Ngày 4-7, tại buổi tiếp xúc cử tri các phường Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu và Hải Vân, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng - đã thông tin nhiều nội dung quan trọng liên quan kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là những quyết sách có ảnh hưởng sâu sắc đến thành phố thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh kỳ họp thứ 9 của Quốc hội được đánh giá là kỳ họp mang tính lịch sử, không chỉ vì số lượng luật và nghị quyết thông qua lớn nhất từ trước đến nay (34 luật, 14 nghị quyết), mà còn vì quyết định mang tính cách mạng về việc sửa đổi Hiến pháp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri một số phường trên địa bàn
Theo đó, Quốc hội đã thông qua chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện. "Đến nay, cả nước chỉ còn 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 66,9%. Trong đó, Đà Nẵng chúng ta có một đặc khu rất đặc biệt là đặc khu Hoàng Sa" - ông Quảng cho biết.
Theo ông Quảng, kỳ họp vừa qua có 5 nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến Đà Nẵng:
Thứ nhất, thành lập TP Đà Nẵng mới trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cũ, với diện tích gần 12.000 km², dân số trên 3 triệu người. Đây là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố, xếp thứ 11 toàn quốc.
Thứ hai, cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 136 trên toàn bộ địa bàn thành phố mới, bao gồm cả phần tỉnh Quảng Nam sáp nhập. "Đây là thuận lợi lớn mà không nhiều địa phương có được" - ông Quảng nhấn mạnh.
Thứ ba, thay đổi mô hình tổ chức chính quyền đô thị sang chính quyền toàn diện. Tất cả các phường được thành lập HĐND lâm thời từ ngày 1-7-2025 đến kỳ bầu cử ngày 15-3-2026.
Thứ tư, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại hai địa điểm: TP HCM và Đà Nẵng. Ông Quảng khẳng định đây là lần đầu tiên trên thế giới có một trung tâm tài chính quốc tế được tổ chức tại hai nơi cùng lúc.
Thứ năm, việc Đà Nẵng đi đầu đề xuất thành lập khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam được Quốc hội đồng ý, mở ra hướng phát triển mới. Sau đó, Hải Phòng cũng được áp dụng và thậm chí có thêm các chính sách ưu việt hơn.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trả lời ý kiến cử tri
Bí thư Thành ủy cho rằng dù được chọn là một trong 2 địa phương đặt Trung tâm Tài chính quốc tế, nhưng Đà Nẵng đang đối mặt nhiều thách thức. "119 trung tâm tài chính trên thế giới, nhưng số thành công thì đếm trên đầu ngón tay. Làm được điều này là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn của thành phố" - ông nói.
Theo ông Quảng, Đà Nẵng không thể so sánh với TP HCM về quy mô thị trường tài chính, nhưng lại có tiềm năng phát triển các lĩnh vực mới như tài chính xanh, tài chính số, các mô hình thử nghiệm có kiểm soát... "Không gian sống tốt, môi trường đầu tư hấp dẫn là điểm mạnh của chúng ta. Trung tâm tài chính không chỉ là văn phòng giao dịch, mà phải là hệ sinh thái sống đáng đầu tư, đáng sống" - ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quảng thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, gợi mở những giải pháp thiết thực. Ông đề nghị UBND thành phố, các sở ngành và địa phương liên quan nghiêm túc xem xét, trả lời và xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền.
Về kiến nghị điều chỉnh lương hưu, ông Quảng dẫn Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ 1-7-2025) và cho biết Chính phủ đang xây dựng hướng dẫn cụ thể. Ông cũng thông tin việc Bộ Chính trị đã đồng ý kéo dài thời gian làm việc của cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường đến 31-5-2026, đồng thời giao Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế phù hợp.
B.Vân