Thí sinh TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Duy Hiệu.
Thông tin trên được Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024 sáng 29/3.
Cụ thể, trong số 721.000 chỉ tiêu, gần 615.000 thí sinh nhập học đại học. Trong đó, 25% theo nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý. Tiếp đến ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (chiếm 12%), Công nghệ kỹ thuật (9%), Nhân văn (chiếm 9%), Sức khỏe (6%). 39% tổng số thí sinh nhập học vào 19 nhóm ngành còn lại. Cụ thể như sau:
Xét theo vùng, tỷ lệ nhập học đại học trên tổng số thí sinh thi tốt nghiệp ở Đông Nam Bộ cao nhất với 68,28%. Tiếp đến Đồng bằng sông Hồng (68,27%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (58,24%), Đồng bằng sông Cửu Long (54,39%), Tây Nguyên (53,37%), Trung du và miền núi phía Bắc (46,65%).
Cũng theo Bộ GD&ĐT, hơn 52% thí sinh nhập học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ chiếm gần 28%, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chiếm 3,36%, xét tuyển thẳng theo đề án của trường chiếm 1,96%, xét kết hợp chiếm 1,21% và các phương thức khác (gồm 12 phương thức) chiếm 13,3%.
Bộ GD&ĐT cũng thống kê năm 2024, 244/322 cơ sở giáo dục đại học tổ chức xét tuyển sớm với gần 1,9 triệu nguyện vọng trúng tuyển. Tuy nhiên, bộ nhận định công tác xét tuyển sớm có thể khiến thí sinh nhầm lẫn, chưa đảm bảo công bằng ở một số phương thức xét tuyển, thí sinh trúng tuyển nhiều nhưng không ưu tiên chọn ngay nguyện vọng 1...
Bộ cũng đánh giá kỳ tuyển sinh 2024, các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển gây ra nhiễu thông tin, nhiều phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký, kém hiệu quả.
Nhiều phương thức xét tuyển chưa đảm bảo công bằng cho thí sinh và các trường chưa đánh giá, đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển.
Để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển, năm 2025, bộ yêu cầu các trường không phân chỉ tiêu theo phương thức, tổ hợp xét tuyển, quy đổi điểm trúng tuyển tương đương, loại bỏ phương thức không hiệu quả...
Ngọc Bích