Tiểu đoàn 309 tiêu diệt phân chi khu Đôn Châu (Duyên Hải).
Trung đoàn I Quân khu 9 được thành lập năm 1963 tại vùng cứ địa xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Lúc đầu, Trung đoàn tác chiến chủ yếu tại địa bàn các tỉnh phía dưới như Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá với các trận đánh nổi tiếng như Dầm Dơi, Cái Nước, Bà Ai Cai Giảng, Lục Phi, Chà Là, An Biên, Vĩnh Thuận... Sau đó, Trung đoàn tiếp tục phát triển dần lên các tỉnh phía trên như Sóc Trăng, Cần Thơ với các trận đánh điển hình như Cò Tuất - Kinh Xuôi, Xẻo Giá - Thanh Thủy, Ba Huân - Ngã Cạy, Ngã Năm Thạnh Trị, Vòng Cung Phong Điền, Bà Đầm Thác Lác... Mùa hè đỏ lửa năm 1972, Trung đoàn về đứng chân và giải phóng một mảng quan trọng phía Nam huyện Long Mỹ, quét sạch một loạt đồn bót, cơ bản giải phóng các xã Vĩnh Viễn, Lương Tâm và Xà Phiên.
Năm 1973, Trung đoàn di chuyển lên Phụng Hiệp, đứng chân và quần nhau với 21 tiểu đoàn địch, với hàng loạt các trận thắng giòn giã ở Cái Cao, Nhà Nước, Rọc Dứa, Quang Phong, Đồng Gò, Đức Bà, Phủ Thuật, Búng Tàu…, tích cực góp phần đánh bại 75 tiểu đoàn địch tràn ngập lãnh thổ phá hoại Hiệp định Pa-ri năm 1973, làm nên Chiến thắng Chương Thiện vang dội, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng. Khoảng gần cuối năm 1974, Trung đoàn phát triển lên đến tận huyện Kế Sách cặp bờ Sông Hậu. Lúc này tình thế cách mạng đã có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng có lợi cho cách mạng!
Chuẩn bị đón thời cơ mới, cuối năm 1974, Trung đoàn nhận lệnh hành quân qua đứng chân chiến đấu bên chiến trường Vĩnh Trà của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Thế là Trung đoàn phải chuẩn bị một cuộc vượt Sông Hậu với bao niềm bâng khuâng lưu luyến! Trên chục năm đứng chân chiến đấu trên địa bàn các tỉnh Tây Sông Hậu với những chiến tích vẻ vang, đồng thời cũng đầy gian khổ, hy sinh! Đây là chiến trường quen thuộc, với những tấm lòng cưu mang của bà con trung kiên ở U Minh, Gò Quao, Giồng Riềng, Hồng Dân, Thạnh Trị, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành… nay phải tạm biệt qua bên kia bờ Sông Hậu sao tránh khỏi những quyến luyến nhớ thương! Nhưng vì thời cơ cách mạng đã tới gần nên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tất cả đều háo hức chuẩn bị cho cuộc vượt sông quan trọng này, dẫu biết rằng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, chết chóc!
Tiểu đoàn đặc công 2012 đánh chiếm sân bay Vĩnh Long.
Cuộc vượt Sông Hậu diễn ra trong 03 đêm của trung tuần tháng 11/1974, tại khúc sông An Lạc Thôn, Cù lao Rồng và Cù lao Công Điền của huyện Kế Sách, tỉnh Cần Thơ qua xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên cuộc vượt sông diễn ra an toàn, toàn Trung đoàn đã qua tới đất Trà Vinh nhưng kẻ địch không hề hay biết! Nhớ lại trước đây, vào cuối năm 1966, Tiểu đoàn 306 cũng đã quyến luyến tách khỏi đội hình Trung đoàn bí mật vượt Sông Hậu qua Vĩnh Trà để chiếu đấu và gầy dựng lực lượng gây dựng phong trào chiến tranh nhân dân, trong đó có việc ra đời Trung đoàn 3 - trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 9 trên chiến trường Vĩnh Trà. Cuộc vượt Sông Hậu qua Vĩnh Trà chiến đấu lần này khác hơn trước, kỳ này là cả một trung đoàn hơn hai ngàn quân, với một sức mạnh mới, thời cơ mới, khí thế mới!
