhiệt huyết với công việc, không dám thử thách bản thân và làm việc hết mình.
Hơn nữa, lời từ chối nói trên còn quá thẳng thừng, tạo cảm giác khó chịu cho người nghe. Bạn cũng dễ đánh mất cơ hội thăng tiến nếu như cứ từ chối lãnh đạo 1 cách thẳng thừng.
Thay vào đó, nếu như bạn không muốn nhận công việc sếp giao, bạn có thể bày tỏ lý do của mình. Bạn cần nói rõ để sếp thấu hiểu và có thể đảm nhận những công việc khác.
5. "Tôi hứa sẽ cố gắng trong tương lai"
Thêm 1 câu nói người có trí tuệ cảm xúc cao không bao giờ để lộ trước mặt sếp chính là "tôi hứa sẽ cố gắng trong tương lai".
Thực chất, chúng ta nên hứa đúng lúc và đúng chỗ, đồng thời phải thực hiện được những gì mình đã nói ra.
Nếu như bạn cứ hứa suông rồi để lời hứa bỏ ngỏ, cấp trên chắc chắn sẽ tức giận và thất vọng nhiều hơn.
Chưa kể, bạn nên chủ động cố gắng làm việc và thay đổi bản thân thay vì đưa ra những lời hứa.
Trong công việc, chúng ta cần nỗ lực từng ngày, từng giờ để thay đổi bản thân chứ không đợi sau này mới cố gắng.
Vì thế, "tôi hứa sẽ cố gắng trong tương lai" là 1 lời nói không có trọng lượng. Thay vì nói ra những câu ấy, bạn nên tập trung cố gắng cải thiện năng lực của chính mình.
Kết quả của sự nỗ lực chính là câu trả lời thỏa đáng nhất bạn có thể mang tới cho lãnh đạo.
Cho dù bạn nhận thấy thời gian gần đây mình sa sút trong công việc và muốn tương lai gỡ gạc lại cũng không nhất thiết phải hứa.
Nếu như bạn không cải thiện gì, cấp trên vẫn chỉ xem nhẹ lời hứa và lời nói của bạn mà thôi.
Tường Vy (t/h)