5 điểm đáng chú ý trong chính sách thuế đối ứng của ông Trump

5 điểm đáng chú ý trong chính sách thuế đối ứng của ông Trump
19 giờ trướcBài gốc
Nhiều nhà kinh tế và đối tác thương mại của Mỹ đã bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng ngày 2-4, đặc biệt khi họ quan sát những quốc gia nằm trong danh sách bị áp thuế.
Dưới đây là 5 điểm đáng chú ý trong chính sách thuế đối ứng của ông Trump, theo tờ The Hill.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng lên các nước, tại Vườn Hồng (Nhà Trắng) ngày 2-4. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Quy mô và phạm vi
Sau nhiều tháng rút lại, trì hoãn và điều chỉnh các đề xuất thuế quan trước đó, khiến nhiều người ở Phố Wall hoài nghi liệu ông Trump có thực sự áp dụng mức thuế lớn đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ hay không, cuối cùng tổng thống Mỹ đã đưa ra quyết định này.
“Thông báo về thuế đối ứng của Tổng thống Trump cứng rắn hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường” - ông Ed Mills, chuyên gia phân tích chính sách tại công ty đầu tư Raymond James, nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng thuế đối ứng đồng nghĩa với việc áp đặt thêm 600 tỉ USD thuế mới đối với người dân Mỹ, đẩy mức thuế trung bình lên 25% – cao hơn đáng kể so với mức 10-15% mà thị trường dự đoán.
“Chúng tôi đã chứng kiến nhiều quốc gia cố gắng giảm rào cản thương mại, hạ thuế quan và trực tiếp làm việc với chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, điều này dường như không thể ngăn chặn việc ông áp đặt thuế đối ứng” - ông Mills nhận định.
“Chúng tôi dự đoán Tổng thống Trump và chính quyền của ông sẽ bắt đầu tiến hành đàm phán, nhưng với quy mô của thông báo này, quá trình đó sẽ mất nhiều thời gian” - vị chuyên gia nêu quan điểm.
Áp thuế cả các vùng lãnh thổ không có người ở
Quần đảo Heard và McDonald, lãnh thổ của Úc và được coi là một trong những nơi hẻo lánh nhất thế giới, đã bị áp thuế 10%. Các hòn đảo núi lửa cận Nam Cực này chủ yếu là nơi sinh sống của chim cánh cụt và hải cẩu.
Đảo Heard thuộc Úc. Ảnh: AUSTRALIAN ANTARCTIC DIVISION
Các vùng lãnh thổ khác của Úc – đảo Norfolk, đảo Cocos và đảo Christmas – cũng có trong danh sách, với mức thuế lần lượt là 29%, 10% và 10%. Dân số của đảo Norfolk chưa đến 2.000 người, đảo Christmas chỉ có gần 1.700 người và đảo Cocos có hơn 500 người.
Một vùng lãnh thổ nhỏ khác, Diego Garcia – lãnh thổ của Anh chủ yếu gồm các nhân sự quân sự, trong đó có cả lính Mỹ – cũng bị áp thuế 10%.
Theo tờ The Guardian, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho rằng việc nhắm vào các vùng lãnh thổ có dân số ít ỏi này là dấu hiệu cho thấy “không nơi nào trên trái đất là an toàn”. Đáng chú ý, trong khi đảo Norfolk chịu mức thuế 29%, mức thuế áp lên Úc là 10%.
Nga, Triều Tiên không nằm trong danh sách
Nga, Triều Tiên, cùng với Belarus và Cuba, không bị đưa vào danh sách áp thuế. Nhà Trắng giải thích rằng quyết định loại trừ bốn quốc gia này là vì các nước này “đã bị áp thuế cực cao trước đó và các lệnh trừng phạt hiện hành của Mỹ đã ngăn chặn mọi giao dịch thương mại đáng kể với những nước này”.
Một quan chức Nhà Trắng cũng lưu ý rằng ông Trump “gần đây đã đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga” để giải thích thêm lý do không đưa Moscow vào danh sách lần này.