Chiến trường Vĩnh Trà là một dải đất hẹp nằm kẹp giữa Sông Tiền và Sông Hậu, kéo dài từ tỉnh lỵ Vĩnh Long xuống đến tận dưới biển Duyên Hải. Ở đây địch có hai tiểu khu quân sự mạnh là Vĩnh Long và Vĩnh Bình (Trà Vinh), có 02 sư đoàn bộ binh 7 và 9 thường xuyên túc trực, có sự chỉ huy và hỗ trợ trực tiếp của Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật đóng bên Cần Thơ. Nhân dân nơi đây có đông đồng bào Khmer, đa phần có truyền thống cách mạng. Về lực lượng của ta, có Trung đoàn 3 chủ lực của quân khu và các đơn vị bộ đội địa phương hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Đây là địa bàn có vị trí then chốt, cắt được Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1), ta sẽ chia cắt địch ở Cần Thơ và Sài Gòn không cho chúng chi viện cho nhau. Quân khu 9 đã chọn Vĩnh Trà làm trọng điểm số một trong Chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, trong đó Trung đoàn I giữ vai trò là lực lượng chủ công.
Sơ đồ tác chiến của Trung đoàn 1 trên đất Vĩnh Trà.
Vừa đặt chân lên đất Cầu Kè, dù địa hình còn mới lạ, nhưng Trung đoàn đã phải vừa nhanh chóng ổn định chỗ nơi ăn nghỉ vừa nhận nhiệm vụ chiến đấu ngay trong chiến dịch mùa khô. Nhờ có sự phối hợp tốt với địa phương nên Trung đoàn đã mở màn chiến dịch thắng lợi bằng trận tiêu diệt gọn phân chi khu Tam Ngãi và đồn Bà My giữa ban ngày do Tiểu đoàn 307 cường tập. Đây là trận đánh gây bất ngờ lớn đối với quân địch, Trung đoàn phát huy tốt sở trường của lối đánh cường tập đồn địch giữa ban ngày, đây là kinh nghiệm từ đất Cần Thơ đem qua. Đi sâu vào chiến dịch, Trung đoàn lần lược có chuỗi những trận thắng quan trọng từ Cầu Kè qua Tiểu Cần, Trà Cú, xuống tận Duyên Hải rồi quay trở lên Trà Ôn, Tam Bình, Măng Thít, Bình Minh, Lộ 4…, đặc biệt có những cứ điểm của địch Trung đoàn đã phải đánh tiêu diệt đến hai ba lần, như hai phân chi khu Tập Sơn của huyện Tiểu Cần và Hàm Giang của huyện Trà Cú. Những địa danh đã từng in dấu chân người lính Trung đoàn đi qua, như Bà My, Cầu Quan, Hùng Hòa, An Quảng Hữu, Tập Sơn, Hàm Giang, Đôn Châu, Long Toàn, Long Khánh, Vĩnh Xuân, Thầy Phó, Thuận Thới, Ba Kè, Măng Thích, Ba Càng, Long Hồ, Cái Vồn…
Có thể nói, từ ngày có mặt ở Vĩnh Trà, Trung đoàn đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch ở 2 tiểu khu Vĩnh Bình và Vĩnh Long của địch, trong đó riêng ở Trà Vinh, trong 02 tháng Trung đoàn đã tiêu diệt 9 phân chi khu và nhiều đồn bót khác, diệt hơn 2.000 tên địch, giải phóng 8 xã với hơn 72.000 dân. Kết quả này đã làm thối động tinh thần ngụy quân, ngụy quyền trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng địa phương phát triển rộng khắp. Đến ngày 30/4, lực lượng trung đoàn đã áp sát thị xã Vĩnh Long, đánh chiếm hậu cứ Sư đoàn 9 ở Long Hồ, chiếm sân bay Vĩnh Long, cắt đứt Quốc lộ 4, đẩy khí thế cách mạng lên cao chưa từng có, dẫn tới giải phóng hoàn toàn hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Có được thành quả này, nhờ có nhân dân và các lực lương địa phương của Trà Vinh và Vĩnh Long đã hết lòng ủng hộ giúp đỡ, phối hợp hỗ trợ đắc lực để trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ!
