5 nhóm giải pháp để TP.HCM tiến vào kỷ nguyên vươn mình

5 nhóm giải pháp để TP.HCM tiến vào kỷ nguyên vươn mình
16 giờ trướcBài gốc
TS. Cấn Văn Lực
Năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Kinh tế thế giới phục hồi nhẹ song không đồng đều giữa các nước với mức tăng trưởng tương đương năm 2023 là 3,2%; và dù lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt rõ rệt trong bối cảnh gia tăng xung đột địa - chính trị tại Trung Đông, Ukraina khiến quá trình phục hồi kinh tế khó khăn hơn.
Một năm ghi nhận nhiều điểm sáng
Ở trong nước, kinh tế phục hồi và tăng trưởng tích cực, Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã dịu bớt, sức cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân còn thấp, giải ngân đầu tư công còn chậm; áp lực nợ xấu, tỷ giá tăng dù trong tầm kiểm soát.
Nhờ phát huy tốt các yếu tố thuận lợi và sức mạnh nội lực, bức tranh kinh tế của TP.HCM năm 2024 khá tích cực, đạt nhiều thành quả
Trong bối cảnh đó, nhờ phát huy tốt các yếu tố thuận lợi và sức mạnh nội lực, kinh tế của TP.HCM năm 2024 khá tích cực, đạt nhiều thành quả trong việc tận dụng Nghị quyết 98. Lãnh đạo Thành phố đã tham mưu Trung ương trình Quốc hội xem xét, thông qua ba đề án về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, xây dựng đường sắt đô thị, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang tích cực triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đột phá thể chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy nhà nước…
Thành phố đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, quy mô GRDP chiếm khoảng 16,3% GDP cả nước, cho thấy rõ nét vai trò đầu tàu kinh tế. Thu ngân sách nhà nước khả quan…
Tuy nhiên, kinh tế TP.HCM năm 2024 còn những tồn tại, thách thức như tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, còn khá khiêm tốn với vai trò đầu tàu. Lãnh đạo Thành phố luôn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn ít nhất là 1,3 lần bình quân của nước. Trong đó, hai động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu ròng và đầu tư (nhất là đầu tư công và thu hút FDI) còn thấp hơn bình quân cả nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thể hiện qua việc năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký nhiều khả năng chưa đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt vốn đăng ký và bổ sung giảm 29% so với năm 2023. Công tác lập quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 còn chậm và việc triển khai Nghị quyết 98 còn nhiều vướng mắc, chưa phát huy mạnh hiệu quả của các cơ chế đặc thù.
Quan trọng, chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều chuyển biến, mô hình tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào dịch vụ nhưng chất lượng dịch vụ còn bất cập, trong khi công nghiệp công nghệ cao với hàm lượng giá trị, đóng góp từ khối nội địa còn thấp, năng suất lao động còn thấp.
5 nhóm giải pháp
Thứ nhất, TP.HCM cần kiên định, quyết tâm thực hiện thành công chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước về đột phá thể chế, cách mạng về tinh gọn bộ máy; cũng là để xây dựng chính quyền đô thị hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các quy hoạch, chiến lược, đề án và cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế xã hội Thành phố. Trong đó, sớm hoàn thiện, trình ban hành Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
- Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
- Đồ án Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch vùng huyện, các khu chức năng.
- Đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông.
- Đề án Hình thành vành đai đô thị, công nghiệp, dịch vụ, logistics dọc hành lang đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc trong vùng.
- Đề án Xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực.
Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện mô hình, khung pháp lý chính quyền đô thị sát với thực tiễn phát triển. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng cho việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Trung ương, nhất là về hai nội dung quan trọng: Tự do hóa dòng vốn và khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ.
Thứ ba, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thông qua việc xây dựng bộ máy hành chính công hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong bộ máy hành chính công trên nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.
Đồng thời, tích cực xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong công tác quản lý, thực hiện các thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả phối hợp với Trung ương để giải quyết kịp thời các vấn đề vượt thẩm quyền. Đặc biệt, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu Thành phố luôn nằm trong nhóm 10 về xếp hạng PCI hằng năm và nhóm 15 về chỉ số cải cách hành chính, đây cũng là giải quyết quan trọng giúp TP.HCM huy động nguồn lực đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân.
Thứ tư, phát huy tốt hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu ròng, đầu tư và tiêu dùng); khai thác các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, du lịch chất lượng cao... Đồng thời, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, với Nghị quyết Đại hội của Thành phố cho nhiệm kỳ tới thực sự đột phá và chất lượng.
Thứ năm, tiên phong thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là 5 đột phá: Thể chế - chính sách, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triền bền vững.
Năm đột phá này thực sự quan trọng đối với Thành phố hiện nay và sắp tới, vừa thúc đẩy tăng trưởng nhanh, vừa nâng cao chất lượng tăng trưởng.
(*) Chuyên gia kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia
Hưng Khánh ghi
TS. Cấn Văn Lực (*)
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/5-nhom-giai-phap-de-tp-hcm-tien-vao-ky-nguyen-vuon-minh-315808.html