Giày bốc mùi khó chịu là tình trạng phổ biến, gây khó chịu, mệt mỏi cho cả chủ nhân và những người xung quanh. Đặc biệt, với những người thường xuyên đi giày kín trong thời gian dài hoặc có bàn chân dễ đổ mồ hôi, mùi “khó ngửi” từ giày là điều khó tránh khỏi.
Tuyệt chiêu đánh bay mùi “khó ngửi” ở giày
Khi chân đổ mồ hôi và tiếp xúc với lớp lót trong giày, môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây ra mùi hôi khó chịu. Nếu bạn không vệ sinh giày định kỳ, vi khuẩn và nấm mốc sẽ tích tụ và phát triển, làm giày càng nặng mùi hơn, không chỉ làm bạn mất tự tin mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Dưới đây là những tuyệt chiêu khử mùi hôi giày đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả, giúp đánh bay mùi khó chịu, mang lại cảm giác thoải mái, tự tin và sảng khoái cho mỗi lần sử dụng.
Đánh bay mùi hôi giày bằng baking soda
Baking soda là chất khử mùi tự nhiên, có khả năng hút ẩm và ngăn vi khuẩn phát triển. Đây là một trong những nguyên liệu dễ tìm và rất hiệu quả để loại bỏ mùi hôi giày.
Bạn chỉ cần rắc một ít baking soda vào bên trong giày sau khi sử dụng và để qua đêm, sáng hôm sau đổ lớp bột và lắc nhẹ giày để loại bỏ hết phần bột còn sót lại. Baking soda sẽ giúp giày khô thoáng và giảm thiểu mùi hôi.
Baking soda có thể khử mùi "khó ngửi" ở giày. (Ảnh: The Spruce)
Dùng giấm trắng khử mùi hôi giày
Giấm trắng có khả năng khử mùi và diệt khuẩn tốt. Đây là cách đơn giản để bạn xử lý giày có mùi mà không cần dùng đến các hóa chất mạnh.
Bạn đem pha loãng giấm trắng với nước theo tỷ lệ 1:1 rồi dùng khăn mềm hoặc miếng bông tẩm dung dịch lau bên trong giày. Để giày khô tự nhiên, giấm sẽ bay hơi và giúp giảm mùi hôi đáng kể.
Mẹo khử mùi hôi giày bằng than hoạt tính
Than hoạt tính được biết đến với khả năng hút ẩm rất tốt và loại bỏ mùi hôi. Bạn có thể mua than viên nhỏ hoặc túi than hoạt tính tại các cửa hàng.
Đặt một túi nhỏ than hoạt tính vào trong giày và để qua đêm. Than sẽ hút hết mùi hôi ẩm ướt trong giày, giúp khử mùi hiệu quả.
Dùng túi trà khô
Túi trà khô có khả năng hút ẩm, khử mùi khá cao, vì thế việc bỏ trà khô vào trong giày sẽ giúp đôi giày khô ráo và giảm mùi khó chịu. Các loại trà còn mang lại hương thơm dịu nhẹ cho đôi giày.
Hãy đặt một hoặc hai túi trà khô vào trong mỗi chiếc giày và để qua đêm. Sáng hôm sau, bỏ túi trà ra, bạn sẽ thấy mùi hôi giày hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại mùi thơm của trà.
Giày của bạn sẽ bớt đi mùi khó ngửi chỉ bằng những túi trà khô. (Ảnh: Wynsors)
Sử dụng tinh dầu
Tinh dầu có khả năng kháng khuẩn tốt. Một số loại tinh dầu như bạc hà, oải hương, tràm trà không chỉ giúp giảm mùi hôi giày mà còn mang lại cảm giác thoải mái nhờ hương thơm dịu nhẹ. Bạn chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu vào miếng bông hoặc khăn giấy, sau đó đặt vào trong giày để qua đêm.
Một số cách phòng ngừa mùi hôi ở giày
- Vệ sinh giày thường xuyên: Để hạn chế mùi hôi giày, việc vệ sinh định kỳ là vô cùng quan trọng. Bạn có thể giặt giày theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc dùng khăn lau sạch bề mặt và lớp lót trong giày.
- Phơi khô giày sau mỗi lần sử dụng: Sau khi sử dụng, bạn nên đặt giày ở nơi thoáng mát để làm khô tự nhiên. Đừng để giày ở nơi ẩm thấp, đặc biệt là sau khi tập thể thao hoặc trong thời tiết mưa ẩm.
- Sử dụng lót giày kháng khuẩn: Hiện nay có nhiều loại lót giày kháng khuẩn và chống mùi trên thị trường. Lót kháng khuẩn có thể giúp giảm bớt vi khuẩn, hạn chế tình trạng giày có mùi hôi.
- Hạn chế đi giày quá chật hoặc quá kín: Đi giày quá chật hoặc giày kín sẽ khiến chân dễ đổ mồ hôi hơn, gây mùi hôi nhanh chóng. Hãy chọn loại giày thoáng khí, vừa vặn với chân để hạn chế mồ hôi.
Ngoài ra, để giữ giày luôn khô thoáng, bạn cần lưu ý:
- Không để giày ở nơi ẩm thấp: Môi trường ẩm thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, khiến giày bốc mùi nặng.
- Không để giày bị ướt: Nếu giày bị ướt, hãy phơi khô ngay lập tức hoặc sử dụng máy sấy giày để tránh tình trạng hôi mốc.
- Thay miếng lót giày: Nên thay miếng lót giày 2 tháng một lần
- Thay tất hàng ngày: Tất sau khi đi về nên giặt và thay thường xuyên để ngăn chặn mùi hôi ở giày.
NGUYỆT ÁNH (Tổng hợp)