Chiến công oanh liệt, hào hùng đó trước hết bắt nguồn từ đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ cùng sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng; là kết quả tổng hợp của những yếu tố, trong đó có sự đóng góp to lớn của công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT).
CTĐ, CTCT góp phần quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng và quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị trong các tổ chức, lực lượng và xây dựng ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên các chiến trường, nhất là sau thắng lợi của chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Phước Long (cuối năm 1974, đầu năm 1975) đã tạo ra cục diện mới, quân ngụy ngày càng suy yếu và khả năng Mỹ khó quay trở lại để cứu ngụy. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương (QUTƯ) hằng ngày, hằng giờ theo dõi, nắm chắc tình hình phát triển của cuộc tổng tiến công, trực tiếp chỉ đạo sát sao. Chiến dịch Tây Nguyên-đòn tiến công mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi đã củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị. Tại cuộc họp ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975; đến ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975.
Lễ chuyển giao cờ chiến thắng trước khi vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu
55 ngày đêm thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QUTƯ đã ban hành nhiều chỉ thị và liên tục gửi hàng chục bức điện chỉ đạo quân dân ta nắm vững thời cơ chiến lược, hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quyết tâm giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất. Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp đã kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ thị, công điện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mệnh lệnh, chỉ thị của QUTƯ và cấp trên.
Tập trung giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, lực lượng và từng CB, CS nắm chắc tình hình, nhiệm vụ cách mạng, hiểu rõ sức mạnh áp đảo của ta đối với địch cả về chiến lược, quân sự, chính trị và ngoại giao; sự trưởng thành, lớn mạnh và sức mạnh chiến đấu của chủ lực ta; chỉ rõ sự bế tắc, bất lực của đế quốc Mỹ và sự suy yếu, đứng trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những chiến thắng to lớn của quân dân ta trong giải phóng tỉnh Phước Long (miền Đông Nam Bộ), giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột và các tỉnh Tây Nguyên, giải phóng Đà Nẵng, quét sạch quân địch ra khỏi các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng đến Cam Ranh... Xây dựng tinh thần hành động cách mạng “một ngày bằng hai mươi năm” và ý chí chiến đấu “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo cho các lực lượng và từng CB, CS từ các hướng, các mũi tiến công vào Sài Gòn, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
CTĐ, CTCT trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã góp phần to lớn quán triệt phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; tinh thần quyết chiến, quyết thắng, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, lấy LLVT là nòng cốt; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị; kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, đánh địch ở cả 3 vùng chiến lược, bằng 3 mũi giáp công; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các binh đoàn chủ lực với LLVT và nhân dân địa phương; tạo thời cơ, nắm vững thời cơ mở những đòn tiến công chiến lược mạnh mẽ vào Sài Gòn từ nhiều hướng, nhiều mũi, bao vây, thọc sâu để tiêu diệt địch...
CTĐ, CTCT trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành với quy mô, phạm vi rộng lớn, bằng nhiều nội dung, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.
CTĐ, CTCT trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành gắn với thực hiện nhiệm vụ của 3 chiến dịch lớn (Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh) trên quy mô, phạm vi rộng lớn khắp từ vùng Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung và các tỉnh Nam Bộ. Hoạt động CTĐ, CTCT trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã bám sát tình hình, nhiệm vụ và thực tiễn chiến đấu trên chiến trường để xác định nội dung và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp, phương thức tiến hành.
Các chiến dịch lớn của quân dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra quyết liệt, khẩn trương, mau lẹ để thực hiện hiệu quả phương châm tác chiến “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Do vậy, cùng với công tác giáo dục, quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhiệm vụ tác chiến của từng cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực của người chỉ huy trong tác chiến. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên trong thông qua quyết tâm, kế hoạch chiến đấu của người chỉ huy và ban hành các chủ trương, biện pháp lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Tổ chức sinh hoạt dân chủ quân sự, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm chiến đấu hiệu quả và xây dựng niềm tin chiến thắng, động viên, cổ vũ CB, CS hăng hái chiến đấu, lập công. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, ý thức tự giác của đội ngũ đảng viên và giáo dục cho CB, CS nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ bí mật, tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và kỷ luật chiến trường. Thường xuyên thông tin tình hình, kịp thời tuyên truyền, phổ biến về những thắng lợi to lớn của quân dân ta trên các mặt trận. Xây dựng, củng cố và phát huy mạnh mẽ nhân tố chính trị, tinh thần, động viên, cổ vũ CB, CS vượt qua mọi khó khăn, không ngại gian khổ, hy sinh, hăng hái chiến đấu trong từng trận đánh, tiến công mạnh mẽ, đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân dân ta đến thắng lợi vẻ vang.
