5 yếu tố định hình cục diện chính trường Mỹ năm 2025

5 yếu tố định hình cục diện chính trường Mỹ năm 2025
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 20-1 tới, ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ, đánh dấu sự thay đổi quyền lực lớn tại Washington. Dù đảng Cộng hòa của ông Trump đã thắng cả Nhà Trắng và quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua, điều này không đồng nghĩa với việc đảng này sẽ có một tương lai dễ dàng.
Dưới đây là những yếu tố định hình cục diện chính trường Mỹ năm 2025, theo tờ The Hill.
Những rạn nứt giữa quốc hội và ông Trump
Khoảng thời gian đầu sau bầu cử Mỹ dường như là khoảnh khắc huy hoàng của đảng Cộng hòa nhưng có lẽ cũng chỉ là thời gian trăng mật ngắn ngủi.
Chỉ vài tuần sau khi giành quyền kiểm soát quốc hội và Nhà Trắng vào nhiệm kỳ tới, những căng thẳng bắt đầu nảy sinh giữa một số nghị sĩ Cộng hòa với tổng thống đắc cử. Tại Thượng viện, mâu thuẫn xuất hiện xoay quanh một số nhân sự mà ông Trump đề cử, đặc biệt là ông Pete Hegseth - người được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, và bà Tulsi Gabbard - người được chọn cho vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Tòa nhà quốc hội Mỹ (Điện Capitol) tại thủ đô Washington, D.C (Mỹ). Ảnh: AFP
Ông Hegseth vấp phải sự phản đối sau khi một báo cáo của cảnh sát công bố tháng trước hé lộ cáo buộc từ một phụ nữ rằng ông đã tấn công tình dục bà cách đây bảy năm. Vụ việc không dẫn đến cáo buộc hình sự, và ông Hegseth đã phủ nhận mọi hành vi sai trái, khẳng định rằng sự việc diễn ra là đồng thuận.
Trong khi đó, đề cử bà Gabbard làm lãnh đạo tình báo hàng đầu của Mỹ cũng đối mặt con đường đầy chông gai tại Thượng viện. Nguyên nhân đến từ việc bà Gabbard từng gặp Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad, bày tỏ quan điểm thân thiện với Nga, và từng kêu gọi ông Trump ân xá cho ông Edward Snowden – người đã sống tại Nga hơn một thập niên sau khi tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật của Mỹ.
Dù các thượng nghị sĩ đã thành công ngăn chặn cựu nghị sĩ Matt Gaetz trở thành ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, những nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện – đặc biệt là những người sẽ tái tranh cử vào năm 2026 – khó có thể tiếp tục bác bỏ quá nhiều đề cử khác mà không lo bị thách thức trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng.
Trong khi đó, vị trí Chủ tịch Hạ viện của ông Mike Johnson có vẻ đang lung lay sau khi dự luật tài trợ chính phủ lưỡng đảng do ông đề xuất bị bác bỏ, xuất phát từ sự phản đối của ông Trump, tỉ phú Elon Musk và một số người khác.
Dù cuối cùng chính phủ Mỹ đã thoát khỏi nguy cơ đóng cửa, một số hạ nghị sĩ đã bày tỏ bất mãn với cách các lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện về việc xử lý dự luật tài trợ chính phủ.
Ông Johnson đã nhận được sự ủng hộ của ông Trump để tiếp tục giữ ghế Chủ tịch Hạ viện sau cuộc bầu cử tháng 11-2024. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông có thể tập hợp đủ sự ủng hộ từ các đồng nghiệp và từ chính ông Trump để duy trì vị trí này hay không.
Ảnh hưởng của tỉ phú Elon Musk
Tỉ phú Elon Musk đang trở thành một nhân vật ngày càng có ảnh hưởng trong chính trị Mỹ sau khi chi 250 triệu USD để hỗ trợ ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.
Tỷ phú Elon Musk (phải) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES
Sức ảnh hưởng của ông Musk tiếp tục tăng sau chiến thắng của ông Trump. Cụ thể, ông Musk và tỉ phú Vivek Ramaswamy đều được tổng thống đắc cử chọn làm đồng lãnh đạo “Bộ Hiệu quả chính phủ” (DOGE) với nhiệm vụ là “giải thể bộ máy quan liêu chính phủ, cắt giảm quy định dư thừa, xóa bỏ chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.
Gần đây, ông Musk và ông Ramaswamy đã thu hút sự chú ý khi mạnh mẽ phản đối dự luật chi tiêu chính phủ đầu tiên của Chủ tịch Hạ viện Johnson. Quan điểm của hai người nhận được sự ủng hộ từ một số đảng viên Cộng hòa. Sau đó, ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance cũng tuyên bố phản đối dự luật trên.
“Ông Musk và ông Ramaswamy sẵn sàng tham gia sâu vào việc thực hiện các chính sách của ông Trump” - một nhà lập pháp đảng Cộng hòa chia sẻ với The Hill.
