5 nghề 'hái ra tiền' ở Ai Cập cổ đại

5 nghề 'hái ra tiền' ở Ai Cập cổ đại
6 giờ trướcBài gốc
Trừ tà là nghi thức thiết yếu trong đời sống Ai Cập cổ đại. Ảnh: Ancient-origins.net
Dù vậy, một số cá nhân vẫn tìm ra lối đi riêng và thành công rực rỡ.
Chiêm tinh
Người Ai Cập không phải dân tộc sáng tạo ra chiêm tinh, hệ thống huyền học dự đoán tương lai bằng cách quan sát vị trí và sự chuyển động của các ngôi sao. Tuy nhiên, họ đã phát triển được hệ thống chiêm tinh đoán lũ sông Nile cực kỳ tinh vi, gần như đoán trúng tất cả các đợt lũ lụt hàng năm của con sông này.
Theo khám phá khảo cổ, người Ai Cập bắt đầu chiêm tinh từ Thời kỳ Sơ triều (3150 - 2686 TCN). Ban đầu, họ thiết lập hệ thống chòm sao theo góc nhìn cá nhân nhưng sau đó đã kết hợp với chiêm tinh học Hy Lạp, sử dụng 12 cung hoàng đạo. Đền Esna gần Luxor của họ là minh chứng cho sự kết hợp này, nó sử dụng 12 cung hoàng đạo vào trang trí tạo tác.
Tư liệu Ai Cập có rất ít ghi chép về nghề chiêm tinh nhưng tất cả đều chung đánh giá cao. Một trong các nhà chiêm tinh được ghi nhận của họ là Imhotep (2650 - 2600 TCN). Xuất thân của Imhotep chỉ là dân thường.
Trong xã hội trọng giai cấp thời đại này, lẽ ra ông không có cơ hội thăng tiến nào nhưng, nhờ vào tài năng chiêm tinh, ông đã vươn tới vị trí cao nhì Ai Cập cổ đại, chỉ đứng sau pharaoh là tể tướng kiêm tư tế tối cao.
Nhà chiêm tinh nổi bật thứ 2 là Claudius Ptolemaeus (100 - 178 SCN). Ông gốc gác Hy Lạp nhưng đã sống và nghiên cứu tại Alexandria gần như trọn đời. Ptolemaeus để lại công trình nghiên cứu thiên văn đồ sộ, Thiên văn Vĩ đại (Ho megas astronomos) gồm 13 tập sách, được công nhận là “bách khoa thiên văn toàn thư”.
Trừ tà
Ai Cập cổ đại tin có thần, linh hồn, quỷ dữ, đặc biệt coi trọng các nghi lễ, phép thuật và văn bản thiêng. Nghi thức thiết yếu nhất trong các nghi lễ của họ là phép thuật và người thực hiện phép thuật là pháp sư.
Triết gia và nhà thần học nổi tiếng người Ý, Titus Flavius Clemens (50 - 95 SCN) từng nhận định, “Ai Cập là mẹ của các pháp sư”. Đúng như ông nhìn thấy, cuộc sống của người Ai Cập cổ đại gắn liền với hoạt động trừ tà.
Từ vua quan cho đến dân thường đều sợ hãi bị dính phải vận rủi và sẵn sàng bỏ ra mọi thứ để được thanh tẩy nhằm xua đuổi tà ma, quỷ dữ, bệnh tật và cầu mong điều may.
Pháp sư Ai Cập cổ đại sử dụng phép thuật và thần chú. Nếu phép thuật là các nghi thức, phương thuốc thì thần chú là tập hợp các câu nằm trong văn bản trừ tà. Thường thì, pháp sư thực hiện trừ tà trong lúc chữa bệnh. Họ vừa đọc thần chú vừa thực hiện hành vi đặc biệt nào đó, cuối cùng kê đơn bốc thuốc cho bệnh nhân.
Bên cạnh trừ tà, pháp sư còn yểm lời nguyền theo yêu cầu. Họ hay được thuê yểm lời nguyền lên lăng mộ để ngăn chặn trộm mộ.