CTĐ, CTCT đã góp phần làm tan rã quân địch và tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái nổi dậy, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của quân chủ lực, LLVT địa phương với nổi dậy của quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Công tác địch vận, tiến công binh vận làm suy sụp tinh thần và tan rã hàng ngũ quân địch là cách đánh phát huy sức mạnh chính nghĩa của quân dân ta trên chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, công tác binh vận, địch vận đã trở thành một mũi tiến công sắc bén, hữu hiệu, góp phần làm tan rã tinh thần của binh lính, sĩ quan và lực lượng phòng vệ dân sự của địch.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27-1-1973), Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Song, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Trước khi rút quân, đế quốc Mỹ đã đổ gần 2 triệu tấn vật tư và phương tiện chiến tranh vào miền Nam, cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho ngụy quyền Sài Gòn hòng giúp bọn tay sai bù nhìn duy trì chế độ thực dân mới. Ngụy quyền Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm đất đai, gây thêm bao tội ác với đồng bào ta ở miền Nam.
Trước những thắng lợi liên tiếp của quân dân ta, đầu năm 1974, tình hình đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt, thắng lợi của chiến dịch tiến công giải phóng Phước Long báo hiệu sự suy yếu của ngụy quân. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, CTĐ, CTCT đã góp phần quán triệt, thực hiện hiệu quả phương châm chỉ đạo kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; kết hợp 3 mũi giáp công (tiến công quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận)... Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tham gia chiến dịch, sau khi giành thắng lợi giải phóng các quận, huyện, thị xã... nhanh chóng tiếp quản các đài phát thanh, bảo quản tốt máy móc, phương tiện kỹ thuật và sử dụng đài phát thanh để phát tin, thông báo chiến thắng của ta; tuyên truyền, kêu gọi quần chúng nhân dân nổi dậy...
Thực tiễn cho thấy, cùng với đòn tiêu diệt lớn của bộ đội chủ lực trên chiến trường, công tác binh vận, địch vận của Quân đội ta đã làm cho đấu tranh vũ trang luôn kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, kết hợp giữa chiến tranh cách mạng và nổi dậy của quần chúng, vừa đánh địch, tố cáo tội ác của chúng vừa đẩy mạnh tiến hành công tác binh vận, địch vận... làm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 luôn có sự tham gia hỗ trợ của hàng triệu quần chúng cách mạng, yêu nước, thực hiện càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng...
CTĐ, CTCT đã góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết chiến đấu và nâng cao chất lượng, hiệu quả tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lần đầu tiên Quân đội ta đã sử dụng các quân đoàn binh chủng hợp thành và hình thức tác chiến hiệp đồng các quân chủng, binh chủng hiện đại. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta huy động 4 quân đoàn chủ lực, tập trung lực lượng và vũ khí, trang bị, phương tiện với quy mô lớn, triển khai tiến công mạnh mẽ từ 5 hướng để đánh vào nội đô Sài Gòn. Tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng cấp chiến dịch, chiến lược đặt ra yêu cầu cao về sự đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ của các binh đoàn chủ lực, giữa bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp, phòng không-không quân; hiệp đồng giữa các đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch với bộ đội địa phương và dân quân, du kích...
Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp đã tiến hành toàn diện, đồng bộ các nội dung, biện pháp CTĐ, CTCT. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tổ chức chiến đấu và đoàn kết hiệp đồng chiến đấu; xây dựng ý thức triệt để chấp hành mệnh lệnh, chấp hành kỷ luật trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng và làm tốt công tác bảo đảm...
Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, Bộ Chính trị, QUTƯ điều động gấp nhiều đơn vị từ miền Bắc, từ chiến trường Quân khu 5 và các đơn vị từ Mặt trận Tây Nguyên tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Mặc dù điều kiện thời gian cơ động gấp, địa hình phức tạp và địch kháng cự quyết liệt... song, các đơn vị bộ đội chủ lực đã nhận được sự chỉ dẫn, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của LLVT cùng nhân dân địa phương, vừa cơ động vừa chiến đấu, nhanh chóng tiến công nhiều hướng, nhiều mũi về trung tâm Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...
Thiếu tướng, PGS, TS ĐẶNG SỸ LỘC, Giám đốc Học viện Chính trị