Tuy nhiên, ông Trump và đội ngũ của ông bác bỏ quan điểm cho rằng ông Musk là người đưa ra các quyết định chiến lược, đặc biệt liên quan việc phản đối dự luật chi tiêu của ông Johnson.
Trong một sự kiện ở bang Arizona cuối tuần qua, ông Trump nhắc đến ông Musk: “Ông ấy sẽ không trở thành tổng thống, điều đó tôi có thể khẳng định. Các bạn biết vì sao không? Vì ông ấy không sinh ra ở đất nước này”.
Ảnh hưởng của ông Trump trong bầu cử sơ bộ
Năm 2025 không phải năm bầu cử lớn, ngoại trừ một số cuộc bầu cử đáng chú ý ở cấp bang tại New Jersey và Virginia. Tuy nhiên, sự chú ý đã bắt đầu hướng đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 và vai trò của ông Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES
Khi căng thẳng giữa các nghị sĩ Cộng hòa và tổng thống đắc cử đã bắt đầu lộ diện, một số thành viên đảng này có thể đối mặt với rủi ro lớn trong chiến dịch tái tranh cử nếu mâu thuẫn với ông Trump.
Gần đây nhất, ông Trump tiếp tục đe dọa thúc đẩy ứng cử viên đối đầu với Hạ nghị sĩ Chip Roy vì ông Roy phản đối việc nâng trần nợ mà không đi kèm cắt giảm chi tiêu.
Ảnh hưởng của ông Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa không phải điều mới. Suốt nhiều năm qua, sự ủng hộ của nhà lãnh đạo này đã đóng vai trò quan trọng, thường quyết định ai giành được đề cử của đảng.
Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, một số ứng viên do ông Trump ủng hộ, như ông Herschel Walker (ứng viên đại diện bang Georgia tranh cử vào Thượng viện Mỹ), ông Mehmet Oz (ứng viên đại diện bang Pennsylvania tranh cử vào Thượng viện Mỹ), và bà Kari Lake (ứng viên Thống đốc bang Arizona), đã thắng trong các cuộc bầu cử nội bộ của đảng Cộng hòa nhưng không vượt qua được vòng bầu cử cuối cùng.
Dù vậy, ông Trump vẫn ghi dấu một số chiến thắng, đáng chú ý nhất là việc ủng hộ thành công ông Vance – hiện là Phó Tổng thống đắc cử – trong cuộc bầu cử sơ bộ Thượng viện bang Ohio.
Nỗ lực tái định hình của đảng Dân chủ sau thất bại
Đảng Dân chủ vẫn đang chật vật vượt qua thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, khi đảng này thua tất cả các bang chiến trường và một số thượng nghị sĩ chủ chốt, bao gồm việc ông Jon Tester (bang Montana) và ông Sherrod Brown (bang Ohio) không giữ được ghế. Kết quả này khiến đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Thượng viện.
Các đảng viên Dân chủ đã thực hiện những cuộc đánh giá nội bộ, và nhiều người cho rằng lý do lớn nhất khiến đảng này thất bại là do cách cử tri nhìn nhận về thương hiệu của đảng.
“Thương hiệu của chúng ta đang bị đảo ngược hoàn toàn” - ông Ken Martin, Chủ tịch đảng Dân chủ-Nông dân-Lao động Minnesota (DFL, một đảng chính trị liên kết với đảng Dân chủ) và ứng cử viên cho vị trí chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), nói với The Hill.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại mà chúng ta chứng kiến nhận thức của người dân Mỹ về hai đảng chính trị theo cách đa số tin rằng đảng Cộng hòa đại diện cho tầng lớp lao động và người nghèo, còn đảng Dân chủ lại bị coi là đảng của giới giàu có và tinh hoa” - ông Martin nói thêm.
Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để đảng Dân chủ tái tổ chức và giải quyết các vấn đề trên. Một gợi ý ban đầu có thể đến từ cuộc đua vị trí chủ tịch DNC diễn ra vào tháng 2, khi đảng sẽ bầu chọn lãnh đạo mới.
Bất đồng trong các vấn đề quốc tế
Xung đột Nga-Ukraine và cuộc chiến Israel-Hamas đã làm nổi bật các chia rẽ chính trị và thậm chí trở thành yếu tố quyết định kết quả bầu cử Mỹ.
Cuộc chiến giữa Israel và nhóm Hamas đã làm dậy sóng các cuộc bầu cử sơ bộ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vừa qua. Điển hình là trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống đảng Dân chủ, nhiều thành viên của đảng đã tức giận vì cách xử lý của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với cuộc chiến và đã bỏ phiếu “không cam kết” chống lại vị tổng thống đương nhiệm.
Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đã làm nổi bật sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa giữa bên mong muốn giảm sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến và bên ủng hộ can thiệp, tin rằng Mỹ cần làm nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.
Ngoài ra, ông Trump đã gây căng thẳng với các nước xung quanh bằng lời kêu gọi sáp nhập kênh đào Panama (Panama) và Greenland (Đan Mạch) vào Mỹ.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/5-yeu-to-dinh-hinh-cuc-dien-chinh-truong-my-nam-2025-post828031.html