5 món ăn giúp tăng cường sức khỏe đường ruột trong ngày Tết

5 món ăn giúp tăng cường sức khỏe đường ruột trong ngày Tết
5 giờ trướcBài gốc
Nội dung
1. Nguyên nhân dễ mắc bệnh đường ruột trong dịp Tết
2. Làm thế nào để giữ cho đường ruột khỏe mạnh?
3. Một số món tăng cường sức khỏe đường ruột
1. Nguyên nhân dễ mắc bệnh đường ruột trong dịp Tết
Ngày Tết là dịp để các gia đình sum họp nhưng cũng là thời điểm nhiều người phải đối mặt với các vấn đề về đường ruột. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ sinh hoạt và ăn uống thay đổi. Ăn uống quá nhiều, quá no, nhiều đồ ăn dầu mỡ, ngọt, mặn, đồ ăn nhanh... làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Thời gian ăn uống không ổn định, thường xuyên ăn khuya, bỏ bữa, ăn vặt... làm rối loạn quá trình tiêu hóa. Lạm dụng rượu bia gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng tiết acid gây viêm loét…
Các triệu chứng đường ruột thường gặp nhất bao gồm: Đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, trào ngược acid dạ dày - thực quản, hội chứng ruột kích thích liên quan đến stress, rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột...
Ăn uống không khoa học khiến nhiều người mắc bệnh đường ruột trong dịp Tết.
2. Làm thế nào để giữ cho đường ruột khỏe mạnh?
Bằng cách hiểu được tầm quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột và thực hiện những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống và lối sống, chúng ta có thể bảo vệ và cải thiện sức khỏe đường ruột để tận hưởng những ngày nghỉ Tết trọn vẹn và không lo lắng về sức khỏe tiêu hóa.
Để có đường ruột khỏe mạnh thì vai trò của chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ rất chặt chẽ giữa chế độ ăn uống với sự đa dạng và cân bằng của cộng đồng vi khuẩn trong cơ thể con người. Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng giúp thúc đẩy một hệ vi sinh vật đường ruột có cấu trúc tốt.
Theo GS.TS. Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả... cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
3. Một số món tăng cường sức khỏe đường ruột
Dưa cải bắp
Dưa cải bắp là thực phẩm lên men có thành phần chủ yếu là bắp cải và muối. Trong quá trình lên men, các vi sinh vật ăn đường có trong bắp cải và tạo ra carbon dioxide và acid. Các vi khuẩn có lợi được tạo ra trong quá trình lên men hỗ trợ tiêu hóa và bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
Chuẩn bị một đĩa dưa cải bắp trong mâm cơm ngày Tết vừa giúp chống ngán vừa có lợi cho sức khỏe đường ruột. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một cốc dưa cải muối chua có 4g chất xơ. Lợi khuẩn trong ruột sử dụng chất xơ làm nhiên liệu.
Kim chi
Kim chi chủ yếu được làm từ cải thảo lên lên men. Ngoài có thể có thêm hành lá, củ cải và tôm để tăng hương vị. Quá trình lên men kim chi sử dụng vi khuẩn lactobacillus để phân hủy đường thành acid lactic, tạo cho kim chi có vị chua đặc trưng, tối đa hóa hàm lượng lợi khuẩn giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt.
Sữa chua kefir thúc đẩy các vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Sữa chua kefir
Kefir là một dạng sữa chua uống được làm bằng nguyên liệu sữa, men và vi khuẩn lành mạnh. Tương tự như sữa chua, kefir chứa đầy men vi sinh. Các chế phẩm sinh học trong kefir nuôi sống các vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Tương miso
Tương miso làm từ đậu nành, lúa mạch hoặc gạo. Tương tự như các loại thực phẩm lên men khác, vi khuẩn có lợi được sản sinh trong quá trình lên men. Tương miso làm từ đậu nành rất tốt vì chứa nhiều protein.
Tương miso rất ngon khi thêm vào nước sốt, nước chấm và nước dùng trong các món ăn ngày Tết.
Tempeh chứa probiotic.
Đậu lên men
Đậu lên men hay còn gọi là tempeh. Cũng được làm từ đậu nành nhưng không giống như đậu phụ, tempeh là thực phẩm lên men, vì vậy nó chứa probiotic. Tempeh được làm khi đậu nành được lên men và sau đó ép thành bánh, sau đó được dùng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn. Có thể ăn trực tiếp, dùng để chiên, luộc, nấu súp, trộn salad, ăn kèm bánh mì hoặc dùng cho các món hầm.
Tempeh có thể giúp tăng lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Nó giúp phân hủy đường và carbohydrate để cơ thể dễ tiêu hóa hơn đồng thời kiểm soát vi khuẩn có hại trong cơ thể, trị chứng khó tiêu và chống viêm mạn tính. Ngoài ra tempeh còn có hàm lượng protein cao, rất tốt cho người ăn chay cần bổ sung protein và lợi khuẩn.
Thu Phương
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/5-mon-an-giup-tang-cuong-suc-khoe-duong-ruot-trong-ngay-tet-169250119154843992.htm