Dường như đã nặng gánh nợ duyên, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh gần cuối tháng 4, Tiểu đoàn 303 từ Vĩnh Long đã tách khỏi đội hình Trung đoàn, hăm hở vượt Sông Hậu quay trở về bờ Tây hợp sức giải phóng Cần Thơ, góp phần giải phóng miền Tây, giải phóng miền Nam. Dòng Hậu Giang tuy rộng lớn nhưng không thể chia cách được tình cảm sâu nặng của Trung đoàn I với mảnh đất bờ Tây đầy nghĩa tình. Đúng là, đi xa rồi cũng trở về!
Trung đoàn I sinh ra từ Cà Mau, rồi lớn dần lên, mở đường đi về hướng Đông, qua những làng quê của Rạch Giá, Bác Liêu, Sóc Trăng, rồi đến Cần Thơ trụ lại phá tan bức màn đêm bình định của Mỹ ngụy, tiến tới làm nên Chiến thắng Chương Thiện lịch sử, mở ra thời cơ lớn cho cách mạng miền Nam. Chiến thắng Chương Thiện đã đưa tới có cuộc vượt dòng Sông Hậu lịch sử của Trung đoàn I, để biến cơ hội thành hiện thực - giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà! Sông Hậu đúng là dòng sông “có hậu” như tên gọi của nó!
Người thân viếng mộ anh Mãnh ở nghĩa trang liệt sĩ Hậu Giang.
Trong suốt cuộc hành trình lịch sử của Trung đoàn, đã có hàng ngàn trận đánh diễn ra và trên năm ngàn chiến sĩ Trung đoàn đã anh dũng nằm lại đâu đó bên đôi bờ Sông Hậu! Có những hình ảnh thật đong đầy cảm xúc tiếc thương! Trên đường Đông tiến, có nhiều con em của vùng quê Vĩnh Viễn, Long Mỹ gia nhập vào đoàn quân Trung đoàn, rồi vượt qua Sông Hậu, chiến đấu anh dũng trên chiến trường Vĩnh Trà, nhưng rồi gần sát tới ngày giải phóng, có những người đã phải nằm lại bên đất Vĩnh Trà, không kịp chứng kiến cảnh đất nước thanh bình tự do! Thật xúc động, khi mới đây, liệt sĩ Bùi Tiến Mãnh quê ở vịnh Chà Là, xã Vĩnh Viễn, thuộc Long Mỹ, Cần Thơ, hy sinh trong trận Ba Càng đêm 11/4/1975, đã được gia đình tìm gặp mộ phần và đã đưa hài cốt anh từ nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Long bên kia bờ Sông Hậu về với đất mẹ Hậu Giang, để từ đây anh mãi được yên nghỉ gần gũi với gia đình và quê hương xứ sở!
Bây giờ có dịp qua cầu Cần Thơ, nhìn dòng Sông Hậu xuôi chảy êm đềm về phía biển, ký ức những người trong cuộc ắt sẽ hồi nhớ về những kỷ niệm một thời… Nhớ về chiến trường Vĩnh Trà, nhớ về bà con Vĩnh Long và Trà Vinh, nhớ về những chiến sĩ Trung đoàn đã nằm xuống, nhất là nhớ về cuộc hành quân vượt dòng Sông Hậu lịch sử cách nay 50 năm!
LÊ PHƯỚC