Tháng trước, ông Trump nói rằng đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt và thuế quan đối với Nga như một cách gây áp lực buộc nước này đàm phán để chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Vài tuần sau đó, Nga cho biết họ kỳ vọng Mỹ sẽ nới lỏng một số lệnh trừng phạt khi hai bên thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn một phần với Ukraine.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế cao bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Thụy Sĩ, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Liên minh châu Âu (EU).
Trung Quốc chịu mức thuế cao nhất, với mức thuế 34% công bố hôm 2-4, cộng với mức 20% đã áp trước đó, nâng tổng mức thuế lên 54%.
Cách tính toán chưa rõ ràng
Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ ngày 2-4 rằng họ đã tính toán mức thuế suất dựa trên một mô hình xem xét cả rào cản thuế quan và rào cản phi thuế quan.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích phát hiện rằng Nhà Trắng thực chất đã tính thuế bằng cách lấy tổng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và quốc gia đó, chia cho tổng giá trị hàng nhập khẩu của Mỹ, sau đó hoặc chia đôi con số này hoặc ấn định mức thuế 10%.
Nhà Trắng khẳng định rào cản thương mại và thuế quan là một phần trong phép tính.
“Không, chúng tôi thực sự đã tính toán cả rào cản thuế quan và phi thuế quan” - người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai viết trên mạng xã hội X.
Khi nói về các mức thuế sắp tới, Tổng thống Trump đã nhiều tuần tuyên bố chúng mang tính đối ứng nhằm đảm bảo sự công bằng. Ông lập luận rằng các quốc gia nên bị áp thuế tương đương với mức thuế mà họ áp lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trong cuộc họp báo với phóng viên ngay trước khi thông báo về thuế đối ứng, các quan chức Nhà Trắng nói rằng mức thuế sẽ thấp hơn, nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ tính một nửa vì tổng thống là người khoan dung và nhân từ”.
“Không phải để đàm phán”
Tổng thống Trump thường sử dụng thuế quan như đòn bẩy trong đàm phán với các nước về thỏa thuận thương mại và ngoại giao, và hôm 2-4, ông tuyên bố các đối tác thương mại có thể tránh bị áp thuế nếu có “thiện chí hợp tác”.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Nhà Trắng lại có quan điểm mâu thuẫn về việc liệu tổng thống Mỹ có sẵn sàng điều chỉnh thuế hoặc ký kết thỏa thuận hay không.
“Chúng tôi rất tập trung vào việc triển khai chính sách thuế quan này. Đây không phải là một cuộc đàm phán, mà là một tình huống khẩn cấp quốc gia” - một quan chức cấp cao Nhà Trắng phát biểu ngay trước thông báo của ông Trump.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick lại đưa ra quan điểm khác khi vừa khẳng định ông Trump sẽ không “nhượng bộ” thuế quan, vừa ám chỉ khả năng đạt được thỏa thuận.
“Chuyện này cần phải chấm dứt. Nước Mỹ không thể tiếp tục bị lợi dụng, và các bạn sẽ thấy nước Mỹ trở nên thịnh vượng. Chỉ khi đó, Tổng thống Trump mới sẵn sàng ngồi lại với từng quốc gia nếu họ thật sự thay đổi cách hành xử của họ” - ông Lutnick nhấn mạnh.
“Đó không phải là sự nhượng bộ. Hãy để một nhà đàm phán thực thụ ra tay nhưng chỉ khi những quốc gia đó thay đổi toàn diện. Mà tôi thì không tin họ sẽ làm được điều đó” - vị bộ trưởng nói thêm.
Ông Eric Trump, con trai của Tổng thống Trump, cảnh báo rằng các quốc gia bị áp thuế nên nhanh chóng đàm phán để có cơ hội được miễn thuế.
“Không quốc gia nào muốn là kẻ đến sau cùng trong cuộc đàm phán thương mại với Tổng thống Donald Trump” - ông Eric Trump viết trên X.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/5-diem-dang-chu-y-trong-chinh-sach-thue-doi-ung-cua-ong-trump-post842502.html