5 dấu hiệu cảnh báo thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không hiệu quả

5 dấu hiệu cảnh báo thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không hiệu quả
5 giờ trướcBài gốc
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây tắc nghẽn luồng không khí và các vấn đề về hô hấp. Mặc dù không có cách chữa khỏi COPD, một số loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và số lần bùng phát, đồng thời cải thiện khả năng vận động của người bệnh.
Thuốc điều trị COPD, bao gồm thuốc giãn phế quản, steroid, thuốc kết hợp, thuốc ức chế phosphodiesterase-4 và thuốc kháng sinh, có thể mất hiệu quả theo thời gian.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về thuốc điều trị COPD của mình:
1. Các triệu chứng trở nên tệ hơn trong quá trình sử dụng thuốc điều trị COPD
TS. Robert A. Wise, Trung tâm Hen suyễn và Dị ứng Johns Hopkins ở Baltimore cho biết, dấu hiệu nhận biết COPD đang trở nên tồi tệ hơn là tình trạng khó thở tăng lên, ít hoạt động hơn hoặc giảm khả năng di chuyển, leo cầu thang hoặc đi lên dốc nhẹ.
Các biểu hiện như ho nặng hơn, thở khò khè hoặc tức ngực, đờm thay đổi về độ đặc, thể tích hoặc màu sắc… là những dấu hiệu khác cho thấy tình trạng bệnh đang trở nên tồi tệ hơn.
Các triệu chứng cũng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn không dùng thuốc đúng cách, điều này khá phổ biến.
Những người bị COPD cần biết cách sử dụng đúng bình xịt.
Có nhiều loại thuốc xịt khác nhau và bệnh nhân sử dụng thuốc xịt không đúng cách. Do đó, thông thường, nếu bệnh tình trở nên tồi tệ hơn, vấn đề không phải là thay đổi thuốc mà là đảm bảo rằng họ sử dụng thuốc xịt đúng cách.
2. Thay đổi huyết áp, nhịp mạch hoặc các dấu hiệu quan trọng khác
Đôi khi, nếu người bệnh dùng sai liều thuốc điều trị COPD, có thể ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp mạch hoặc thậm chí là chất điện giải. Người bệnh có thể bị hạ kali do một số loại thuốc xịt nhất định.
Do đó, người bệnh cần theo dõi thường xuyên các dấu hiệu sinh tồn và chất điện giải để đảm bảo cơ thể bạn đang xử lý thuốc một cách phù hợp.
3. Thuốc không còn hiệu quả
Nhìn chung, ngay cả khi người bệnh đã dùng thuốc điều trị COPD, sử dụng bình xịt đúng cách... trong thời gian dài, không cần phải tăng liều để đạt được hiệu quả như cũ. Tuy nhiên, nếu không nhận được hiệu quả tương tự từ thuốc, nên đến gặp bác sĩ.
Đôi khi trong bệnh COPD, nếu người bệnh lạm dụng thuốc xịt cấp cứu, có thể làm cho thuốc ngày càng kém hiệu quả. Đây thường là dấu hiệu cho thấy bệnh CPOD đang trở nên tồi tệ hơn.
4. Xuất hiện tưa miệng hoặc nhiễm trùng Candida trong miệng
Nếu miệng bị kích ứng hoặc đau nhiều hơn hoặc thấy xuất hiện các mảng trắng trên lưỡi, bên trong miệng, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tưa miệng hoặc nhiễm trùng candida ở miệng.
Tình trạng này có thể phát triển sau khi sử dụng thuốc xịt để điều trị COPD, đặc biệt là thuốc steroid dạng hít, có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của miệng và cổ họng.
Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ nếu nghi ngờ mình bị tưa miệng để được dùng thuốc trị nhiễm trùng này. Điều này thường bao gồm việc bôi gel chống nấm như clotrimazone, miconazole hoặc nystatin vào bên trong miệng từ 1-2 tuần.
5. Gặp phải tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ phổ biến nhất của một số loại thuốc uống được kê đơn cho COPD là rối loạn tiêu hóa, như buồn nôn, tiêu chảy, sụt cân. Điều này thường xảy ra khi người bệnh bắt đầu dùng thuốc.
Do đó, trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần quan sát, theo dõi các tác dụng phụ sau đây của thuốc điều trị COPD và trao đổi với bác sĩ nếu chúng gây ra vấn đề:
Steroid dạng hít: Bầm tím, nhiễm trùng miệng và khàn giọng.
Thuốc uống steroid: Tăng cân, tiểu đường, loãng xương, đục thủy tinh thể và nhiễm trùng thường xuyên hơn.
Thuốc ức chế phosphodiesterase-4 (Roflumilast): Tiêu chảy, buồn nôn và sụt cân.
Theophylline: Buồn nôn, nhức đầu, nhịp tim nhanh và run rẩy…
Thuốc điều trị COPD có thể hỗ trợ người bệnh thở dễ hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng mới, hãy cho bác sĩ biết để được xử lý đúng cách, kịp thời.
Nếu bắt đầu gặp phải các tác dụng phụ như tưa miệng sau khi sử dụng bình xịt thường xuyên hoặc khó chịu đường tiêu hóa, có thể cần thay đổi thuốc, hoặc liều lượng…
DS. Nguyễn Hoàng Thu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/5-dau-hieu-canh-bao-thuoc-dieu-tri-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-khong-hieu-qua-169241002104347453.htm