Ảnh minh họa.
Cụ thể, VCB được khuyến nghị mua với tiềm năng tăng 10% trong một năm tới. Đến cuối quý 3/2024, Vietcombank (VCB) đạt mức tăng trưởng tín dụng 10,3% so với 2023, nhỉnh hơn đôi chút so với mức trung bình của ngành là 9%. Tính theo quý, mức tăng tín dụng của VCB tăng thêm 2,5 điểm phần trăm so với so với Q2, với tổng dư nợ đạt khoảng 1,4 triệu tỷ.
Dù tăng trưởng tín dụng không quá nổi trội, lợi nhuận của VCB tiếp tục khởi sắc hơn trong Q3/2024. Lợi nhuận sau thuế trong quý tăng 18,2%. Nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2 và quý 3, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9T2024 của VCB đạt 31,5 nghìn tỷ, tăng 6,7% so với cùng kỳ và hoàn thành khoảng 75% kế hoạch kinh doanh.
Dù giảm trích lập dự phòng, chất lượng danh mục cho vay của VCB vẫn được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ 2bps theo quý, lên mức 1,22%, và tăng 24 điểm phần trăm so với 2023, trong khi tỷ lệ nợ xấu mở rộng đi ngang ở mức 1.57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung ~ 204.7%.
TCB được khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá 18%. Lợi nhuận duy trì ở mức cao, với ba quý liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Trong Q3/2024, lợi nhuận trước thuế của TCB đạt 7,2 nghìn tỷ tăng 32,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9T2024, ngân hàng ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 22,8 nghìn tỷ, tăng 36,6% tương đương 84,3% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận trong Q4/2024 có thể chịu áp lực do thu nhập ngoài lãi tương đối kém khả quan và chi phí liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng với Manulife.
Một lo ngại khác với TCB là lợi nhuận lại đang dần phụ thuộc vào hoạt động cho vay. Tâm lý tiêu cực có thể xuất hiện sau khi TCB kết thúc hợp tác bảo hiểm độc quyền với Manulife. Tuy nhiên, tác động được dự báo sẽ ở mức vừa phải, vì doanh thu từ bảo hiểm đã giảm mạnh trong hai năm qua, và TCB đang tập trung phát triển các nguồn thu thay thế như dịch vụ đầu tư. Vì vậy, tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ sẽ có phần khiêm tốn hơn trong thời gian tới.
Một nguồn thu khác cũng gặp trở ngại là thu nhập bất thường từ thu hồi nợ xấu, ảnh hưởng bởi sự hết hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 vào cuối 2023, kéo dài quá trình thu hồi cũng như gia tăng các chi phí liên quan đến vấn đề xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là đối với một ngân hàng chuyên cho vay Bất động sản như TCB.
Ngoài ra, các khoản phí dịch vụ liên quan đến tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng phần nào khi dư nợ liên quan sẽ được tính vào tín dụng (theo Thông Tư 21/2024/TT-NHNN ban hành T6/2024), buộc các ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích kinh tế của việc cho vay và cung cấp các dịch vụ này.
VPB được khuyến nghị với tiềm năng tăng giá cao nhất 23%. Tính đến cuối quý 3 năm 2024, tổng dư nợ tín dụng hợp nhất của VPB, bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp, đã vượt 632 nghìn tỷ, tăng khoảng 9,7% so với 2023, nhỉnh hơn mức tăng trung bình ngành là 9%. Đà tăng trưởng chủ yếu đến từ ngân hàng mẹ với dư nợ tín dụng đạt hơn 581 nghìn tỷ, tăng hơn 10% so với 2023, trong khi mảng tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn hoàn tất tái cơ cấu danh mục cho vay.
Dù tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng chỉ ở mức vừa phải, lợi nhuận của ngân hàng vẫn đạt kết quả ấn tượng. Trong kỳ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt gần 13,9 nghìn tỷ, tăng 67% so với cùng kỳ và hoàn thành khoảng 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh của FE Credit cũng đang dần khởi sắc hơn khi ghi nhận giảm lỗ trong 6T2024 và lãi gần 300 tỷ lợi nhuận trong quý 3.
ACB được khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá 13,6%. Tốc độ tăng trưởng tài sản của ACB có phần chững lại trong Q3/2024, đạt 777.4 nghìn tỷ, tăng 8,2% so với 2023 nhưng chỉ tăng 1% theo quý.
Chất lượng tài sản tiếp tục giảm, nhưng tương đối nhẹ và không đáng ngại. Tổng nợ xấu tăng 1,9% theo quý, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên mức 1,49%, tăng 1bps so với Q2/2023. Ngoài ra, tỷ lệ nợ dưới chuẩn (bao gồm nhóm 2) tăng 11bps lên 2,12%. Điểm sáng trong kỳ là tỷ lệ bao phủ nợ xấu phục hồi tương đối 4,1 điểm phần trăm so với Q2/2024, đạt 80,5% cuối Q3. Nhìn chung, chất lượng tài sản suy giảm nhẹ nhưng ảnh hưởng không quá đáng kể đến triển vọng hoạt động ổn định của ngân hàng.
Cuối cùng là HDB với tiềm năng tăng giá 10%. Lợi nhuận trước thuế trong Q3/2024 của HDB tăng gần 43% so với cùng kỳ lên mức 4,5 nghìn tỷ, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần (NII) tăng 58,1%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HDB đạt tổng lợi nhuận trước thuế gần 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 80% kế hoạch năm.
HDB đang tập trung phát triển dựa trên hệ sinh thái, nhờ đó duy trì được tăng trưởng cả tài sản lẫn lợi nhuận. Biên lãi thuần (NIM) của HDB đạt đỉnh mới trong quý 3 tuy nhiên, kỳ vọng giảm nhẹ trong quý 4, khi tăng trưởng của mảng khách hàng cá nhân có phần chững lại trong các quý gần đây.
Ngoài ra, HDB gần đây đã mua lại 30% sở hữu tại CTCP Chứng khoán HD trước đây là Công ty chứng khoán Phú Gia để đa dạng hóa danh mục dịch vụ tài chính, hướng đến đáp ứng nhu cầu tài chính của nhóm khách hàng có nhu cầu đầu tư bên cạnh phân khúc khách hàng cá nhân đại chúng như hiện tại.
Thu Minh