5 loại thảo dược giảm đau bụng kinh

5 loại thảo dược giảm đau bụng kinh
3 ngày trướcBài gốc
1. Gừng hỗ trợ giảm đau bụng kinh
Gừng là một loại gia vị thường được dùng trong nấu ăn, ngoài ra loại củ này còn có tác dụng chống viêm, giảm đau bụng kinh, chống căng thẳng, stress, trị ho, hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt...
Gừng được sử dụng để giảm đau bụng kinh do có công dụng giảm viêm và ức chế sản xuất prostaglandin (hormone làm cho các cơ trong thành tử cung co lại gây đau).
Cách sử dụng gừng giảm đau bụng kinh: Trà gừng, nước gừng, ngậm gừng tươi, tắm nước gừng, chế biến các món ăn từ gừng, dùng bột gừng thêm vào nước trái cây, sinh tố...
Có nhiều cách sử dụng gừng giảm đau bụng kinh.
2. Thì là
Cây thì là được trồng phổ biến trên khắp nước ta nhưng chủ yếu để lấy lá ăn, thường nấu với cá, thường dùng quả và hạt để làm thuốc. Theo Đông y, hạt thì là tính ấm, vị cay, không độc vào kinh vị, công năng đuổi khí lạnh, cầm nôn mửa...
Bên cạnh đó, các phytoestrogen trong trà thì là làm giãn cơ tử cung, hỗ trợ cân bằng hormone và giảm đau bụng kinh. Một đánh giá năm 2020 cho thấy cây thì là làm giảm cường độ đau hiệu quả như liệu pháp dùng thuốc thông thường và hiệu quả hơn giả dược. Thì là có thể được khuyên dùng cho những người bị đau bụng kinh từ nhẹ đến trung bình.
Cách sử dụng thì là giảm đau bụng kinh: Trà hạt thì là, dịch chiết lá thì là hoặc dùng thì là kết hợp với các thảo dược khác để giảm tình trạng này.
3. Hoa cúc
Đặc tính chống viêm và chống co thắt của hoa cúc giúp làm giảm chứng đau bụng kinh. Nghiên cứu cho thấy, hoa cúc có thể làm giảm cơn đau bụng kinh tốt hơn giả dược.
Ngoài ra, hoa cúc La Mã còn được phát hiện có tác dụng làm giảm các triệu chứng tâm trạng liên quan đến hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Cách sử dụng hoa cúc giảm đau bụng kinh: Trà hoa cúc, chiết xuất hoa cúc dưới dạng bột, dầu... Tuy nhiên, không nên uống trà hoa cúc khi bụng đói, không nên uống quá nhiều (chỉ nên dùng 1-2 cốc/ngày), người có cơ địa dị ứng với trà hoa cúc cũng không nên sử dụng loại trà này.
4. Quế
Quế làm giảm đau bụng kinh bằng cách giảm viêm và đau do prostaglandin gây ra. Một đánh giá năm 2020 cho thấy quế (cùng với thì là và gừng) làm giảm hiệu quả cường độ đau và quế làm rút ngắn thời gian đau. Hai nghiên cứu khác cho thấy uống viên nang quế (450 mg ba lần một ngày và 1.000 mg một lần mỗi ngày) làm giảm cường độ đau so với giả dược.
Cách sử dụng quế để giảm đau bụng kinh: Trà quế, thêm quế vào thức ăn, viên nang quế... Mặc dù quế an toàn khi sử dụng cho nhiều người, nhưng nên tránh sử dụng nếu bị dị ứng với quế. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên thận trọng vì sử dụng quá nhiều ảnh hưởng đến gan và tử cung.
5. Bạc hà
Menthol là một thành phần hoạt tính trong bạc hà có tác dụng giãn cơ, giúp xoa dịu các cơn co thắt tử cung và làm giảm đáng kể tình trạng đau bụng kinh. Ngoài ra, bạc hà giúp tăng cường lưu thông máu, giúp các cơ trong tử cung thư giãn và giảm cường độ co thắt.
Cách sử dụng bạc hà giảm đau bụng kinh: Trà bạc hà, tinh dầu bạc hà, chườm ấm bằng bạc hà, chiết xuất bạc hà...
Mời bạn xem tiếp video:
Đau bụng dữ dội và mệt mỏi khi đến kỳ kinh nguyệt có là triệu chứng của lạc nội mạc tử cung? | SKĐS
Lê Mỹ Giang
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/5-loai-thao-duoc-giam-dau-bung-kinh-169241230120310085.htm