Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại Quảng trường 3-2 tỉnh Nam Định. Ảnh: INT.
Chiến công đó gắn liền với công lao to lớn của những vị tướng xuất sắc như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật.
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là vị tướng kiệt xuất nhất của triều Trần hiển hách. Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn gắn liền chiến công đánh bại giặc Mông - Nguyên, đội quân hung hãn và tàn bạo nhất thế giới trong thế kỷ XIII. Chiến thắng đã đưa ông trở thành một trong những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử quân sự thế giới.
Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, ngay cả quân Mông - Nguyên đương thời cũng không dám gọi thẳng tên ông, chúng chỉ thường gọi ông là “An Nam Hưng Đạo Đại vương”.
Ngoài tài năng về mặt quân sự, Trần Hưng Đạo còn để lại cho hậu thế những tư tưởng lớn về xây dựng đất nước, chăm lo cuộc sống cho nhân dân... Trong đó, nổi bật là tư tưởng lấy dân làm gốc như lời khuyên của ông dành cho vua Trần Anh Tông trước khi qua đời: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”.
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255 - 1330) là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Ông là danh tướng nổi tiếng với những công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287 - 1288).
Ông chính là người chỉ huy đánh tan đội quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử vào năm 1285. Theo Đại Việt sử ký toàn thư “công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.
Ngoài tài năng nổi bật trên mặt trận quân sự, Trần Nhật Duật còn được sử sách ghi nhận là nhà ngoại giao xuất sắc nhất của nhà Trần. Ông vốn rất giỏi ngoại ngữ, biết được nhiều thứ tiếng, phong tục tập quán của các nước lân bang.
Trần Nhật Duật từng “uống rượu bằng mũi, ăn bằng tay” để thu phục thủ lĩnh quân nổi loạn Trịnh Giác Mật ở Đà Giang, khiến sứ thần nhà Nguyên nể phục vì biết hết phong tục tập quán của họ.
Tài năng và công lao bao trùm triều chính nhưng Trần Nhật Duật lại là người nhã nhặn, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt.
Trong việc nước, ông rất trung thực và thẳng thắn. Xứng đáng là danh tướng văn võ toàn tài trong sử Việt. Dù xuất thân là một hoàng tử nhưng ông được sử sách ghi nhận là người rất giữ phép nước, không bao giờ ỷ thế xuất thân quý tộc để làm những chuyện trái với luật pháp lúc bấy giờ.
Đền thờ Trần Khánh Dư tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Chiêu Minh vương Trần Quang Khải
Trần Quang Khải (1241 - 1294) là con thứ ba của vua Trần Thái Tông. Sinh thời, ông được phong tước Chiêu Minh đại vương, Tướng quốc Thái úy, Thượng tướng Thái sư, nắm giữ quyền nội chính.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai chỉ sau Trần Quốc Tuấn, có nhiều công lao lớn trên chiến trường. Thượng tướng Trần Quang Khải chính là chỉ huy tối cao trong trận đánh tan quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy ở Chương Dương và Thăng Long, khôi phục kinh thành vào cuối tháng 5/1285. Được sử sách đánh giá “là chiến công to nhất lúc bấy giờ”.
Trần Quang Khải còn là một nhà ngoại giao tài giỏi, nhà thơ lớn của dân tộc với nhiều tác phẩm có giá trị cho nền văn học nước nhà. Nối nghiệp ông, con trai là Văn Túc vương Trần Đạo Tái cũng nổi tiếng về sự nghiệp văn chương lúc bấy giờ.
Hổ tướng Phạm Ngũ Lão
Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) chính là bộ tướng xuất sắc nhất của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Ông vốn người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285), Phạm Ngũ Lão cùng Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền lớn của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long.
Sau đó, ông phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía Bắc, diệt được nhiều tướng địch. Trong kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba (1287 - 1288), Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.
Ngoài ra, Phạm Ngũ Lão còn ba lần cất quân đi trừng phạt quân Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành. Theo những tư liệu lịch sử còn lưu lại đến nay, suốt sự nghiệp cầm quân lừng lẫy của mình, Phạm Ngũ Lão chưa hề biết mùi thất bại.
Tướng bán than Trần Khánh Dư
Trần Khánh Dư (1240 - 1340), hiệu là Nhân Huệ vương, dù có nhiều tật xấu, bị sử sách phê phán nhưng ông là viên tướng tài giỏi. Trong 3 lần kháng chiến chống Mông – Nguyên, Trần Khánh Dư đều lập nên công lớn. Tiêu biểu là chiến thắng Vân Đồn vang danh sử sách năm 1287.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vì mắc tội thông dâm, Trần Khánh Dư bị phạt đánh 100 roi, đuổi về quê, tước hết gia sản. Trở về Chí Linh, ông làm nghề đốt than kiếm sống. Sau này, Trần Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông tha tội, cho phục chức, cầm quân giết giặc lập công.
Cuối năm 1287, dưới sự chỉ huy của Trần Khánh Dư, quân Trần đã đánh tan đoàn thuyền lương tới 170 nghìn thạch của nhà Nguyên do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Chiến thắng của Trần Khánh Dư đã buộc quân Nguyên rơi vào thế bị động. Trên đường rút lui, chúng đã bị Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão đánh cho tan tác. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về Trung Quốc.
Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão và Trần Khánh Dư chính là 5 vị tướng nổi bật của triều Trần, có công lớn trong kháng chiến chống Mông – Nguyên đã được nhà sử học Phan Huy Chú liệt kê công trạng, ghi chép trong “Lịch triều hiến chương loại chí” - Tập sách được xem như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam.
Nguyễn Thanh Điệp