5 thảo dược tốt nhất cho người đái tháo đường

5 thảo dược tốt nhất cho người đái tháo đường
18 giờ trướcBài gốc
Khi mắc đái tháo đường, người bệnh có nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa, suy thận, tổn thương thần kinh, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp và bệnh mạch vành, giảm khả năng chống viêm, chống nhiễm khuẩn hay các vấn đề trong thai kỳ... Do đó, việc áp dụng những biện pháp hỗ trợ kiểm soát bệnh, ngăn ngừa biến chứng là rất cần thiết.
1. Các loại thảo dược hỗ trợ kiểm soát đường máu
1.1 Mướp đắng
Mướp đắng còn có tên gọi khác là khổ qua, cẩm lệ chi, lương qua, mướp mủ, chua hoa (Mường)... Theo Đông y mướp đắng vị đắng, tính lạnh; lợi về kinh can, tỳ, tâm, vị.
Trong mướp đắng chứa ít nhất ba hoạt chất có đặc tính chống tiểu đường, bao gồm charanti, đã được xác nhận là có tác dụng hạ đường huyết, vicine và một hợp chất giống insulin được gọi là polypeptide-p. Những chất này có thể hoạt động riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau để giúp giảm lượng đường trong máu.
Nước ép mướp đắng có tác dụng hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, mướp đắng chứa một loại lectin làm giảm nồng độ glucose trong máu bằng cách tác động lên các mô ngoại vi và ức chế cảm giác thèm ăn, tương tự như tác dụng của insulin trong não. Lectin này được cho là một yếu tố chính gây ra tác dụng hạ đường huyết sau khi ăn mướp đắng.
Có thể sử dụng mướp đắng dưới dạng món ăn như xào, hấp hoặc ép nước... để cải thiện tình trạng bệnh đái tháo đường.
1.2 Củ nghệ
Nghệ là một loại gia vị thực phẩm thường được sử dụng để giảm đau và chữa lành vết thương nhưng cũng có tác dụng ức chế bệnh tự miễn dịch bằng cách điều chỉnh các cytokine gây viêm. Hoạt chất chính trong nghệ là curcumin ngoài cung cấp lợi ích chống viêm còn có tác dụng chống oxy hóa giúp cải thiện độ nhạy insulin đồng thời làm giảm lượng đường trong máu cao
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng curcumin có thể cải thiện độ nhạy insulin và rất tốt cho người bệnh đái tháo đường type 2.
1.3 Gừng
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney, Úc, phát hiện ra rằng chiết xuất gừng giàu gingerols - thành phần hoạt tính chính của củ gừng - có thể làm tăng hấp thu glucose vào các tế bào cơ, do đó có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.
Bên cạnh đó, gừng còn chứa chiết xuất spissum và chiết xuất dầu, tương tác với các thụ thể serotonin giúp tăng cường tác dụng của nghệ đối với quá trình tiết insulin. Điều trị bằng các chiết xuất này có thể giảm 35% lượng đường trong máu và tăng 10% lượng insulin trong huyết tương.
Hơn nữa, khi sử dụng một liều gừng nhỏ mỗi ngày có thể giúp làm chậm sự khởi phát và tiến triển của đục thủy tinh thể, một trong những biến chứng liên quan đến thị lực của bệnh đái tháo đường.
1.4 Bạch quả
Bạch quả có tên gọi khác là ngân hạnh, áp cước tù, công tôn thụ; tên khoa học là Ginkgo biloba L.; thuộc họ Bạch quả Ginkgoaceae. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 được kiểm soát kém bằng metformin, việc bổ sung chiết xuất bạch quả có hiệu quả trong việc cải thiện kết quả điều trị.
1.5 Hành tây và tỏi
Việc sử dụng hành tây và tỏi để hỗ trợ giảm lượng đường trong máu rất phổ biến ở Châu Á, Châu Âu và Trung Đông. Những loại cây này chứa các hợp chất lưu huỳnh allicin và allyl propyl di sulphide có cấu trúc hóa học tương tự như insulin, do đó được cho là có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu.
2. Các biện pháp khác hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường
2.1 Giảm cân
Giảm cân giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị tiền đái tháo đường đường, bị thừa cân béo phì nên giảm ít nhất 5% đến 7% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
2.2 Vận động nhiều hơn
Khi vận động thường xuyên sẽ giúp cơ thể duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm lượng đường trong máu, tăng độ nhạy insulin. Bạn nên đặt mục tiêu dành khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc nhiều hơn cho hoạt động thể chất cường độ vừa phải như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe vào hầu hết các ngày trong tuần hoặc thực hiện ít nhất 75 phút mỗi tuần các hoạt động thể chất cường độ cao như chạy hoặc bơi...
Ngoài ra, để ngăn ngừa tiến triển của bệnh đái tháo đường, người bệnh có thể tập luyện sức mạnh, thăng bằng, giảm thời gian ngồi, thay đổi lối sống ít vận động...
Tập luyện nhiều hơn hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường.
2.3 Tiêu thụ thực phẩm nhiều chất xơ
Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất xơ, bao gồm trái cây, chẳng hạn như cà chua, ớt chuông, táo, ổi, dứa...; rau và các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt...
Thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường và hạ thấp lượng đường trong máu; cản trở quá trình hấp thụ chất béo và cholesterol trong chế độ ăn uống; kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như huyết áp và tình trạng viêm; giúp no lâu và giàu năng lượng hơn.
Ngoài ra, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như chất béo không bão hòa có trong quả bơ, dầu oliu, hướng dương...; tránh ăn nhiều thực phẩm béo có nhiều calo và nên bỏ qua chế độ ăn kiêng theo trào lưu mà thay vào đó là lựa chọn chế độ ăn lành mạnh hơn phù hợp sở thích và khả năng của bản thân mình.
Cảnh báo những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường | SKĐS
Lê Mỹ Giang
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/5-thao-duoc-tot-nhat-cho-nguoi-dai-thao-duong-169250402104918136.htm