Ghi chép
Giới thượng lưu Ai Cập cổ đại độc chiếm chữ viết nên nghề ghi chép sớm xuất hiện và được đánh giá rất cao. Người ghi chép, bất kể xuất thân, được xếp vào tầng lớp thượng lưu, có quyền tiếp cận với người thuộc tầng lớp này và hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi như miễn thuế, miễn lao động chân tay…
Bằng chứng sớm nhất về nghề ghi chép có lẽ là Văn bản Kim tự tháp (2700 - 2200 TCN), tập hợp các lời cầu nguyện, bùa chú và phép thuật được khắc trên tường kim tự tháp của một vị pharaoh. Theo ghi nhận khảo cổ, người ghi chép đóng vai trò giống như thư ký của quan lại. Công việc của họ là ghi chép và quản lý tài liệu dự án xây dựng, hồ sơ thuế, điều tra dân số… Bên cạnh viết thì họ còn vẽ để minh họa.
Làm tóc giả
Thời đại nào cũng ngại hói và Ai Cập cổ đại không ngoại lệ. Tuy xã hội Ai Cập không kỳ thị người bị hói hay đầu trọc, nhưng ai cũng muốn có mái tóc khỏe đẹp. Nếu người Việt nói “cái tóc là góc con người” thì người Ai Cập bảo “kiểu tóc phản ánh địa vị xã hội”. Bởi vì, chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được phép sử dụng tóc giả và tùy theo giới tính và vị thế, tóc giả khác nhau.
Đàn ông và phụ nữ thượng lưu đội tóc giả dài, cầu kỳ, cài thêm bùa hộ mệnh bằng vàng hoặc đá quý. Trẻ em thượng lưu thì đội tóc giả ngắn, trang trí đơn giản hơn. Người Ai Cập cũng thích tóc dày nên còn thêm tóc và nối tóc. Mỗi dịp lễ hội hoặc buổi họp mặt xã hội khác nhau, họ lại sử dụng kiểu tóc khác nhau. Những cá nhân có điều kiện kinh tế còn thay đổi kiểu tóc mỗi ngày.
Tất nhiên là với nhu cầu tóc giả cao ngất ngưởng, thợ làm tóc giả sớm được săn đón. Các cửa hàng làm tóc giả đua nhau mọc lên, thu mua từ tóc người đến lông ngựa để làm tóc giả. Người ta dùng sáp ong và nhựa thông để gắn tóc vào vải, khéo léo chải, tết thành các kiểu dáng đẹp đẽ, độc đáo. Đối với tóc nối thì thắt nút từng sợi vào tóc thật còn thêm tóc thì bện thêm nhiều sợi vào một sợi.
Ngoài thể hiện địa vị, tóc giả còn là giải pháp bảo vệ da đầu hợp vệ sinh, vì nó vừa giúp chắn nắng nóng vừa giúp tránh chấy rận.
Người Ai Cập sản xuất bia hàng loạt từ TCN. Ảnh: Historicaleve.com
Nấu bia
Bia là thức uống không thể thiếu trong chế độ ăn uống của người Ai Cập cổ đại. Người ta không chỉ uống nó trong các nghi lễ, tiệc tùng mà còn uống hàng ngày. Tại nhiều công trường xây dựng, công nhân được trả bia lên đến 5 lít/ngày thay vì trả tiền.
Nếu người Sumer là nhà phát minh bia thì người Ai Cập là nhà hoàn thiện nghệ thuật nấu bia. Trải qua nhiều thử nghiệm, họ tạo ra được loại bia vừa đa nồng độ vừa ngọt ngào, uống vào là thích mê. Theo khám phá khảo cổ, bia hàng ngày của họ có nồng độ cồn và vị tương tự bia nâu hiện đại. Bia nghi lễ thì nồng độ cồn cao hơn, hương vị có từ mùi thảo mộc đến gia vị, trái cây…
Dù là thời cổ đại, Ai Cập đã có cả nhà sản xuất bia để sản xuất bia quy mô lớn. Với lượng tiêu thụ cao, người làm bia tha hồ làm giàu. Năm 2018, giới khảo cổ phát hiện một tàn tích nhà máy sản xuất bia năm 3150 TCN. Qua ước tính, họ công bố năng suất của nhà máy này là 5.900 gallon/mẻ, tương đương với 22.330 lít.
Theo thecollector.com
Ninh Thị Thơ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/5-nghe-hai-ra-tien-o-ai-cap-co-dai-post709513.html