5 loại mặt nạ tự làm giúp da mịn màng trong mùa hè

5 loại mặt nạ tự làm giúp da mịn màng trong mùa hè
một ngày trướcBài gốc
Đắp mặt nạ từ các nguyên liệu tự nhiên giúp da mát mẻ, mịn màng hơn trong mùa hè.
1. Mặt nạ sữa chua và lô hội
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ làm mất đi độ sáng của khuôn mặt, khiến da trông xỉn màu. Tuy nhiên, sữa chua và lô hội có thể giúp duy trì sự tươi và mát cho khuôn mặt.
Trộn đều một thìa sữa chua với 3 thìa gel lô hội, thoa hỗn hợp lên mặt, để trong 15-20 phút rồi rửa sạch mặt bằng nước thường.
2. Mặt nạ đất sét (multani mitti) và bạc hà
Multani mitti (một loại đất sét tự nhiên giàu khoáng chất) giúp loại bỏ dầu thừa trên mặt. Bạc hà có tác dụng làm mát. Kết hợp multani mitti và bạc hà giúp làm dịu cảm giác nóng rát và giữ cho khuôn mặt mát mẻ.
Trộn 2 thìa cà phê multani mitti và 1 thìa cà phê bột bạc hà trong một cái bát. Nếu cần, hãy thêm một vài giọt nước, nhưng đảm bảo hỗn hợp không quá loãng. Thoa hỗn hợp lên mặt và cổ, để cho đến khi khô; rửa sạch mặt bằng nước thường.
3. Mặt nạ cà chua và mật ong
Mặt nạ cà chua mật ong hoàn hảo cho da mặt vào mùa hè.
Trộn 1 quả cà chua cỡ vừa (đã nghiền – xay nhuyễn) và một thìa mật ong vào một cái bát; đắp hỗn hợp lên mặt và để trong 20 phút, sau đó rửa sạch mặt bằng nước thường.
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và sát trùng rất tốt cho da dầu và dễ bị mụn. Trong khi đó, cà chua có đặc tính chống rám nắng. Sự kết hợp của hai thành phần này tạo thành loại mặt nạ hoàn hảo cho da mặt vào mùa hè.
4. Mặt nạ nước hoa hồng và gỗ đàn hương
Gỗ đàn hương là một phương thuốc cổ xưa để chữa kích ứng da mặt và mụn nhọt vào mùa hè, mang lại vẻ rạng rỡ cho làn da. Nước hoa hồng loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn trên mặt, cấp ẩm cho da và tăng cường vẻ rạng rỡ cho khuôn mặt.
Trộn 2 thìa bột gỗ đàn hương nguyên chất với nước hoa hồng để tạo thành hỗn hợp sệt; thoa hỗn hợp lên mặt để làm mát và phục hồi làn da xỉn màu, sau khi hỗn hợp khô, rửa sạch bằng nước thường.
5. Mặt nạ dưa hấu và sữa chua
Dưa hấu chứa vitamin A, C, rất tốt cho da mặt… mang lại vẻ rạng rỡ cho làn da và giữ ẩm cho da. Đây cũng là giải pháp tốt cho da dầu.
Trộn dưa hấu đã dầm nhuyễn và 1 thìa sữa chua trong bát; dùng cọ lấy hỗn hợp rồi thoa lên mặt (bạn cũng có thể thoa lên vùng da bị cháy nắng). Rửa sạch mặt bằng nước sau 15-20 phút. Mặt nạ này sẽ làm dịu vùng da bị cháy nắng.
6. Một số điều cần lưu ý khi đắp mặt nạ dưỡng da
Để mặt nạ phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn cần lưu ý:
- Thời gian đắp mặt nạ: Mùa hè, khi da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao, không nên để mặt nạ quá lâu, thời gian đắp từ 10-15 phút là hợp lý.
- Thử phản ứng dị ứng trước khi sử dụng: Mặc dù các nguyên liệu tự nhiên ở trên thường an toàn, bạn vẫn cần thực hiện thử nghiệm dị ứng trước khi sử dụng. Thử nghiệm trên một vùng da nhỏ (như ở cổ tay hoặc sau tai) trong 24 giờ để xem có phản ứng nào xảy ra không. Nếu da có dấu hiệu đỏ, ngứa, hoặc rát, nên ngừng sử dụng ngay lập tức và rửa sạch mặt bằng nước ấm. Nếu tình trạng không giảm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
- Bảo vệ da sau khi đắp mặt nạ: Nên bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời bằng cách thoa kem chống nắng với chỉ số SPF phù hợp (từ SPF 30 trở lên) ngay cả khi bạn chỉ ra ngoài trong thời gian ngắn.
- Đảm bảo vệ sinh: Nguyên liệu tự nhiên cần được rửa sạch và tươi mới để tránh bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, dụng cụ làm mặt nạ như chén, muỗng và bàn tay cũng cần được làm sạch kỹ càng.
- Không lạm dụng: Mặc dù nguyên liệu tự nhiên mang lại nhiều lợi ích nhưng không nên lạm dụng đắp mặt nạ quá thường xuyên. Bạn chỉ nên đắp mặt nạ 1-2 lần/tuần tùy thuộc vào nhu cầu của da, tránh làm da quá tải hoặc mất cân bằng.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Giữ nét trẻ trung nhờ chăm sóc da vùng mắt.
DS. Nguyễn Phương Thu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/5-loai-mat-na-tu-lam-giup-da-min-mang-trong-mua-he-169250401104713168.htm